Không chọn tổ chức đám cưới tại nhà hàng, khách sạn sang trọng, 13 cặp uyên ương Hà Nội đã tìm đến cửa Phật để làm đám cưới.

Sáng 10/9 (ngày 6/8 âm lịch), Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Long Biên, Hà Nội) đã tổ chức đám cưới theo nghi thức Phật giáo cho 13 đôi uyên ương. Dưới chân Tam Bảo, trong sự chứng kiến của các sư thầy, cha mẹ, họ hàng đôi bên và những Phật tử tại Thiền viện, lễ Hằng Thuận của các cô dâu chú rể đã diễn ra trang nghiêm và đầm ấm.

Từ sớm, các đôi tân duyên đã cùng gia đình đến Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc chuẩn bị làm lễ cưới.

Cũng như lễ “bông hồng cài áo”, nghi lễ đặc biệt này chỉ có trong các nghi thức Phật giáo ở Việt Nam. Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng Thuận là Ông Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940). Ông vốn là một nhà Nho, sau đó bén duyên với Phật pháp và trở thành một trong những người tích cực cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo. Tổ chức kết hôn tại nhà chùa là một trong những ý tưởng của ông trong việc đưa đạo Phật dấn thân và hòa hợp vào quần chúng. Năm 1930, đám cưới theo nghi lễ Phật giáo lần đầu tiên được cử hành tại chùa Từ Đàm - Huế và đến năm 1971, Hoà Thượng Thiện Hoa đã đặt tên cho nghi lễ này là “Hằng Thuận”.

Với ý nghĩa chúc đôi tân duyên luôn luôn (hằng) hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống (thuận), đám cưới theo nghi lễ Phật giáo hướng những người tham dự đến ý thức về tầm quan trọng của hôn nhân trên nền tảng đạo đức, tâm linh để xây dựng đời sống hôn nhân thật sự an lạc, hạnh phúc. Lễ Hằng Thuận dạy đôi vợ chồng mới cưới phải hết lòng yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn luôn hòa thuận, cùng hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống.

Không giống các lễ cưới được tổ chức ngoài đời, lễ cưới theo nghi thức Phật giáo sẽ được chủ trì bởi một vị Hòa thượng. Trong lễ Hằng Thuận của 13 cặp đôi, Đại đức Thích Tâm Thuần, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc đã thuyết giảng về ý nghĩa của hôn nhân, của các mối quan hệ vợ - chồng, con dâu – gia đình chồng, con rể - gia đình vợ, bổn phận của vợ chồng với nhau cũng như trách nhiệm làm cho hai họ càng ngày càng quý kính, cảm thông với nhau với mục đích cao cả nhất là xây dựng cuộc sống hướng thượng, thăng hoa và có ý nghĩa. Đại đức cũng nhắc nhở, theo giáo lý nhà Phật, hai nguyên tắc cơ bản để có hạnh phúc hôn nhân cũng như an lạc trong cõi sống, đó là nhẫn chịu và phát huy đạo đức.

Khoảnh khắc trao nhẫn thiêng liêng và thật xúc động. 13 cặp đôi được 13 sư thầy trao nhẫn cùng lời giảng về ý nghĩa của đôi nhẫn cưới. Đôi nhẫn làm bằng vàng tượng trưng cho sự trong sạch không nhiễm ố, không thay chất đổi màu với thời gian, vòng tròn tượng trưng cho sự tròn đầy trong ứng xử gia đình, biểu trưng cho tinh thần nhường nhịn, yêu thương, tương kính lẫn nhau. Chữ “nhẫn” cũng được chư thầy lý giải là tên của một hạnh (đạo đức, đức tính tốt đẹp) quan trọng của người Phật tử, là gốc của muôn hạnh lành. Thầy trao nhẫn cho đôi trẻ và dặn dò, hãy luôn sống cùng hạnh nhẫn để dẫn dắt đời sống lứa đôi trong tinh thần hòa kính, nhẫn nhịn lẫn nhau.

Khi được trao nhẫn, các cô dâu, chú rể phải đồng thanh hứa trước Tam Bảo: “Em/anh xin hứa nguyện luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn thông cảm, luôn luôn yêu thương anh/em đến trọn đời”. Lời phát nguyện ấy được cất lên trước ban thờ Phật, trước các sư thầy, họ hàng đôi bên và những người dự lễ, được tin rằng sẽ có sức mạnh nâng đỡ cho đôi bạn vượt qua những trắc trở trong đời sống sau hôn nhân.

 Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, các sư thầy cùng 13 cặp đôi làm lễ thả chim bồ câu cầu an lành, hạnh phúc cho các đôi tân duyên và toàn thể chúng sinh. Sau đó, tất cả được mời dùng tiệc chay ngay tại khuôn viên Thiền viện.

Xuân Thanh – Minh Hương – một trong 13 cặp tân duyên tổ chức đám cưới tại Thiền viện chia sẻ, họ tin rằng, trao lời thề dưới chân Tam Bảo, được các sư thầy làm lễ, họ sẽ gặp duyên may và nguyện xây dựng cuộc sống gia đình hòa thuận, chung thủy, có trách nhiệm, mục đích sống và luôn hướng theo đạo đức của Phật. Lễ Hằng Thuận, có thể nói là cầu nối giữa đạo và đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo.

(The Afamily.vn)



Có phản hồi đến “Độc ĐáoLễ Cưới Của 13 Đôi Uyên Ương Theo Nghi Thức Nhà Phật Tại Thiền Viện Sùng Phúc”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com