VẤN: Thưa Sư, theo quan niệm của người xưa là nhà từ đường và việc thờ cúng ông bà chỉ dành cho con trai. Nhưng trong thời đại này ngày nay, nếu gia đình không có con trai hay con trai không tốt thì giao lại cho con gái thờ cúng hương khói có lỗi lầm gì không? Mọi người vẫn bảo nữ nhi ngoại tộc làm đôi khi cha mẹ con không vui. Nhà con cũng là nhà từ đường và cũng là Phật tử, thờ Phật trong nhà, ở cùng ông bà nội và con là con gái duy nhất. Có người bảo là nên nhận một đứa cháu trai rồi chuyển họ để thờ cúng nhưng cha mẹ con không chịu còn ông bà thì theo nếp xưa. Giờ gia đình không biết làm thế nào cho phải. Con không hiểu trong thời đại văn minh tiến bộ hiện nay tại sao lại có sự trọng nam khinh nữ đến vậy. Ngoài ra con muốn hỏi là trên bàn thờ gia tiên có được để cả ảnh ông bà nội và ông bà ngoại chung với nhau không? Cả bên nội và bên ngoại con đều thương mến nên con muốn thờ tất cả nhưng mọi người bảo bên ngoại phải về nhà từ đường bên ngoại, không thể cả ông bà nội ngoại hai bên ngồi chung một bàn thờ. Con cảm thấy không hài lòng và không thoải mái. Xin Sư chỉ dạy cho con được rõ.

ĐÁP

I .Ý nghĩa

Theo tự điển Việt Nam của Thanh Nghị, thì: Từ là nhà thờ, miếu thờ; đường là nơi, chỗ làm việc công, việc chung, nhà chung. Từ đường là nhà thờ chung nơi chốn tâm linh của một tộc họ. Ở đó, dòng họ thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh khác của họ tộc. Mỗi vị có thần chủ hoặc bài vị đặt trên bàn thờ. Ðọc thần chủ, bài vị, mới biết vị nào cũng có công trạng; hoặc với nước, hoặc với địa phương, ít nhất cũng với tộc họ. Những vị được thờ, nếu làm quan cho triều đình thì có treo bằng sắc; riêng quan võ còn thờ cả đồ binh khí mà sinh tiền các vị vẫn dùng.

Nhà Từ đường đã có từ xa xưa, có lẽ từ khi chúng ta có nghĩa gia tộc và có tục thờ cúng tổ tiên. Nhà Từ đường khác với nhà ở là phía trước nhà có hàng cột vôi vữa đắp liễn đối, quanh sân có trồng nhiều hoa trang, hoa điệp đủ mầu sắc và cái nhà ngõ thường đóng kín để tạo vẻ thâm nghiêm cho ngôi nhà thờ.

Suốt 15 năm từ năm 1960 đến năm 1975, thời buổi chiến tranh cùng với các cơ sở thờ tự của các tôn giáo, nhà từ đường của các tộc họ trên đất nước bị bom đạn làm hư vỡ không thương tiếc. Sự mất mát đó trở thành quán tính không tiếc nuối, vì mạng người còn không giữ được huống gì đến nhà ở, nhờ thờ, chùa chiền, từ đường, miếu mạo.
Từ đường là nơi tập trung những linh vị thờ tổ tông ông bà, thời phong kiến chỉ thờ một dòng họ, gọi là họ nội, như họ Lê, họ Nguyễn, họ Võ...có thể nói xưa thì tổ ai nấy thờ. Ngay như trong nhà Phật, các chùa cũng thế, đều có tổ đường và tổ đường chỉ thờ trực hệ một dòng phái, dòng phái nầy không thờ tổ của dòng phái khác...huống gì chuyện ở thế gian, dòng họ của mẹ còn không được thờ ở từ đường của họ nội.

Một vài từ đường tiêu biểu

Ổ quê hương của Sư được biết có các từ đường: một của họ Lê do cụ Lê Văn Chánh thuộc quan lại triều đình Huế, là vị chủ từ tôi gọi là Bác hay Bác trai chịu trách nhiệm thờ tự. Ngôi từ đường rất uy nghiêm tráng lệ, có dáng vẽ như một cung điện thâm u biệt điện. Năm 1959, lúc đó Sư 13 tuổi được anh chi Ba hướng dẫn vào viếng hương linh các Cụ Tổ, Sư phải khiếp sợ trước sự trầm hùng, oai phong của một trong các từ đường xưa nhất làng, còn tồn tại, từ đường có mái ngói cong vút, trước sân trình, mỗi cột đều có treo liễng chữ nho. Đây là ngôi từ đường của kiến họ Lê là kiến họ lớn ảnh hưởng nhà hậu Lê ở Thăng Long, Bắc Hà thời bấy giờ. Nơi đây thờ các cụ tổ của dòng họ Lê, không có thờ dòng họ Võ của Bác gái (vợ) và chính Bác gái cũng ít được lên từ đường viếng ông bà bên họ Lê, chỉ trừ khi có đám giỗ chạp mới được bén mãn bái lạy ông bà. Còn lại Bác gái và các chị chỉ thúc thủ trong bếp núc lo cho Bác trai tiếp đãi khách tân. Từ đường của dòng họ Lê ở Hòa Định, quận Chợ Gạo ngày xưa, thuộc thế kỷ trước, nay không còn nữa do chiến tranh tàn phá, cho đến nay con cháu có phục hồi, thờ tự nhưng xem ra quá giản đơn, dường như họ muốn bỏ qua không muốn phục hồi kiến trúc cổ theo quan chế quan lại triều đình.

Từ đường của Bác Huỳnh Văn Vỡ là từ đường Phúc Kiến, Bác trai là người phục dựng từ năm 1962 cho đến năm 1963 mới hoàn thành. Kiến họ Huỳnh vì là người Quảng Đông, nên rất đông con, cháu, chắc...khi hội tụ về để cúng hiệp kỵ con cháu rất đông. Lúc bấy giờ Sư rất sợ sự đông đúc như thế, nhưng ít tu hành, vì lúc bất giờ Sư xuất gia đã 3 năm rồi nên ít đến thăm ngôi từ đường nơi có người chị thân yêu làm dâu cho nhà họ Huỳnh. Nhà họ Huỳnh ngày nay còn rất đông cháu, chắc...

Ngoài ra còn có từ đường kiến họ Đàm ở Long Trung, Cai Lậy, Tiềng Giang, kiến họ Đàm ít con trai, cháu trai cũng ít quá. Hòa Thượng Giác Quang là trai Trưởng Nam, nhưng đã đi tu xuất gia làm Hòa Thượng, nên kiến họ Đàm luôn hết lòng đem dòng họ của mình tu hành, làm tu sĩ và phục vụ đắc lực cho Phật Pháp.
Kể từ sau ngày hòa bình 30/4/1975 thống nhất đất nước, tình cảm mọi người mọi gia đình được đặt năng lên vai trò cha, me, nội, ngọai nên việc phục hồi từ đường nổi lên rầm rộ từ Bắc, đến miền Trung, rồi miền Nam. Các từ đường được phục dựng thờ phượng tổ tông ông bà, lập lại gia phả, giao cho từng chi hệ có trách nhiệm ghi vào trong lúc đương thời. Từ đường hiện nay thờ luôn cả cha mẹ, ông bà nội ngọai, nội tổ ngọai tổ, thờ các liệt sĩ, các anh hùng hy sinh vì đại nghĩa.
Xã hội Việt Nam là xã hội tiến bộ văn minh và tiến nhanh hơn các quốc gia lân cận. Vì sự ảnh hưởng nhiều với Phật Giáo nên nam nữ đều bình đẳng trí tuệ như nhau, và vì tình cảm gia đình mọi người có thể phá lệ ước thời phong kiến hướng dẫn con cháu thờ cả cha lẫn mẹ khi qua đời, thờ nội tổ ngoại tổ cho cân đôi nhịp sống gia đình. Mọi người, mọi dòng họ đua nhau xin phép xây dựng từ đường thờ ông bà cha mẹ, ghi lại gia phả và truyền đạt đến vơi mọi thành viên trong gia đình.


Nhà Lớn Long Sơn
Từ đó vấn đề giữ gìn đất hương quả, lo hương khói cúng kiến cho từ đường hiện nay trách nhiệm có cả nam lẫn nữ. Không có trai trưởng tử thì cử, thứ nam, không thứ nam thì cử bên gái, gái trưởng hay gái út hy sinh lo việc giữ gìn cúng kiếng ông bà tại từ đường. Hiện tượng nầy có từ trong tôn giáo Phật Giáo Tứ Ân, tại Nhà Lớn, núi Ông Trần, thờ Ông Trần ở Long Sơn, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Ông Trần sanh năm 1855, đến năm 1885 có đi tu theo Đức Bổn Sư núi Tượng làm nghĩa quân chống Pháp, về sau lập nghiệp lớn, dạy dân tu hành trung, tín, lễ, nghĩa, hiếu, để, liêm, sĩ... ông họ Lê nhưng lúc nào cũng ở trần lo công việc cho dân nên gọi là Ông Trần, Đạo Ông Trần, thời gian tạo nên địa danh Long Sơn, giúp nhân dân ấp Bà Trau có phương tiện tăng gia sản xuất, nhân dân các phương xa ngày càng đền nơi đây đông đúc và nhận nơi nầy làm quê hương. Ông Trần qua đời vào ngày 20 tháng 02 năm Ất Hợi (1935). Hiện nay Nhà Lớn Đạo Ông Trần do Bà Lê Thị Kiếm, cháu đời thứ 4 của Ông Trần cùng họ Lê quản lý.

Qua việc phụng thờ ông bà, người xưa cũng rất kỹ lưỡng, nhưng qua các từ đường, nhà lớn tiêu biểu như trên vẫn trọng dụng phụ nữ thừa kế quản lý cơ sở thờ tự không phải trở ngại, thậm chí còn sùng hưng tỏa sáng hơn cả nam giới.

II .Nữ nhơn giữ từ đường được không?
Nhận định “nữ sanh ngọai tộc” cũng chỉ là tương đối, vì ngoại tộc là nhận định theo hoàn cảnh sau khi người con gái lập gia đình. Người nữ khi lập gia đình theo bên chồng lo cho chồng con, cha mẹ chồng, tộc họ bên chồng và phục vụ cho dòng họ, huyết thống của người chồng. Nhận định nầy theo sách nho Khổng Tử, và chỉ thực hiện thời phong kiến chứ hôm nay thì không còn phù hơp. Sách nho có câu: “tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử cùng tử” nghĩa là người nữ khi còn nhỏ ở nhà thì nghe lời cha mẹ - lớn lên lập gia đình thì nghe lời chồng, chồng chết thì chết theo. Câu phu tử tùng tử chỉ dùng theo thời phong kiến của Trung Hoa, của Thủy Chân Lạp, chứ Việt Nam thì xưa nay chưa có xảy ra tình trạng nầy.

Đạo nho nói là “nữ sanh ngoại tộc”, không quan trọng trong tộc họ nội, đó là do đạo lý của Khổng sắp xếp thứ lớp trong gia đình, tạo cho gia đình có nề nếp, nề nếp chính là đạo đức đạo làm người. Tuy nhiên người phụ nữ bao giờ cũng có một vai trò chính là nội trợ, lo việc bên trong của gia đình, đồng thời phụ nữ cũng có khả năng lo cho nội tộc của mình, cụ thể là Huyền Trân công chúa, hay công nữ Ngọc Vạn. Quan niệm Nhà từ đường là phải do con trai trưởng nam giữ gìn thờ cúng, việc nầy là thứ tự thời phong kiến, đối với xã hội văn minh không còn phù hợp. Vả như con trai trưởng ăn chơi bê tha trác tán thì có nên để cho con trai trưởng quản lý nhà từ đường không, chúng ta còn phải xem xét lại trong quá trình con người trên hành tinh bước vào cao trào hội nhập cộng đồng. Đứng về gốc độ hội nhập cộng đồng chúng ta rất cần nam giới. Ở độ tuổi thanh niên, nhưng thanh niên lành mạnh thì mới xứng đáng sống chung cộng đồng. Chúng ta cần thanh lọc những thanh niên hư đốn ra khỏi cộng đồng để giáo hóa cho làm lại cuộc đời, vì họ có thể chịu đựng trong quá trình xây dựng gia đình trở nên nề nếp, làm xán lạn gia phong.
Ngày nay có các nhà từ đường, nhà lớn, vẫn do các vị nữ lưu điều hành, giữ gìn cho gia phong tộc họ và các vị có thể chăm lo việc thật chu đáo.

Phụ nữ làm nên sự nghiệp

Vào năm thứ 40-43 sau công nguyên tại Lãnh Nam có hai chị em là Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi binh đánh bại Tô Định về Tàu. Ba năm sau bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại. Tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết, địa danh Hát Môn - Hát Giang là nơi thánh tích Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán xâm lược và cũng là nơi Hai Bà hóa thân vào cõi bất diệt.
Năm 248 Bà Triệu (226-248), còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam tuy là phụ nữ nhưng dám xông pha chiến trận đánh giặc Ngô.

Vào thề kỷ 13, Huyền Trân công chúa, sanh năm 1289, khi lớn lên được vua cha là Trần Nhân Tông gả cho vua Chân Lạp là Chế Cũ để được nhận sính lễ là hai châu Ô và châu Lý (thuộc đất Thừa Thiên Huế đến phía Bắc Quảng Trị ngày nay). Sau khi vua Chế Cũ băng hà biết Huyền Trân sẽ bị chôn sống theo vua Chế Cũ. Lập tức nhà Vua Trần Nhân Tông sai Thống soái Trần Khắc Chung đi tuyền đến Chân Lạp cứu Trần Huyền Trân về Đại Việt và công chúa Trần Huyền Trân được cứu sống.

Năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gã con mình là công nữ Ngọc Vạn cho Vua Chey Chetta đệ nhị. Khi về Chân Lạp công nữ khéo tâm sự cùng Chetta, Bà được vua sủng ái và công nữ đã xin triều đình Chân Lạp để di dân của Chúa Nguyễn tự do vào nam canh tác sản xuất lập đồn trại và làm kinh tế, chương trình nầy gọi là “đoàn người khai sáng đất phương nam”. Đến năm 1628 Chetta đệ nhị băng hà, Hoàng hậu Ngọc Vạn, sau khi lo tang lễ cho nhà vua xong, bà vội vàng hướng dẫn hai con trai về lại Đại Việt. Công nữ Ngọc Vạn tránh được nạn bị chôn sống theo chồng. Khi về Đại Việt bà đi tu tại Long Cốc thượng tự, núi Dinh, Bà Rịa, có tục danh là Bà Chín Tu, hay Bà Chín Tàu (nói được tiếng Tàu). Tiếp đến bà cũng về tu tại chùa Gia Lào, núi Chứa Chan, Xuân Lộc, cuối cùng bà về tu tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay Hòa Thượng Thích Minh Chánh làm Trụ trì trùng tu ngôi tháp mộ của Bà bên cạnh chánh điện Tổ đình.

Những phụ nữ của Phật
Trong giáo pháp Đức Phật, ngài thường thuyết giảng về những gương hạnh của các Bồ tát, như Quan Âm nữ, Chuẩn Đề Phật Mẫu, Bà Thiện Nữ Thiên. Bồ tát là tiếng nói của Đức Phật Thích Ca, là công hạnh của Phật Thích Ca, được bổ xứ đi hành đạo khắp nơi trong thế giới ta bà. Minh chứng Đức Phật chúng ta có một đức từ vô biên, trí dũng vô tận đối với chúng sanh.

Thuở Đức Phật sanh tiền thuộc thời đại phong kiến chuyên quyền theo chế độ cha truyền con nối, thờ một dòng họ duy nhứt và độc tôn. Nhưng khi Sĩ Đạt Ta đi xuất gia tu hành và thành Phật ngài có độ nhiều phụ nữ ưu tú như Di mẫu Kiều Đàm, Gia Du Đà La, Sujata, Tỳ xá khư, Liên Hoa sắc, một bà lão tên là Ưu Đà Di gánh phân mướn khi gặp Phật còn tu đắc đạo...Những phụ nữ nầy có vị thông minh xuất chúng theo Phật tu hành, vị thì khổ đau nhưng về sau cũng được Phật thọ ký giao việc Phật sự cho các vị truyền bá giáo pháp. Sứ mạng truyền bá giáo pháp Đức Phật còn lớn hơn việc giữ gìn từ đường, mà Phật còn giao cho phụ nữ huống gì chỉ có một từ đường tôn thờ một dòng họ. 

Phật giáo Việt Nam còn có những phụ nữ xuất chúng lãnh đạo môn phong như Ni Trường Thích nữ Huệ Giác, sau khi tôn sư viện tịch, Ni Trưởng lãnh đạo môn phong pháp phái Liên tông Tịnh độ Non bồng, có 172 cơ sở thờ tự 1215 Tăng Ni trên cả nước. Bên Long Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu có Bà Lê Thị Kiểm, cháu 4 đời của Ông Trần quản lý cơ sở tờ tự và đạo đức của Ông Trần.

Giải quyết việc nhà của Phật tử
Gia đình của Phật tử có nhà từ đường, nhà thờ Phật, thì đây là nhà Phật, theo giáo pháp Đức Phật thì nam nữ đều có năng lực tâm linh không khác, trí năng thành Phật đều giống nhau, làm việc hiệu quả như nhau. Bạn thờ cúng tụng niệm ở nhà thờ Phật được thì Bạn cũng sẵn sàng giữ gìn từ đường, thờ cúng ông bà.

Việc xin một cháu đem về đổi họ và nuôi nấng cho lớn khôn để giữ từ đường là việc hoang tường. Con cái trong nhà là ruột thịt cùng một họ mà còn không cho phép giữ từ đường , làm gì có việc xin một cháu trai đem về đổi họ cho giữ từ đường, cháu trai cũng là ngoại tộc đó. Bạn ơi! Già đình Bạn là gia đình nhà Phật, Sư khắp khuyên không nên kén chọn con trai hay con gái giữ từ đường, mà quan niệm trai hay gái cũng giữ được từ đường thì gia đình ổn định, muôn đời con cháu hiển vinh. Câu “nữ sanh ngoại tộc” là của Đạo nho, chúng ta là Đạo Phật nên giải quyết việc gia đình theo ý tưởng mới là Đạo Phật, chắc chắn ngôi từ đường sẽ ổn định.

III . Phần kết
Đứng về gốc độ nhà Phật, theo Sư thì bàn gia tiên là bàn thờ ông bà tổ tiên, nội tổ, ngọai tổ. Đối với những bậc ông bà chúng ta không nên đối xử phân biệt nội hay ngoại, vì còn đối xử thì mất đoàn kết chính nội bộ của mình.
Tại Quan Âm tu viện, có khu vực Viện Vãng Sanh thờ vong linh, linh vị nam riêng, nữ riêng do không phải phân định nội hay ngọai, nam hay nữ theo đạo nho hay theo thế tục. Lý do phân định theo giới luật Ưu ba tắc (ông) thờ theo Ưu bà tắc, Ưu bà di (bà) thờ theo Ưu bà di có chuẩn mực theo giới pháp của Phật.

Truyện cổ tích Việt Nam có câu chuyện “chiếc khăn tang”, ông phú hộ có 5 người con gái lớn lên ông bà gã cho các con lấy chồng. Khi về nhà chồng suốt ngày tất bật lo ăn uống cho chồng, không lo gì được cho cha mẹ ruột, cha mẹ ruột đến thăm cũng không rảnh để tiếp, dâng cơm, mời nước cho cha me. Ông phú hộ cảm thấy buồn quá đi lang thang khắp nẻo đường, rao vặt “bán cha”, đi đến đâu ông cũng hỏi có ai “mua cha” không? Có hai vợ chồng người nông dân nghèo, mồ côi từ thuở bé, thiếu tình thương cha mẹ, gặp “ông phú hộ” đi “bán cha”, vợ chồng anh nông dân mừng quá liền “mua cha”, nhưng nhà thì không có tiền, nên cô vợ thì cắt tóc đi bán, chồng thì đi làm công để mua cho kỳ được “Cha”. Điều này cho thấy câu “nữ sanh ngọai tộc”, cũng rất khó khăn lắm cho người phụ nữ. Sự hiếu đạo của nữ giới rất ít ảnh hưởng với cha mẹ ruột, nhưng một nửa phải đánh giá người phụ nữ cũng rất hiếu đạo khi làm vợ làm dâu.. Đây là bổn phận và “trách nhiệm thiên phú” dành cho người phụ nữ, cho nên trách “nữ sanh ngoại tộc” cũng rất oan cho phụ nữ.

Thờ phượng,
Người Việt ta rất tín ngưỡng thờ phượng ảnh hưởng nặng về tâm linh, nhất là sự linh hiển, xuất phát từ việc người Việt đi khai sơn phá thạch, khai sáng mở rộng bờ cõi đất phương nam. Trên đường đi đó, bắt buộc mọi người tin tưởng vào vô hình nhiều hơn, lúc nào cũng cầu thần linh phò hộ cho gia can sự nghiệp vừa tạo dựng được đời đời bền vững. Từ miền Bắc, miền Trung vùng cao đi vào vùng trũng Thủy Chân Lạp, họ luôn gặp nhiều mãnh thú, gặp sơn lam chướng khí, đấu tranh với bệnh tật, nên họ thường xuyên đi rừng hái thuốc, tự trị bệnh cho bản thân và gia đình, rồi sau đó lúc rỗi rãnh tổ chức cúng kiếng, thờ phượng những hiện tượng về môi trường, như thần sông, thần rạch, thần mưa, về kinh tế thì thờ thần lúa mạ, thần nông. Về văn hóa thì thờ thần đình, tiên sư, miễu năm bà, miễu ông hổ, thờ ông Đá, thờ ngã ba đường Cái, hoặc có nơi không cúng vái ai hết vậy mà cũng thiết lập bàn thờ, xưa nay gọi là bàn thiên (lộ thiên), thờ ông vôi, ông bếp lò hư bể... Những việc không cần phải thờ, không đáng thờ mà còn thờ phượng, huống gì ông bà chung trong gia tộc, họ hàng, thân quyến hai bên nội tổ ngoại tổ lại bỏ ra không phượng thờ, chỉ thờ một dòng họ thì cũng lắm cô độc, cô đơn thật bất nghĩa lắm.

Những nghi thức thờ như thế, thì nơi từ đường, ngôi nhà chung nên thờ ông bà, nội tổ ngọai tổ, cầu ông bà gia hộ cho gia quyến được sống trăm năm an lành. Không nên kỳ thị, nam giới nữ giới, nội ngọai, trong ngoài, không nên dùng những từ “nữ sanh ngoại tộc” áp đặt trong gia đình, sẽ làm mất đoàn kết, không hòa thuận lẫn nhau, trong khi người phụ nữ là vai trò chính “nội trợ” làm trợ lý cho dòng tộc, nếu không khéo cải cách thì không có cơ hội phát triển kinh tế.

Muốn cho con cháu, hậu duệ dòng họ hôm nay và muôn đời sau còn nhớ đến danh tánh các thành viên gia tộc ông bà, cha mẹ nên thiết lập xây dựng từ đường, xây nhà chung, lập gia phả giữ gìn truyền thống, thừa kế liên tục kê biên danh tánh ông bà, những thành viên trực hệ. Những thành viên không chính thức, không phân biệt nam nữ, vì phân biệt cũng thờ, không phân biệt cũng thờ cúng, để dành cho người sau biết mà sắp xếp thờ cúng cho chu đáo

Nội tộc, ngoại tộc ông bà
Đừng để cô độc tan hàng tổ tông
Nội ngoại tuy là hai dòng
Xem ra ruột thịt một lòng khó quên

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Con Gái Có Thể Giữ Nhà Từ Đường Thờ Cúng Tổ Tiên Được Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com