LỄ HÚY KỴ lần thứ 25 ĐỨC TÔN SƯ

HT thượng THIỆN hạ PHƯỚC, húy NHỰT Ý

Dòng LÂM TẾ thứ 41, biệt hiệu ĐỨC MẪU TRẦU BỒNG LAI

tại QUAN ÂM TU VIỆN (ngày 27,28,29/7 và mùng 01/8/Quý Tỵ)

I . Chuẩn bị cho lễ húy kỵ Đức Tôn sư:

Hằng năm sau lễ mãn hạ, tự tứ, vu lan, đến ngày 20 tháng 7, chư Tăng ni, Phật tử Quan Âm tu viện và môn phong “bắt tay vào việc” cho Phật sự cúng lễ húy kỵ Đức Tôn sư. Việc cúng lễ trong môn phong xưa nay không chủ trương làm thiệp thỉnh, thiệp mời chư sơn thiền đức, mà từ năm 2002 đến nay chỉ thông báo trên trang nhà website Liên Tông mời chư tôn trong tông phong, cháu con trong môn nhơn pháp quyến về dự!

Xem thêm:

Chùm Ảnh: Hơn Ba Vạn Phật Tử Tham Dự Ba Ngày Đại Lễ Húy Kỵ Của Đức Tôn Sư Tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai

Chùm Ảnh: Rưng Rưng Xúc Động Trong Lễ Cúng Tiên Thường Nhân Đêm Thứ Hai Lễ Húy Kỵ Đức Tôn Sư Tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai

Chùm Ảnh: Tưng Bừng Ngày Thứ Nhất Đại Lễ Húy Kỵ Lần Thứ 25 Đức Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý Tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai

Năm nào chúng ta cũng tổ chức lễ hội nội bộ thôi mà, chưa dám tổ chức quy mô, bởi hai lẽ: một là mùa mưa dầm, mưa thu lúc nào cũng rơi tầm tã, thậm chí còn có gió bão dữ dội nữa; hai là chư Tăng ni, Phật tử về dự gặp mưa gió cực khổ quá, trong khi cơ ngơi, phòng ốc chưa được xây thêm dành cho chư vị khách Tăng, Phật tử vãng lai, điều nầy thật sự làm cho Ban Tổ chức lo ngại vô cùng!

Tuy nhiên, dù tổ chức lễ lớn hay nhỏ thì Ni trưởng tông phong vẫn phải tổ chức thôi, còn tôi (Sư Quang) và các huynh đệ phải thì phải lo liệu đến tận 03 tháng trước nữa kia. Năm nay, có được đại chúng về xin xuất gia tu học đông hơn năm trước, nhất là các vị Sa di trẻ tuổi vừa được thọ giới Tỳ kheo vừa qua, các huynh đệ tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, nên lực lượng tổ chức ngay từ đầu đã khá hùng hậu rồi; ngoài ra còn có các vị Sa di trẻ ở phòng 2, phòng 3 thuộc Liên viện Tịnh độ cùng góp công, góp sức trong việc quét dọn bụi bậm trên các trần nhà, trai đường, chánh điện, các pháp tháp; nhất là Sư Thiện Nhựt cùng các vị tịnh nhơn Đức Tâm và các cháu Phật tử lau rữa sơn phết lại tháp Đức Tôn sư, Sư cô Diệu Thông vận động Phật tử ủng hộ quà, ngoài ra còn có các vị Sa di trẻ Thiện Từ, Quý Trì, các Phật tử Quận 8 lo về khâu nội dung phù hiệu, ủng hộ in phù hiệu, dành cho quý vị Tăng ni, Phật tử làm công quả đeo trong 4 ngày lễ giổ. Tiếp đến là in băng-rôn lễ húy kỵ, cung nghinh chư tôn giáo phẩm Tăng ni, chào mừng quan khách, tiếp Phật tử. Các nơi như ở huyện Trảng Bom, thị xã Thủ Dầu Một thì Phật tử ủng hộ củi đuốc, các vị Sa di Phước Duyên, Thiện Hưng, Phước Triền làm việc phụ với bộ phận nhà trù, các Sư cô, Ni cô, các tịnh nhơn nữ lo làm thức ăn loại để lâu ngày, Cty Nguyễn Tân và các Phật tử tín tâm chuyển tải gạo, Cư sĩ Ngọc Hương, Thiện Toàn cúng dường dầu ăn, xì dầu, bột ngọt, các thức ăn gia vị được làm sẳn để dành đãi khách.

Còn lại 5 ngày…rồi 3 ngày…2 ngày trôi đi, trôi đi theo mùa mưa gió bão bùng, tôi sợ lắm, mỗi ngày cứ phải mở đài ra nghe xem trung tâm khí tượng thủy văn Việt Nam dự đoán thời tiết ra sao, chỉ nom nớp lo sợ đến mùa mưa bão đến hẹn lại lên, lại nhằm vào ngày lễ cúng giổ Đức Tôn sư, sợ chư huynh đệ Tăng ni, các đạo tràng Phật tử trong môn phong khi về tham dự, làm công quả trong suốt 4 ngày đêm mà phải gánh chịu những cơn mưa thu tầm tã.

II . Tất cả cho Phật sự:

Rồi việc đến sẽ đến, ngày 25, 26 âl đây rồi, tu viện Quan Âm lại chật ních cả không gian yên tĩnh, với số lượng người về công quả, Bửu Hoa ni viện, Tổ đình Linh Sơn I, chùa Phước Ân, chùa Long Thành, Nhứt Nguyên Bửu Tự, chùa Phước Lộc Thọ, chùa Bửu Thiền, Phật tử Thủ Đức, Thủ Dầu Một, Bù Đăng, Tân Trụ, Thủ Thừa, Trảng Bom, Lộc Ninh, Bình Phước, Bà Rịa, Bình Thuận , Lâm Đồng, Cần Thơ , An Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Tp.Hồ Chí Minh chư Tăng ni các chùa ở xa lại về đây sớm hơn mọi người ở chùa khác…Chư Tăng ni, Phật tử lúc nào cũng hợp tác, sẳn sàng cùng với Ni trưởng, Sư Giác Quang phục vụ cho những ngày đầu cuộc lễ, như: quét tướt, dọn dẹp đâu đó cho ngăn nắp, lo đem củi từ ngoài vào nhà kho, lo gạo, thức ăn, nhất là các xe chở đồ légume từ chợ đầu mối Thủ Đức, do cô Diệu Nhẫn lo liệu, dù mang bệnh nan y sống dỡ chết dỡ nhưng cô vẫn tích cực lo cho nhà trù có đủ loại légume, cô Diệu Hạnh cung cấp cho các buổi đãi ăn sáng thật chu đáo, các huynh đệ đạo tràng Bát Quan Trai chúng Đại Trí, chúng Đại Hạnh, huynh đệ tịnh xá Ngọc Hồng túc trực ngày đêm lo tuyển lựa rau cải, các huynh đệ thuộc ấp Cầu Hang, xã Hóa An đều phát tâm vào Quan Âm tu viện lo sắp xếp phụ về khâu vệ sinh nhà trù, các huynh đệ của cô Tâm Tịnh (cô Bảy Sương) đến để lau chùi các bộ lư đồng, lư hương, bình hoa, các huynh đệ chư Tăng ni ở Quan Âm tu viện lo tảo bàn Phật, sửa lại các bồn chậu hoa kiểng, dọn dẹp các liêu phòng cho sạch sẽ thoáng mát trở lại, để tiếp chư tôn giáo phẩm Tăng ni ở xa, hoặc trong tông phong về trú ngụ dự lễ.

Ngày lễ đến rồi Sư Quảng, , Giác Quỳnh, Phước Đắc, Đức Hân lo gói quà giúp Hòa thượng có đủ 500 phần để tặng cho thân hữu đến dự lễ, quý Thầy Đức Tuyển, Tấn Hỷ lo khăn lau mặt, nước lọc, giúp điều hành bộ phận treo băng rôn, cờ, các loại cờ lớn nhỏ, cờ phướn, cờ hoa cũng đã chuẩn bị và treo trên các lối đi của tu viện. TT Thiện Tài, chùa Linh Bửu, ĐĐ Thiện Quý chùa Liên Hoa ủng hộ vật chất phụ lực trong khâu tổ chức. Thầy Đức Hân cúng dường in sách “Nguồn Cội”, Cô Nguyễn Thị Ngọc Hường pháp danh Tâm Huệ, cô Minh Dũng Cty thuốc trừ sâu cúng dường tiền bạc kinh “Ánh Sáng Hoàng Kim” làm quà tặng cho khách mời. Ông Nhiên Cty khai thác cát ở Hà Giang thì gởi trà “Pín Hò” cúng dường lễ cúng giỗ Tôn sư.

Xin nói các lối đi trong tu viện Quan Âm gần giống như các loại đường phố nhỏ của một thị trấn, đường được trải đá “mi loại 0,5mm”, một loại đá nhỏ dùng trải đường làm cho không bị dấy lên những sình lầy nước đọng; những vị khách dù lạ hay quen, khi vào tu viện, rất thoải mái nếu có người hướng dẫn cho biết các lối đi, bằng không thì phải bị lạc nẽo không biết ngõ ra vào tu viện, có người khóc hu hu vì lạc đường.

Ngày 27 là ngày cận kề vì tháng bảy là tháng thiếu không có ngày 30, có hàng loạt xe củi, xe légume lại tiếp tục đưa vào tu viện, xe tải gạo, xe bốn bánh, xe máy của Phật tử đi chùa, di chuyển vào nội viện càng lúc càng đông, các đoàn Phật tử lần lượt tựu trung tu viện, người người đăng ký nhận đệm chiếu, chọn chổ trú ngụ, họ tự che các lều bạc ngoài huê viên để ở lại 3 ngày dự cúng lễ.

Ban Văn nghệ Quan Âm tu viện, do nhạc sĩ Minh Chơn điều khiển cũng đã trổi giọng oanh vàng, tập dượt ngày đêm để hát những bài do Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác sáng tác, nhạc sĩ Minh Chơn phổ nhạc cúng dường vào đêm 29 âl dâng lên Đức tôn sư, dù không chuyên nhưng rất có hồn và tâm huyết trong mọi tâm hồn của quý Ni sư, Sư cô, các vị Tỳ kheo, Sa di, tịnh nhơn nam mong được cống hiến cho khán giả Tăng ni,Phật tử.

Các trang nhà Phatgiaovnn.com của Đức Chơn, đặc san Hương Thiền của Phan Cát Tường thông báo mời chư tôn giáo phẩm Tăng ni, Phật tử tham dự, chuyển tải tiểu sử và những bài giảng của Đức tôn sư trước khi vào lễ húy kỵ. Đặc biệt,  trang nhà Linh Sơn Phật Giáo đưa  đầy đủ thông báo, tin, ảnh, bài viết trực nhanh chóng, sống động trong suốt ba ngày đại lễ cũng như  kết quả lễ húy kỵ  thỏa lòng bạn đọc hoan hỷ, đợi chờ khi không được trực tiếp đến dự lễ, Ban hoằng pháp và in ấn Quan Âm tu viện, chuyên viên Đài truyền hình HTV7 thực hiện phim nhựa nội dung các ngày lễ húy kỵ.

Tôi thì lo kiểm lại việc giấy tờ, chương trình, Ban tổ chức, nội quy cúng lễ đã trình Chính quyền đủ chưa, các thiệp thỉnh, chư tôn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Tp.Biên Hòa đến chứng minh và tham dự lễ huý kỵ, thư mời Chính quyền các cấp đến dùng cơm chay thân mật sẽ được thiết đãi vào ngày 28 âl. Xin nói việc thiết đãi cơm chay Chính quyền các cấp là một nghi thức giao lưu tốt đẹp giữa Quan Âm tu viện với Cơ quan, giữa đạo và đời, giữa Nhà nước với tôn giáo, giữa Chính quyền với nhân dân, mà Quan Âm tu viện luôn đặt vần đề lên hàng đầu trong lễ cúng húy kỵ, nên trở thành truyền thống.

III . Xin nói về dư âm truyền thống trên:

Nguyên vào 23 giờ đêm, ngày 29 tháng 7 (tháng thiếu), năm Bính Dần (3/9/1986), là năm Đức tôn sư viên tịch, lúc bấy giờ mọi việc sau ngày đất nước vừa được hòa bình, độc lập thống nhất, cái giá mà người dân Việt phải trả là sau chiến tranh, nên kinh tế luôn gặp khó khăn chung, ở trong thời kỳ bao cấp thì cái gì cũng khó, việc đi lại cũng khó, phương tiện giao thông, đường sá chật hẹp, tiền bạc kém khuyết, có nhiều gia đình đông con phải lao động vất vả để làm cho kinh tế gia đình đi lên. Trong khi đó lễ tang Đức Tôn sư lại chiếm lĩnh thời gian 5 ngày, chư Tăng ni, Phật tử đến dự lễ tang đông như trẩy hội, có cả hằng trăm ngàn lượt Phật tử để tang, quấn khăn tang màu vàng lên đầu, đi khắp cả phố phường tại Tp.Hồ Chí Minh, đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, Đồng Nai, Sông Bé, Long An, Tiềng Giang, Vĩnh Long, An Giang, Lâm Đồng, Bình Thuận…Đối với Phật tử ngoài nước thì “vô cùng kính tiếc” lập bàn vọng làm lễ thọ tang và đưa tin Đức Tôn sư lên các đài tiếng nói Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Hồng Kông, Nhật Bản…

Lễ tang còn được các anh em chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Tp.Biên Hòa, Công an Đồng Nai, Biên Hòa, phường Bửu Hòa đến kính viếng đặt vòng hoa tưởng niệm giác linh Đức Tôn sư, Chính quyền các cấp ở Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh, Cụ Đại tá Hoàng Lan (Mười Ri) ở Long An cũng đến viếng, bảo vệ lễ tang, tưởng niệm người đồng chí (bí danh Hùng Sơn) năm xưa cùng chung chiến tuyến kháng chiến chống giặc ngoại xăm.

Lễ tang cũng được Đức đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ GHPGVN Thích Huệ Thành, Trụ trì Tổ đình Long Thiền chứng minh, cử người đến kính viếng và tưởng niệm, cùng tấn phong Đức Tôn sư Quan Âm tu viện lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, quý chư tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội như: Hòa thượng Thích Huệ Hưng, HT Thích Hiển Pháp, Giáo hội các cấp ở Đồng Nai Sông Bé và Tp.Hồ Chí Minh, các Ban Đại diện quận, huyện nội ngoại thành thuộc Tp.Hồ Chí Minh, những vị có tình cảm với Tôn sư đến chứng minh, chư Tăng ni Trụ trì các tự viện trong Tp.Biên Hòa, Tp.Hồ Chí Minh đến kính viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm. Trong 5 ngày lễ tang Đức Tôn sư có 215 phái đoàn đến kính viếng chia buồn cùng môn phong pháp quyến. Ngày cung tống kim quan được Hòa thượng Thích Trí Tấn, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé quang lâm chứng minh chủ trì lễ truy niệm và tiển đưa kim quan Đức Tôn sư nhập bảo tháp.

Vì mối tình cảm đặc biệt trên nên hằng năm cúng lễ húy kỵ Ban Tổ chức đều có dành một ngày đặt biệt là cúng dường trai tăng chư tôn giáo phẩm Tăng ni, đãi cơm chay Chính quyền các cấp, cũng như các đạo tràng Phật tử đến làm công quả dùng cơm danh dự và thân mật trước một ngày, trước khi đi vào các lễ chính.

IV . Lễ húy kỵ lần thứ 25:

Sáng ngày 29/7 âl, các phái đoàn đến tu viện điểm tâm xong lại còn đi về tịnh xá Thắng Liên Hoa, xã Hiệp Hòa (Cù lao phố), lễ Đức Tôn sư, nơi lưu dấu chân xưa Đức Tôn sư hành đạo lâu nhất kể từ ngày xuống núi năm Bính Ngọ (1966), nơi đây có nhiều bài pháp giáo quan trọng được Đức Tôn sư thuyết giảng cho chư Tăng ni, Phật tử, có nhiều điều luật, nội quy được ban hành trong tăng đoàn, trong các tự viện lớn, có Tăng ni chúng tập trung tu hành, như Đạo luật Quan Âm tu viện, bài pháp “Cái đẹp của người tu”, “Hiếu tử Non Bồng”

Về chương trình hành lễ húy kỵ Đức Tôn sư tại Quan Âm tu viện, có rất nhiều công việc kèm theo và Ban tổ chức có rất nhiều kinh nghiêm suốt 25 năm qua, đã lập đi lập lại tới 25 lần cúng lễ húy kỵ, như: họp Hội đồng tông phong, thông báo về Ban tổ chức, mời chư tôn giáo phẩm Tăng ni Trụ trì các tự viện và các đạo tràng Phật tử trong tông phong tham gia, phân công các đạo tràng Phật tử nấu thức ăn từ các chùa đem đến, các tiệm cơm chay ở Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Biên Hòa đến ủng hộ, chợ đầu mối Thủ Đức, Thủ Dầu Một, về văn nghệ có các đoàn hát chầu văn thuộc câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh, các Ban Văn nghệ của Nhạc sĩ Minh Hữu, nhạc sĩ Minh Chơn, soạn giả cải lương Hoàng Ngọc Ẩn, Ban thiếu nhi các chùa Bửu Hoa ni viện (Long Thành), chùa Thiên Quang (Đông Hòa) chùa Phước Ân (Tân Trụ) đến cúng dường giúp vui cho Phật tử, Ban tổ chức lễ huý kỵ trong thời gian lễ cúng tiên thường. Cúng tiên thường là lễ cúng trước khi vào lễ kỵ chính thức, nhưng ở Quan Âm tu viện lại được xem là quan trọng, được đông đảo chư giáo phẩm Tăng ni, Phật tử tham dự; năm nay có đến 15.000 người tham dự trong đêm cúng tiên thường, sau khi cúng xong các đoàn Phật tử các tự viện hành hương về Tổ đình Linh Sơn (núi Dinh Bà Rịa) lễ Phật lễ Tổ và đi hành hương các nơi khác.

Lễ húy kỵ Đức Tôn sư lần thứ 25 năm nay, được cử hành trong môi trường trang nghiêm thanh tịnh, tinh khiết, tôi vô cùng xúc động, xúc động mãnh liệt khi được các phái đoàn Phật tử, các gia đình Phật tử, các Phật tử đi lễ cá nhân đều chấp hành đúng theo nội quy của Ban Tổ chức, không xả rác bừa bãi, không ồn ào lớn tiếng, Phật tử không bị móc túi, ăn cắp vặt, giựt giọc, lừa lọc lấy xe, mọi người đi lễ Phật, lễ Tổ trong vòng trật tự trang nghiêm, có nền nếp, từng phái đoàn chấp hành theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức. Nhất là khâu giữ xe, theo báo cáo năm nay có khoảng 4.500 xe máy của khách đi lễ được đưa vào bãi giữ xe, giữ gìn giúp cho chủ phương tiện thật kỷ lưỡng, không bị mất mát hay phải nghi ngờ về khả năng xé vé giữ xe và công tác giữ xe của Ban Tổ chức.

Các Sư Vạn Lộc, đạo hữu Thiện Chánh, Bửu Liên, Thiện Hiền, Thiện Quý, Thiện Chất, Chín Trì, các huynh đệ Bát Quan Trai nam rất tích cực trong khâu trật tự, nhất là trong khâu giữ xe máy miễn phí cho Phật tử an toàn không mất mát tài sản của Phật tử, không có những hiện tượng móc túi, giựt dọc

Các anh Pháp Hạnh, Thiện Đạo, Đức Trung, Chú Lý lo về khâu âm thanh, quây phim ánh sáng thật chu đáo, thật sự thì năm nay không có sự cố về điện và âm thanh, xin tán thán công đức các vị. Quý vị xướng ngôn Sư Tâm Giới, Sư cô Diệu Chí làm tốt Phật sự của mình và ngày càng tiến bộ không còn sơ sót.

V . Ngày mùng 01/8 âl:

Ngày mùng 01/8 âl là ngày lễ chính thức, được chư tôn giáo phẩm trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, nhất là có đại lão Hòa thượng Thích Minh Chánh, thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, chư tôn giáo phẩm Ban Trị sự GHPGVN Tp.Biên Hòa và các tự viện địa phương đến tham dự chứng minh cho đại lễ, đặc biệt năm nay quý chư tôn giáo phẩm trong tông phong đã cố gắng duy trì công sức của mình ở lại tham dự đến viên mãn, đến giờ cúng dường trai tăng chư vị Trụ trì, chư Tăng nồng cốt, Ban Tổ chức đều có mặt đông đủ hơn các năm trước, Hòa thượng Giác Quang rất nghiêm khắc điều hành lễ cúng dường nên nạn “tăng đầu lô-cal” dường như không bén mãn.

Lễ cúng cơm Phật được diễn ra vào lúc 8 giờ được chư tôn đức Tăng thực hiện tại Chánh điện, lễ cúng tiến sư được diễn ra vào lúc 8 giờ 30, do quý tôn đức TT Thiện Trang, TT Minh Vũ, TT Minh Trì, TT Thiện Trung, TT Thiện Hỷ, ĐĐ Pháp Khai tác pháp, với sự có mặt chư Tăng ni, Phật tử trong môn phong pháp quyến kính dâng cơm, hương hoa trà quả Đức Tôn sư và lễ cúng dường trai tăng quý tôn đức Tăng ni được diễn ra vào lúc 10 giờ 00, lần lượt chư Phật tử các phái đoàn dùng cơm do Ban tổ chức chiêu đãi.

Đến 16 giờ 00, nghe báo cáo của người làm Phật sự nhà trù, công việc phục vụ chiêu đãi cho khách năm nay, trải qua 4 ngày là 25 ngàn phần cơm.

Lễ húy kỵ Đức Tôn sư lần thứ 25 từ từ trôi đi theo thời gian đến 15 giờ 00 ngày mùng 01/8 âl, những hình ảnh cao đẹp, các “công đức hải” được chia xẻ đều đặn cho chư Tăng ni, Phật tử các tự viện trong môn phong, sức bật của tinh thần, sự trang nghiêm của không gian, sự nghiêm túc của Phật tử tham dự lễ húy kỵ năm nay còn đọng lại những gì trong lưu luyến và xin tạm biệt hẹn lại mùa thu năm sau, lễ húy kỵ lần thứ 26 Đức Tôn sư của môn phong.

Lễ đã mãn giờ đây còn lưu luyến,

Những gì tồn đọng hẹn gặp năm sau.

Ưu-đàm ơi môn phong nở muôn màu,

Loài hoa quý, hoa đà tươi sắc thắm.

Bút ký ngày 7/9/2013

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Bút Ký Về Lễ Húy Kỵ Lần Thứ 25 Của Đức Tôn Sư Từ HT Thích Giác Quang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com