Tuần trước, cơn bão Matthew tràn vào cả vùng biển ở Mỹ, đảo Caribbean, đất nước nghèo khó Haiti , Cuba cùng ba tiểu bang khác của Mỹ là Florida, North Carolina và Georgia. Florida nơi tôi đang sống là tiểu ba gần như ba mặt giáp biển nên mọi tâm điểm về bão đều hướng về đây. Tình hình bão khá mạnh lên đến cấp bốn và dự đoán là cơn bão mạnh nhất từ năm 1992. Dù năm nào mọi người cũng lo sợ ở Florida sẽ bão lớn nhưng ở đây hơn cả chục năm tôi chưa thấy có trận bão nào ghê gớm cả, có lẽ tại vì ở miền Bắc không gần biển nên cũng không đáng lo sợ gì.

Kể từ lúc bão chưa đến và chỉ vừa ập đến các nước của vùng Caribbean, tất cả mọi phương tiện truyền thông đều dồn về tâm bão. Hiện nay đang là mùa bầu cử nên thông tin luôn ngập chính trị, tuyên truyền, chỉ trích, chửi mắng, quảng cáo giữa các ứng cử viên. Tuy nhiên, từ lúc cơn bão Matthew vừa xuất hiện, mọi thông tin chính trị đều dừng lại để tường thuật trực tiếp từng phút từng giờ về cường độ của bão đi qua. Trong lúc này, những người lãnh đạo chính phủ, nhà trắng, tổng thống, lãnh đạo tiểu bang đều phải đốc thúc công tác ứng cứu an toàn khi bão xảy đến.

Khi biết tin bão đã quật vào Haiti khá mạnh làm chết hàng trăm người và tâm bão hướng chuyển rất phức tạp, có thể sẽ quay ngược trở lại đang xuôi hướng về Mỹ, những người gần biển ở ba tiểu bang chính đều được yêu cầu phải sơ tán. Mọi người đều được yêu cầu phải mua đồ ăn, nước uống, chuẩn bị điện bình, lò nấu trong trường hợp không có nước và điện. Tổng thống Obama phải liên tục phát đi thông điệp yêu cầu mọi người ứng phó với bão, huy động lực lượng cứu hộ, quân đội phải túc trực để đề phòng có bất trắc xảy ra. Tất cả những công ty sản xuất đồ dùng thực phẩm nhu yếu đều phải được huy động mang đến các cửa hàng và hiển nhiên không hề có chuyện tăng giá trục lợi kiếm lời nếu không muốn gặp rắc rối với chính phủ, bị tẩy chay và có thể bị phạt rất nặng.

Vì không lường trước tình hình của bão và lo sợ tai ương có thể xảy ra, cả tiểu bang Florida và những vùng phụ cận của ba tiểu bang khác gần như đều được cho nhân viên nghỉ việc vào ngày thứ sáu khi dự đoán tối thứ năm bão sẽ đến. Nhiều trường học đã cho nghỉ từ thứ tư và ở nơi tôi đang sống, tất cả các trường học đều yêu cầu đóng cửa vào lúc 3h chiều thứ năm cho đến hết tuần. Trước đó khoảng một tháng, một cơn bão khác cũng ập đến, cũng được cho nghỉ học nghỉ làm nhưng không quá nhiều như cơn bão này dù cuối cùng ngày bão còn có cả nắng lên, chẳng mưa lũ gì xảy ra cả. Tuy nhiên, vì tính mạng con người ở đây cực kỳ quan trọng nên nói như tổng thống Obama, tiền bạc nhà cửa có thể tìm lại nhưng mạng người thì không nên tất cả đều được cho ở nhà.

Thông thường, bệnh viện là nơi mọi người lo lắng nhất. Ở Mỹ, nhân viên y tế nếu có tai nạn lũ lụt đều phải đi làm, nhất là trong bênh viện. Bão lần trước những người làm việc chính phủ được nghỉ, phòng khám và bệnh viện không được nghỉ. Tuy nhiên, tính chất của bão lần này quá phức tạp nên sau nhiều buổi hội họp, phòng khám và cả phòng truyền thuốc, hóa trị, truyền máu đều được cho nghỉ, một điều chưa bao giờ xảy ra trong nhiều năm tôi đi làm dù biết tuần sau sẽ rất phức tạp và nặng nề. Vì là bệnh viện lớn miền bắc nên việc chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân từ các bệnh viện vùng ảnh hưởng sẽ được lên chương trình.

Cả ngày thứ năm, tin nhắn, email liên tục cập nhật tình hình bão, tình hình tiếp nhận bệnh nhân, thông báo yêu cầu phải cho xuất viện sớm càng nhiều bệnh nhân ổn định trong khả năng có thể để có giường tiếp nhận bệnh nhân mới. Lực lượng y bác sĩ yêu cầu phải túc trực, đăng ký làm việc và tính đến cả phương án phải ở lại bệnh viện làm việc nếu bão lớn hoặc bệnh nhân quá tải, phòng ngủ cho nhân viên y tế đều được trang bị, thuốc men yêu cầu cung cấp không ngừng. Cứ một lúc là thư từ thống đốc tiểu bang, thư của thị trưởng thành phố rồi đến trưởng khoa, CEO bệnh viện gởi đến xin mọi người cố gắng cùng nhau làm việc trong tinh thần tương thân tương ái.

Ở phòng khám, tôi cứ ngỡ bệnh nhân sẽ không đến gặp nhưng ngạc nhiên tất cả đều đến ngày thứ năm làm tôi khá bận rộn, chưa nói phải lo sắp xếp nhiều thứ cho tuần tiếp theo. Từ buổi xế, các nhân viên ở xa được cho về dần. Các sếp phòng khám yêu cầu trước khi về chúng tôi phải tắt máy tính, rút điện để đề phòng cháy nổ, sự ứng cứu lên kế hoạch để đối phó với bão đều rất luân chuyển nhịp nhàng. Đến chiều mọi người giục tôi về nhưng tôi vẫn còn chưa xong việc nên gần như là những người về sau cùng. Lúc này các nhân viên đi từng phòng để kiểm tra tắt máy máy, phủ lên mỗi máy tính một bị nhựa to dùng để đựng rác hòng sợ mưa gió làm hư hỏng máy tính. Nhìn quang cảnh ấy tôi cứ ngỡ như là một lễ hội hóa trang Halloween đến sớm trông rất buồn cười. Do đó, trước khi về tôi cũng đã lo tắt máy, rút giây điện và phủ bị nhựa họ để sẵn kế bên lên máy tính, báo cáo với sếp phòng khám mới trở về.

Đọc tin nhìn mọi người hối hả xếp hàng mua đồ ăn thức uống và nhiều nơi các quầy hàng đều sạch hết làm tôi cúng hơi lơ ngại dù đến lúc đó tôi chưa chuẩn bị gì, đến nước cũng không có. Tôi cũng hòa mình ra các chợ thì chỗ nào cũng ngập người. Ra chợ gần nhà lấy thuốc, một cảnh tượng tôi chưa bao giờ thấy khi mọi người hối hả đi lấy đồ ăn, lấy nước đông đúc còn hơn ngày Black Friday mùa sắm cuối năm. Trước mỗi quầy tính tiền, nước đóng chai từng thùng và block lớn chất cao như núi, nhân viên liên tục mang ra để sẵn phía trước hoặc bỏ vào xe cho mọi người dễ lấy và ai đi chợ cũng đều mang về ít nhất hai thùng, trừ tôi. Có lẽ tôi chủ quan rằng nhà chẳng sao và dù sao cũng có hai bình nước lớn đủ dùng, nhà gần chợ nữa. Các chợ nhân viên cũng túc trực giúp khách, người người hối hả giúp nhau và hiển nhiên tất cả đều không bao giờ tăng dù một cent. Có nơi nghèo khó họ còn mang đến để tặng.

Về nhà mọi người đều nói chuyện bão. Bất ngờ nhiều cửa hiệu thuốc tư nhân như nơi em gái đang làm dược sĩ tại công ty thuốc cũng được cho nghỉ. Em gái đang làm bác sĩ nội trú ở thành phố khác cũng thông báo được nghỉ một ngày bất ngờ. Nhà cứ nhìn ngắm chẳng thấy mưa gió gì. Cả đêm tôi cũng thức xem tin tức, thấy vài chục căn nhà ở Cuba bị kéo sập, Haiti mỗi ngày thiệt hại mỗi cao và ở miền nam một vài chỗ bị ngập. Đến bốn giờ sáng tôi mới đi ngủ nhưng khu vực nhà mình chỉ lất phất mưa. Sáng dậy trời vẫn mù sương, mưa rất nhẹ chẳng gió gầm rú như bão lần trước. Mọi người cũng chẳng hiểu bão thế này sao gọi cấp bốn, cho nghỉ tất cả biết bao nhiêu thiệt hại. Vì được nghĩ và giữa trời mưa gió nhẹ nên tôi làm bánh khọt cho cả nhà ăn còn ba ôn lại chuyện bão xưa ở Việt Nam. Nếu mà lấy tiêu chuẩn Mỹ để cho nghĩ làm tránh bão áp dụng ở Việt Nam chắc là sẽ phải nghỉ quanh năm khỏi đi làm.

Đến xế chiều, lúc ấy tâm bão mới chuyển đến vùng tôi ở nhưng chỉ một cơn mưa không quá nặng và ít gió mà ba tôi nói hài hước bão không làm gãy được nhánh ớt của ba. Em gái nôn nao chôn chân ở nhà cả ngày không thấy gì nên xế chiều lái xe ra ngoài xem tình hình bà con. Ai cũng buồn cười không hiểu bão có nặng nề gì, còn thua nhiều trận mưa thường xảy ra nhưng được nghỉ học nghỉ làm. Email từ phòng khám, từ bệnh viện gởi đến thông báo rằng bão đã chuyển hướng không quá mạnh như vẫn tưởng, đang suy yếu dần nhưng phải kiểm tra trong 24 giờ, xin bày tỏ lòng cảm ơn đến tất cả bệnh nhân và nhân viên y bác sĩ cùng chung vai túc trực nhau làm việc rất cảm động thấm đượm tình người.

Sáng thứ hai tôi lên phòng khám khá sớm để xem xét tình hình, nhất là lo sợ không biết máy tính có bị vấn đề gì không Trời gần chuyển sang tháng 11 nên bắt đầu lành lạnh. Nghĩ thời tiết cứ như cô nàng đỏng đảnh, mới tuần trước còn nóng thì hôm nay đã lạnh rồi. Lá cũng bắt đầu chuyển chút màu chưa vàng nhưng cũng không xanh rực như mùa hè. Trong đầu đang nghĩ lên sẽ đối diện với cả clinic phủ đầy nhựa cứ như mạng nhệnh hôm thứ năm, lại lo kéo nhựa ra, cắm điện, bật công tắc, thử xem máy tính có làm việc không rồi dọn dẹp xung quanh. Vừa chạm phòng khám, tôi hơi bất ngờ khi trước mặt mọi thứ đã được dọn hết, sạch sẽ, điện đã cắm, máy tính đã được ai đó khởi động chờ đăng nhập làm việc như mọi ngày. Đúng là ở Mỹ. Có lẽ từ sáng sớm hơn thì hệ thống nhân viên kiểm tra đã đi khắp các phòng lo hết các chuyện này. Tôi thấy vui vui cũng như hạnh phúc vì không bị thiệt hại gì, lại đỡ tốn thời gian đợi chờ hoặc phải kêu nhân viên IT đến xử lý dù họ cử cả hai IT túc trực ở phòng khám nếu có chuyện xử lý ngay.

Nhìn về thiệt hại, số lượng người dân Haiti bị chết vì bão đã hơn 1 ngàn người. Xứ sở Haiti cứ giống như là một nơi bị chịu nghiệp thiên tai liên hồi. Trận động đất năm 2010 chưa kịp khôi phục thì bão Matthew đến mang tất cả trở về cát bụi. Dù các tổ chức y tế, lực lượng cứu hộ, lương thực thực phẩm, biết bao nhiêu hội đoạn thiện nguyện nhất là từ Mỹ đã đến đây giúp đỡ nhưng cái đói nghèo, thất học, thiên tai, không nghề nghiệp, sinh sản gia tăng như cái vòng luẩn quẩn bám vào người dân ở đây.Ở Mỹ cả trận bão chỉ có khoảng hơn 30 người thiệt mạng nhưng báo chí thông tin dữ dội và nhiều lãnh đạo ở tiểu bang bị chỉ trích vì đã để người dân bị tai nạn chết người. Đến cả xúc vật, chó mèo, gia xúc gia cầm cũng được nhân viên cứu hộ vào tận nơi để mang đến nơi trú ẩn, mang vào nhà dân chăm sóc. Thế mới thấy con vật ở đây còn có phước hơn những người ở vùng bị nạn Haiti.

Hôm nay nhận được tin bão lũ ở miền Trung của quê nhà. Chuyện bão lũ ở Việt Nam là chuyện diễn ra hàng năm nhưng người dân miền trung là nơi bị hứng chịu tai ương nhiều nhất. Vào mùa hè nơi đây bị thiếu nước nghiêm trọng vì nắng hạn và mùa mưa lại bị lũ lụt tan thương, đặc biệt khi rừng đã bị phá hết và các công ty thủy điện bất chấp tính mạng người dân xả nước đập làm lũ tràn lên nhanh chóng không ai đề phòng gì. Cứ lũ lụt ở miền Trung nước giờ đều lên tận nóc nhà, bà con ai may mắn thì leo lên chờ cứu hộ, bám vào bất cứ thứ gì để có thể tồn tại. Mạng người còn vậy thì nói chi đến xúc vật gia cầm. Cứ mỗi khi lũ đến là biết bao nhiêu trẻ em bị chết đuối, người chết trôi, những con xúc vật trâu bò gia tài của người dân đều bị chết. Nếu có trồng hoa màu cũng đều chẳng còn gì. Cái ngheo mãi bám hoài những người dân nơi đây dù ở nơi nào đó, bao người vô tâm vô tình ăn sung mặc sướng chẳng buồn nghĩ đến người dân nghèo khắp nơi.

Sáng nay dạy học, cháu tôi ở Việt Nam hỏi có phải đất nước mình rất giàu tài nguyên khoáng sản không. Nghe câu hỏi giữa lúc bão lũ miền Trung tôi vừa thương vừa giận vô cùng. Thương cháu đến giờ vẫn bị dạy những tư tưởng, những thông tin rất ư lạc hậu. Đến giờ tài nguyên đã bị cạn kiệt, “rừng vàng biển bạc’ khi xưa đã bị khai thác, chặt phá chẳng còn gì nên tai ương mới thê thảm đến vậy. Giận tại sao bao nhiêu tư tưởng tốt đẹp, bao nhiêu điều hay bổ ích, bao sự thật về sự ô nhiễm, đất nước đang bị cạn kiệt vì con người phá hoại không được giáo dục để các cháu, mầm non tương lai của đất nước có ý thức hơn trong công việc mình đang làm. Tôi phải giảng cho cháu hiểu về bão lũ hiện tại ở miền Trung, về ô nhiễm biển, ô nhiễm không khí, tác hại của việc chặt phá rừng, đất xói mòn, dạy cháu bảo vệ môi trường sống để biết ý thức từng hành động của mình làm cũng như cuộc sống xung quanh của mình đang diễn ra.

Ở đâu cũng vậy, lúc bình thường người ta có thể ganh tỵ, chỉ trích, chửi mắng nhau nhưng khi thiên tai ập đến, tất cả đều cùng nhau chung lo gần gũi tương trợ. Ngày thường mọi người đã thường hay làm từ thiện thì ngày mưa lũ chuyện ấy lại càng nhanh chóng khẩn thiết hơn. Ở Mỹ các hội đoàn đã chuyên nghiệp và có chính phủ lo lắng nên mọi người cùng nhau theo chân về Haiti giúp đỡ. Việc hiến máu nhân đạo, cứu trợ lương thực, thuốc men, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh diễn ra nhịp nhàng. Ở Việt Nam, người dân từ khắp nơi lại nô nức tổ chức quyên góp. Trên thế giới mạng, nhịp cầu ngỡ rất ảo nhưng tình người rất thật cùng chia nhau hình ảnh bà con bị lũ lụt nhấn chìm chờ cứu trợ đến. Nghĩa cử cao đẹp lá lành đùm lá rách, thương yêu đùm bọc nhau, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” gần gũi thấm đẫm tình người.

Thiên tai mưa lũ hai nơi nhưng hai cách ứng cứu, đối phó hoàn toàn khác biệt. Đành nói theo nhà Phật nhân quả hiển bày. Mong sao bà con sớm vượt qua được thiên tai, các hội đoàn cứu trợ tình nguyện đúng việc đúng nơi tròn tâm đầy ý nghĩa. Mong sao đất nước mình sẽ được quan tâm tốt hơn, người dân có ý thức hơn không vì lợi nhuận trước mắt mà phá bỏ tất cả. Mong sao thế hệ trẻ sẽ được giáo dục đầy đủ, chu đáo hơn về nhân quả, tác hại của việc phá hoại môi trường, biết yêu thiên nhiên, yêu quý cây xanh, yêu cả muôn loài. Cầu mong Bồ Tát Quán Thế Âm Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn khắp nơi từ trái tim và tấm lòng của những người biết chung lo xây đắp tình người mang cuộc sống yên bình sớm trở lại với bà con nghèo khổ ở miền Trung.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Bão Lũ Qua Đi - Tình Người Còn Lại”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com