Có một thời gian đức Phật ở trong rừng A-nậu, thuộc ấp Di-na18. Ở đây, các quí tộc thuộc giòng họ Thích, nhiều người đến với đức Phật xuất gia học đạo. Không bỏ lỡ cơ hội, Thích Ma-nam19, nói với A-na-luật20:

- Nay các quý tộc đều xuất gia tu phạm hạnh, tại sao riêng anh em chúng ta không thực hiện việc này? Nếu ta xuất gia thì em coi ngó việc nhà, còn nếu em xuất gia thì ta ở nhà lo liệu.

A-na-luật nói:

- Anh cứ đi xuất gia, em sẽ lo liệu việc nhà.

Thích Ma-nam nói:

- Trước đây việc nhà có anh lo, em chỉ thụ hưởng sung sướng, đâu có biết gian lao cực khổ là gì. Tuy nhiên, xuất gia hành đạo, điều cực khổ đâu phải là kém. Nay em ở nhà thì anh phải chỉ vẽ em phương pháp quản lý gia nghiệp. Hãy nghe anh nói cách quán xuyến công việc: Ban ngày phải thích ứng với công việc ra sao? Ban đêm phải đặt kế hoạch thế nào cho khớp? Phương pháp làm ruộng, mua bán, điều hành kẻ ăn người ở, tất yếu phải khôn khéo dùng lời tác động, theo dõi.

A-na-luật nghe thế nói rằng:

- Nếu quản lý gia nghiệp mà phải như vậy mới đạt kết quả, thì một ngày em cũng không thể quản lý nổi! Thôi thì anh ở nhà, em đi xuất gia vậy.

Thích Ma-nam nói:

- Pháp của chư Phật Thế Tôn, cha mẹ không cho phép thì không được tu đạo, nay em muốn xuất gia thì phải đến xin phép mẹ, tự em nói lên ý nguyện này.

Nghe theo lời anh, trước mẹ, A-na-luật giải bày lời xin:

- Thưa mẹ, con mộ Phật pháp nên muốn xuất gia học đạo.

Bà mẹ trả lời:

- Mẹ chỉ có hai anh em con, tình mẹ yêu thương hai con quá sâu đậm, làm sao mẹ, con có thể sống xa lìa nhau được! Nhà mình rất giàu có, thích hợp với việc tu công đức con cứ thực hiện việc này, con xuất gia là làm đau lòng mẹ!

Tưởng thuyết phục được con mình, không ngờ A-na-luật vẫn sắt đá với việc xuất gia. Lần thứ ba, A-na-luật xin phép, bà mẹ đặt vấn đề với con như một điều tiên quyết, bà mẹ bảo như vầy:

- Nếu Vua Bạt-đề21 xuất gia thì mẹ cũng đồng ý để con xuất gia.

Ðã từ lâu Vua Bạt-đề cùng A-na-luật, Nan-đề, Ðiều-đạt, Bà-bà, Kim-bệ-lô.v..v... rất nặng tình thương mến nhau, nên có việc gì thì cũng đều chung thề không làm trái ý nhau.

Với ý của mẹ như thế, A-na-luật đến ngay Vua Bạt-đề, ngõ lời như vầy:

- Nay tôi có chút ý nguyện, mà ý nguyện này lại gắn liền với lời thề của vua. Chúng ta đã long trọng thề rằng: Không làm trái ý nhau, nếu làm trái ý nhau đầu bị vỡ thành bảy mảnh. Vì thế, nay lời nguyện của vua ắt phải gắn liền với lời thề ấy.

A-na-luật liền đem ý kiến của mẹ mình trình bày lên Vua Bạt-đề.

Nhà vua nghe rồi, bảo rằng:

- Ý nguyện này của khanh, ta chưa có thể thực hiện ngay được. Tại sao vậy? Vì ta nguyện làm vua, cái quả này ta mới bắt đầu. Thân tộc ta giàu sang, chẳng có gì để lo lắng cả, làm sao có thể bỏ ngay nếp sống này để xuất gia học đạo?!

A-na-luật nói:

- Nếu vua xuất gia thì nguyện tôi mới toại, tham đắm sự phồn vinh thì tôi phải trầm luân lâu dài. Xin vua suy nghĩ kỹ, đừng để trái với lời thề trước kia!

Vua Bạt-đề nói:

- Tôi sẽ làm theo ý nguyện của bạn nhưng để cho tôi sau 7 năm, tôi sẽ cùng bạn xuất gia học đạo.

A-na-luật nói:

- Sau 7 năm chắc gì đức Phật còn tại thế?! Hơn nữa, mạng sống của tôi khó có thể bảo đảm được đến ngày ấy. Tại sao nay Vua lại nêu ra kỳ hẹn này?

Vua Bạt-đề nói:

- Bảy năm, nếu có lâu thì 6 năm không được sao?

A-na-luật cũng trả lời như trên. Vua lại hẹn 5 năm rồi 4, 3, 2 năm, đến còn một năm, rồi lại hẹn từ bảy tháng đến còn một tháng, từ 7 ngày đến còn một ngày... đều không được A-na-luật chấp nhận.

Nhà vua nói:

- Chúng ta là bậc vương giả, đâu có thể đột ngột ra đi như vậy. Chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, xa giá hết sức nghiêm chỉnh, mượn con đường du hành để thực hiện chí nguyện xuất gia. Bây giờ bạn có thể nói rõ ý định này với A-nan-đà.v..v...

A-na-luật liền thông tin cho 5 người bạn còn lại. Năm người này rất hân hoan, tâm đầu ý hợp.

Ngay trong đêm ấy, đội quân tinh nhuệ nhanh chóng hoàn tất nghiêm chỉnh một chuyến đi. Một thế gian cực kỳ lộng lẫy, oai nghiêm vào lúc trời vừa sáng. Vua, tôi ra khỏi thành, con đường du hành của nhà vua đang bước sang một ngã rẻ khác, một sự giải thoát đột biến đến kỳ lạ...

Cuối cuộc du hành thưởng lãm, Ưu-ba-ly - người thợ cạo tóc - được mật báo... Bảy hoàng thân quốc thích kín đáo rời khỏi đoàn tùy tùng, rồi mất hút trong rừng sâu, họ ẩn mình trong sự tịch vắng. Những trang phục quí giá trên mình họ, bây giờ là cái giá để cho người thợ cạo Ưu-ba-ly cạo tóc cho họ. Họ cải đổi y phục rồi nhanh chóng lên đường xuất gia...

Bảy người đi chưa bao lâu, Ưu-ba-ly giật mình nghĩ ngợi: “Các hào tộc họ Thích cường bạo, nếu biết ta cạo đầu cho bảy người này, chắc họ sẽ giết ta. Hơn nữa, các quý tộc này còn bỏ nhà xuất gia, nay ta tại sao không bỏ đồ nghề hớt tóc và các y phục quí giá này để xuất gia?”

Không do dự, Ưu-ba-ly tự cạo đầu, rồi đem các y phục quí báu kia treo lên gốc cây, với ý nghĩ: ai cần thì lấy sử dụng. Ưu-ba-ly đi thật nhanh như muốn chạy, và không bao lâu đuổi kịp 7 người, Ưu-ba-ly nói:

- Nay tôi cũng muốn theo quý vị xuất gia.

Bây giờ, 8 con người bình đẳng nhau trong sự giải thoát. Họ tiến nhanh về khu rừng A-nậu, nơi đây đức Phật đang chờ đón họ.

Trước Thế Tôn, tám người đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, họ thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, nay chúng con muốn xuất gia tịnh tu phạm hạnh. Riêng đối với Ưu-ba-ly là người nô bộc của chúng con, xin Ngài độ cho ông ta thọ Cụ túc giới trước, sau đó mới độ chúng con. Ðiều này cần phải như thế để cho chúng con và các Thích chủng phá tâm kiêu mạn đối với Ưu-ba-ly.

Ðức Phật liền độ Ưu-ba-ly, sau đó mới độ 7 người.

Ngay sau lúc độ này, đức Phật có suy nghĩ:: “Ca-duy-la-vệ22 cách đây không xa, các người dòng họ Thích biết được có thể gây trở ngại. Ðức Phật cùng đưa 8 người đến thành Bạt-đề-la23. Nơi đây, dưới tàng cây Võng Lâm, đức Phật đã vì họ nói diệu pháp, bao gồm những vấn đề: Nhãn vô thường, Sắc vô thường, Nhãn thức, Nhãn xúc, Nhãn xúc nhân duyên sanh thọ vô thường. Cho đến Ý vô thường, Pháp vô thường, Ý thức, Ýù xúc, Ý xúc nhân duyên sanh thọ vô thường. Các người là Thánh đệ tử nên phải thực hiện quán sát như vậy, sanh tâm yểm ly, sở đắc trí tuệ giải thoát, chỗ phải làm đã làm xong, phạm hạnh đã lập, không thọ thân sau...

Sau khi nghe pháp, có 6 người đoạn hết lậu hoặc, đắc A-la-hán. A-nan vì hầu Phật nên các lậu hoặc không đoạn hết. Ðiều-đạt, người duy nhất không thu hoạch được điều gì.

Tỳ-kheo Bạt-đề sau khi đắc quả A-la-hán, tâm vua trong sạch không còn sự lo sợ nào. Hoặc tọa thiền hay kinh hành, dưới tàng cây hay nơi hoang vắng, tự thân liền được sự vui sướng, thanh thản, vua đã thốt lên lời:

- Khoái thay! Khoái thay!

Âm thanh này, một Tỳ-kheo khác nghe được, lại có tác ý, nghĩ rằng: “Chắc Tỳ-kheo Bạt-đề nhớ đến niềm vui thế tục mà không vui với phạm hạnh nữa!”. Ngay sau đó, vị ấy đến bạch Phật:

- Con đã hướng đến Bạt-đề và nghe vị này nói: “Khoái thay! Khoái thay!”. Chắc ông ta nhớ lại niềm vui khi còn làm vua, không thích sống phạm hạnh nữa!

Ðức Phật bảo Tỳ-kheo ấy gọi Tỳ-kheo Bạt-đề đến. Trước Phật, Tỳ-kheo Bạt-đề đầu, mặt kính lễ sát chân Ngài rồi đứng qua một bên.

Ðức Phật hỏi Bạt-đề:

- Sự thật ông có nói “Khoái thay” hay không?

- Bạch đức Thế Tôn, thật sự con có thốt lên “Khoái thay”. - Bạt-đề thưa.

- Ông nói “Khoái thay” với ý nghĩa như thế nào? - Ðức Phật hỏi.

- Thưa Thế Tôn, lúc trước sống trong cung vua là sống trong bảy lớp thành vây bọc, bảy hàng voi, bảy hàng ngựa, bảy hàng xe, bảy hàng bộ binh, bốn binh chủng bao quanh. Ấy vậy, khi nghe một âm thanh khác lạ thì lòng kinh sợ, lông tóc dựng ngược lên. Nay ở dưới tàng cây, nơi đất trống mà thản nhiên không một chút lo sợ, cho nên con đã phải nói lớn “Khoái thay” là vậy!

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Bạt-đề đã đắc A-la-hán mà không vui với nếp sống phạm hạnh là điều không có cơ sở. Từ Bạt-đề, một thực tại của vấn đề lúc bấy giờ mà nhân đó đức Phật nói kệ:

Khoái thay! A-la-hán

Không còn ân ái buộc

Phá được dục, nhuế, si

Xóa đi lưới kiết sử

Niết bàn đây nơi đến

Nào còn tâm uế trược

Nào nhiễm đắm thế gian

Giải thoát mọi nhiễm ô

Năm uẩn tường tận rõ

Bảy rừng pháp hành du

Chỗ đi con rồng lớn

Chế phục mọi khủng nguy

Thành tựu mười Chủng đức

Vua đức Tam muội thiền

Mọi hủ lậu đã sạch

Là đệ nhất thế gian

Bất động không sợ hãi

Không nhận lại thân sau

Tịch diệt đều dứt sạch

Khổ, lạc báo hằng không

Vững vàng trí vô học

Thân này, thân sau cùng

Phạm hạnh kiên cố lập

Ðâu điều không thể tin

Khắp cả thế gian này

Còn đâu các dục lạc

Vang lừng sư tử rống

Nào ai hơn đức Phật.

Thích Đổng Minh




Có phản hồi đến “12. Khoái Thay! Khoái Thay!”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com