Sáng 18-10, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) lần đầu tổ chức Lễ hội Hoa Cúc nhằm hướng tới xây dựng một lễ hội đặc trưng thường niên vào dịp Tết Trùng Dương, tôn vinh những giá trị văn hóa tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của dân tộc. Đây cũng là sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30-10-1963 – 30-10-2013).

 Rước nước từ giếng nước sơn thần. Ảnh: anninhthudo.vn
Rước nước từ giếng nước sơn thần. Ảnh: anninhthudo.vn

Theo truyền thống, ngày 9-9 âm lịch hằng năm là ngày Tết Trùng Dương (hay còn gọi là Tết Trùng Cửu), ngày Tết của Hoa Cúc, lấy sự lặp lại của hai số 9 để nói về sự trường thọ. Ở Việt Nam ngày nay, Tết Trùng Dương còn ít người biết đến, nhưng xưa kia, đây là một tập tục khá phổ biến, mang nhiều nét đẹp văn hóa.

Sở dĩ chùa Ba Vàng tổ chức ngày Tết này gắn với hình ảnh hoa cúc bởi đây là loài hoa này luôn gắn liền khu quần thể danh thắng Yên Tử và các Thiền Viện Trúc Lâm. Hoa cúc cũng là hình ảnh gắn với biểu tượng văn hoá Phật giáo thời nhà Trần. Trong thơ ca của Tam Tổ Trúc Lâm hình ảnh hoa cúc thường xuất hiện mang nhiều tinh thần triết lý của đạo Phật Trúc Lâm. Đặc biệt trong thơ của Tam tổ Huyền Quang hình ảnh hoa cúc trở nên thi vị với triết lý nhân sinh sâu sắc: Năm cuối giữa rừng không có lịch/ Nhìn hoa cúc nở biết Trùng Dương (Bài thơ Hoa cúc số 2).

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng trong hệ thống Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử cùng các phật tử và những người tâm huyết với văn hóa truyền thống dân tộc từ lâu nay đã mong muốn được khôi phục lại những nét đẹp trong ngày Tết Trùng Dương với tên gọi Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng, nhằm khôi phục lại một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc và tôn vinh hình ảnh một biểu tượng của văn hoá Phật giáo Trúc Lâm.

Theo kế hoạch Lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng được tổ chức vào đúng “ngày Trùng Cửu 9-9 âm lịch” tức ngày 13-10 dương lịch, nhưng do cả nước tổ chức Quốc tang đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho nên được lùi lại một tuần và diễn ra vào hôm nay 18-10.

Tại Lễ hội Hoa Cúc lần này, ban tổ chức cùng các chư tăng chùa Ba Vàng đã cất công sưu tập hơn 80 loài hoa cúc của các miền đất nước để tổ chức sắp đặt nhiều không gian khác nhau trong khuôn viên của chùa.

Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, mang ý nghĩa tâm linh như nghi thức hành thiền lấy nước từ giếng Thần về chính điện, dâng lục cúng, biểu diễn trình cắm hoa cúc, các nghi thức pha trà hoa cúc cúng Phật, cầu quốc thái, dân an; thi cắm hoa cúc trưng bày tại vườn La Hán, trình diễn thư pháp, thưởng thức thiền trà hoa cúc, ngâm thơ thiền, nghe giảng pháp, chiếu phim về Đức Phật, xem biểu diễn tuồng, chèo, v.v.

Chùa Ba Vàng còn có tên là Bảo Quang Tự được xây dựng vào thế kỷ 17 đời vua Lê Dụ Tông. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Thành Đẳng Sơn cao 340m so với mực nước biển, tại một vị trí đẹp trong TP Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh và là ngôi cổ tự nằm trong quần thể di tích trên dãy núi Yên Tử, danh thắng của vùng đông bắc đất nước.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh cùng Ban quản lý chùa Ba Vàng đã tiến hành trùng tu tôn tạo di tích theo nhiều giai đoạn và hiện đã hoàn thành giai đoạn một, nhằm xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm hoằng pháp của tỉnh Quảng Ninh -nơi bảo tồn những giá trị văn hóa Phật giáo, nhất là Thiền phái Trúc và văn hóa truyền thống của dân tộc.

(Theo Nhân Dân)



Có phản hồi đến “Độc Đáo Lễ Hội Hoa Cúc Chùa Ba Vàng- Quảng Ninh ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com