Từ Hà Nội, phiền não cảnh thế gian tham sân si chất đầy tấm thân tội lỗi, tôi ngược dòng Lô Giang tìm về nơi tĩnh lặng.

Tại đây, chúng tôi có duyên gặp hàng cây bồ đề sau lưng “nhà cư sĩ” thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

“Cư sĩ” ở đây vốn chỉ những người lên thiền viện tĩnh dưỡng cái tâm. Nhà cư sĩ, hiển nhiên là nơi ở của những người như vậy. Hàng ngày, đi tưới nước cho cây bồ đề còn gọi là lao tác (gồm tưới cây, bổ củi, nhặt lá…). Cư sĩ nào tu tâm cũng phải lao tác. Bất kể là đại gia hay kẻ cơ hàn. Kể cả vỡ nợ.

Đó là luật của thiền viện.

Chuyện rằng có doanh nhân nọ khăn gói lên thiền viện. Hộ tống là bầu đoàn thê tử ngồi xe Fortune với đầy đủ mì tôm, sữa hộp, thuốc lá 555…

Lên chùa để làm gì?

Vâng, trước mắt để lánh nợ (chưa phải trốn, chưa phải vỡ). Lên để tu cái tâm, cái tâm nó không động thì mới sáng suốt, xuống núi mới điều khiển nổi công ty…

Doanh nhân – cư sĩ mới nhớ chuyện xưa chơi chứng khoán. Hồi đó rủ nhau đi buôn chứng khoán như mốt thời thượng, một bà bán xôi ngoài chợ cũng tán chuyện trên sàn. Còn nhớ, có công ty hành chính sự nghiệp còn ra hẳn quy định… cấm nói chuyện chứng khoán trong giờ làm việc. Rồi đùng một cái, “trứng” vỡ, thế gian vỡ chợ, vỡ nợ, nhiều người muốn chết đi cũng chẳng xong.

Ở đây không bàn chuyện kinh tế học. Thưa chuyện với thầy Tâm Pháp, thầy giảng: “Phước đến, không giữ, phước đi, mất phước!”.

Nghe đến đây, doanh nhân – cư sĩ nói trên lạnh người, mồ hôi toát ra như tắm!

Nghe mà ngấm. Nghe thấy ngộ.

Chẳng phải, khi tiền đến quá nhiều, người ta càng dễ tham đắm ngũ dục thế gian hay sao?

Tỷ như ngày xưa, chưa biết đồ hiệu, đến khi tiền có rồi, đã dám mặc cái quần tiền triệu thì cái áo cũng không thể rẻ hơn. Mặc quần áo hiệu rồi, đi xe hơi cũng phải hàng hiệu, nhà hàng cũng phải có thương hiệu mới ngồi. Nghêu sò ốc hến bấy giờ không thèm nhậu. Tán ngắn bàn dài chuyện làm ăn phải kèm mồi ba ba kỳ tôm kỳ đà…

Rất nhiều tiền nhưng kẻ phàm phu hồi đó nào biết đi chùa. Mở mắt, nhào ra đường là chứng khoán, là chung cư, là đất cao su, đất vườn, đất ruộng… Tham sân si nhiều không đạt, mới đổ cho vận đen. Đen đủi đến nhiều, đến liên tiếp, lại ồ ạt vô chùa, sì sụp khấn bái.

Cái nghiệp đó không phải do đen đủi!

Phước đến, kẻ phàm phu không giữ phước, không tán phước. Cửa chùa thanh tịnh lại không níu gót nổi với khách sạn nhà hàng thơm lừng. Thử tịnh tâm lại, thời điểm đó ta đã xuống tay hành thiện một lần chưa? Phật không thể cho ta những gì vật chất nên không cần phải sì sụp khấn bái như vậy. Phật chỉ giác ngộ cho chúng ta thoát khỏi tham sân si bằng chính cách huân tu tinh tấn, để ngộ ra những thứ vật chất chỉ là vô thường.

Sân chùa lại càng không phải là một cái sàn, đến đó để mong cầu các giao dịch sinh ra lời lãi.

Có phải, chính cái tâm của ta khởi lên mọi ham muốn, hết vật chất này đến mưu cầu kia, rồi lại để đắp vào cái thân này, vốn càng dày thêm tội lỗi.

Tai nạn giao thông, vốn đâu mà ra, sao ngày nghỉ lễ tai nạn càng nhiều? Bệnh tật, như ung thư chẳng hạn, vốn từ đâu mà đến, chẳng phải là do chính con người hại nhau đó sao? Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng đổ cả dầu nhớt vô ruộng rau muống. Vì miếng ăn, người ta sẵn sàng tẩm hóa chất biến thịt heo thành thịt bò.

Ở thiền viện, tôi ăn chay trường. Sáng nay bún riêu (làm từ đậu phụ) thì ngày mai xôi chè, ngày mốt bánh mì chay… Bữa trưa thì canh ngót, canh đậu phụ nấu chuối; xào là bầu bí, “mặn” là đậu phụ nấu cà chua, đậu phộng rang muối… Bữa chiều tối thì ăn lại những món thừa của hai bữa trước. Bữa nào “đời” nhất, được ăn bánh cuốn. Thèm lắm, mà chẳng được ăn ngay. Trai đường tĩnh lặng nghe thầy giảng Tăng xướng, Tam đề, Năm pháp quán… Ăn mà nghĩ, mà ngẫm: “Cơm ngày hai bữa, thường nhớ công khó khổ của kẻ nông phu/Thân mặc ba y hằng xét nghĩ sự nhọc nhằn của người may dệt…”.

Phải chăng như thế mà bia cay rượu đắng, thịt thà mỡ mòng bám lâu và sâu trong huyết quản, trong lục phủ ngũ tạng cứ tự rã ra, thần xác bỗng nhẹ nhàng siêu thoát. Nghe gì cũng ngộ. Làm gì cũng giác.

Chẳng phải, cảnh khí linh tịnh của đất Phật đang gieo duyên cho chúng sinh ngẫm hướng đi khác cho cuộc đời đó sao? Hay là bởi rau sạch, nước trong thấm nhuần nguyên khí là thứ thuốc nhiệm màu ngăn mọi tham sân si bệnh tật.

Ngày mới đến, cái thân mệt mỏi chưa bảo ngồi đã nằm. Ba giờ sáng nghe tiếng chuông reo báo đi tụng thiền nghe mà kinh hãi, tiếc cho giấc ngủ chưa tròn mà nằm lâu càng mộng mị.

Mới nghe, mấy tiểu cư sĩ (con nhà đại gia gửi lên chùa ở dài hạn) dạy bảo nhau “khi ăn, ngăn ngừa tật tham sân si” khi chúng nhường nhau bánh trái cúng dường…

Chợt thấy, tấm thân chưa già này… hơi nhục.

Giác ngộ không bằng một đứa con nít!

Huynh đệ bỗng dưng bừng tỉnh cơn mê, tu tinh tấn, lao tác siêng năng, đi lại nói năng đáng dáng oai nghiêm Phật tử.

Sư huynh doanh nhân được giao tưới nước, quét sân khu đại điện. Tiểu đệ (vốn ngày đầu phàm ăn tục uống) thì làm bếp nhặt rau. Được quý cô trợ duyên nên bỏ được tật lên núi hút thuốc lá vặt. Anh em tứ phương tám hướng không hẹn mà gặp, không nhắc mà làm, an cần, từ tốn, tự làm cho cái tâm nó trong, cho cái thân nó tịnh tại.

Sống không 3G. Kinh Phật đọc thay báo mạng.

Có phải như vậy là hồi hướng hay không?

Chúng tôi, xuất thân có căn quản lý, thầy tri khách giao quyền trông coi nhà cư sĩ và tưới cây, ngày ngày xách vòi lên tưới khắp đồi, không thể quên hàng bồ đề mới được trồng, cần cấp nước đầy đủ cho gốc rễ bám bén đất Phật.

Một hôm, máy cẩu xúc đất chạy ngang, làm gãy một thân cây mới trồng. Đã thấy mắt cay cay, báo ngay thầy trưởng vì thấy dấu bánh xe còn hằn lên sát đó.

Khi cái tâm đã biết thương một nhành cây, biết né mà không giẫm lên một ngọn cỏ, thì thầy nói chất Phật, chất trượng phu trong con đã nổi lên rồi…

Nhớ hôm bữa, nhà có việc, thầy tri khách gửi xe cho xuống núi. Xe vốn chở đoàn tiểu tăng ni lên chùa tập tu. Bố mẹ chúng, nào có biết các con giờ giác ngộ, muỗi cắn không dám đập vì sợ sát sinh; bàn chân sưng lên vì tập hành thiền; cổ chân tê buốt vì chịu đựng ngồi thiền… Nhưng mà các con an lạc, thần thái thong dong, tu tinh tấn. Còn bố mẹ các con? Vừa mới đây thôi vào cửa chùa còn sì sụp khấn vái, sám hối tụng kinh, vậy mà vừa bước lên xe, đã tính ngay chuyện ghé đâu, ăn cá nào ngon, ăn ba ba nào ngọt. Hôm nay đi chùa cầu hên, chiều tối về thả con “lô” vài trăm “điểm” thắng thì về nhà nhậu tiếp…

Suốt chuyến xe, chúng tôi chỉ nhớ về hàng bồ đề xa xăm. Lá bồ đề vốn xanh, dáng hình phảng phất như những trái tim nhân hậu. Mình về rồi, ai tưới nước cho bồ đề xanh lá đây. Đi, đã dặn sư đệ ở chùa tưới tắm giùm, cẩn thận, về huynh có quà. Tính cẩn thận nên định “a lô” nhắc lần nữa, chợt nhớ ra điện thoại di động của sư đệ đã bị nhà chùa giữ rồi.

Về tới Hà Nội, chợt thấy xa lạ ghê gớm. Hà Nội rét 14 độ, nhớ cữ thiền đêm phải lên sân thượng cho tĩnh lặng.Khi cái tâm thiện khởi lên, hít vào ta chỉ thấy một màu xanh tươi trẻ, tràn đầy nhựa sống và chất Phật như lá cây bồ đề. Thở ra, ta thấy trút tràn những tham sân si vọng tưởng tội lỗi…

Ngày mai, trên chuyến xe đò đầu tiên Mỹ Đình – Sông Lô sẽ có một hành khách lên sớm để đến thiền viện tưới nước cho hàng bồ đề. Để khi bồ đề xanh lá, gốc rễ bám sâu đất Phật, nguyện tâm ta đã thành, có phải khi đó xuống núi sẽ thấy an lạc hơn không?

Và trở lại trần thế, như lời cư sĩ doanh nhân ngộ, làm cái gì khi tâm mình đã trong, đã tịnh, đều dễ bề thành công. Cái phước đã bòn, đã tích cóp được thì ráng mà giữ.

Để khi lòng trần có nổi tham sân si, nhớ tìm hàng bồ đề xưa xa vắng, cửa chùa khi đó mới thật sự mở ra cho ai đó thành tâm hướng về…

(Theo SaigonTimes)



Có phản hồi đến “Vào Chùa Thanh Lọc Trần Duyên”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com