Núi Trà Sư nằm ở trung tâm thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, núi có độ cao 146m, chu vi khoảng 1.500m là một trong những điểm hấp dẫn du khách khi đến An Giang.

Về nguồn gốc tên núi đến nay vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau. Có người cho rằng núi này ngày xưa gọi là Tà Sư vì có nhiều đạo sĩ, cũng có người nói trước đây có vị tu sĩ tên Trà tu trên núi. Ngày nay, tên núi Trà Sư còn được sử dụng cho khóm Trà Sư (TT. Nhà Bàng), kinh Trà Sư (xã Nhơn Hưng), rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo).

Núi Trà Sư là một điểm du lịch tâm linh, hiện nay có nhiều chùa chiền, hang động, và những điện thờ, miếu thờ được những người sống trên núi dựng lên. Đường lên núi Trà Sư hiện nay được tráng xi măng thành những nấp thang dễ đi, hằng ngày có đông đảo khách hành hương, khách du lịch lên núi. Vì độ cao không lớn nên khách du lịch sẽ không mất nhiều thời gian để lên núi.



Đến núi Trà Sư, bạn không chỉ có thể ngắm cảnh xinh đẹp vùng núi biên thùy, mà còn tìm được cho mình những giây phút bình yên trong tâm hồn. Dọc đường lên núi có những ngôi chùa cổ nổi tiếng như Hòa Long cổ tự, Năm Căn cổ tự, chùa Bồng Lai, chùa Hòa Sơn… Nhiều am, miếu, điện do nhân dân lập để thờ các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như Cửu Huyền, Bà Chúa xứ, Sơn Thần, Thần Nông, Ông Hổ...

Trên núi có hai hòn đá khổng lồ lăn từ trên đỉnh núi xuống vào năm 1991, một hòn nặng khoảng 1 tấn và hòn kia khoảng 300kg. Hai tảng đá không lăn thẳng xuống dốc mà lăn vòng vào miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ do nhân dân lập. Điều lạ là hòn đá chỉ làm bể vách tường sau lưng miếu rồi đứng yên tại đó. Lên đến đỉnh núi có Sân Tiên rộng lớn và một tảng đá khổng lồ sừng sững giữa trời.

Đối diện với núi là khu tháp Cửu Trùng Đài, được xây dựng đầu thập niên 1970, với mục đích đại đồng tôn giáo. Khu tháp gồm ba tòa tháp theo thứ tự từ thấp đến cao: tháp trệt, tháp 3 tầng và cao nhất và tháp 9 tầng. Các tháp đều được trang trí đẹp mắt, trang nhã, đứng từ trên đỉnh tháp bạn có thể quan sát toàn cảnh thị trấn Nhà Bàng.

Rời núi Trà Sư, chúng ta có thể rẽ sang đường Nguyễn Sinh Sắc đối diện chợ Nhà Bàng để đến chùa Hòa Thạnh - còn gọi là chùa Cây Mít, một ngôi cổ tự nổi tiếng thuộc xã Nhơn Hưng, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khi chùa Tây An (núi Sam) được thành lập, tổ Tiên Giác - Hải Tịnh đến truyền giới pháp cho chư tăng rồi đi giáo hóa các nơi. Đến thôn Nhơn Hòa (nay là Nhơn Hưng) ông lập chùa Hòa Thạnh.

Đầu thế kỷ XX chùa được hòa thượng Viên Minh trụ trì. Từ năm 1921 - 1923, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến đây để hoạt động, truyền bá tinh thần yêu nước. Năm 1925, chùa được trùng tu khang trang với dáng dấp như hiện nay, mái lợp ngói, cột bằng danh mộc.

Chùa Hòa Thạnh hiện nay dài 40 m, ngang 11 m, có lối kiến trúc Phật giáo trang nghiêm, bố cục hài hòa. Mái chùa có nhiều hình tượng điêu khắc độc đáo, tinh tế, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền. Đến nay chùa Hòa Thạnh đã gần 200 năm tuổi nhưng vẫn còn giữ được nét cổ kính. Chùa mang đậm dấu ấn thiên nhiên, dân dã, yên tĩnh, xung quanh là một khu vườn rất rộng, xen lẫn giữa vườn là các điện thờ Phật Di Lặc, điện Phật Thích Ca đản sanh, tháp tổ…

Đặc biệt, trong chùa có rất nhiều pho tượng cổ làm bằng gỗ quý, được chạm khắc lộng lẫy, sống động, rất có giá trị nghệ thuật. Trước chánh điện có hồ sen lớn đã có từ xưa, bên trên có lối đi dẫn đến tượng Quan Âm Bồ Tát giữa hồ.

(Theo Baotintuc)



Có phản hồi đến “Thăm Chùa Trên Núi Trà Sư”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com