VẤN: Con được biết xá lợi là vô cùng thiêng liêng và mầu nhiệm cùng năng lực bất khả tư nghì. Con đọc kinh sách cho biết xá lợi đi đến đâu là mang lại điều an lạc, thịnh vượng đến đó và xá lợi là rất quý. Nhưng hiện nay con thấy đâu đâu cũng có xá lợi, cứ xoay qua xoay lại là nghe tin một người nào đó đã được vãng sanh, thiêu tro cốt lại có xá lợi, hay là tu hành bệnh tật thế nào rồi thiêu hóa cũng có xá lợi nhiều màu rất đẹp. Con cũng được tặng xá lợi và thờ ở nhà. Con phân vân có phải năng lực của xá lợi là vô cùng lớn như kinh sách nói không? Làm thế nào để biết đâu là xá lợi thật, đâu là xá lợi giả? Nếu thờ xá lợi trong nhà hay giữ xá lợi làm mất có bị mang tội hay không? Xá lợi phải bỏ trong tháp hay nên trang trí sắp đặt thờ ở đâu là đúng nhất? Vì sao xá lợi có thể nhân đôi sinh ra nhiều xá lợi khác? Ai mới đủ khả năng để thờ và lưu giữ xá lợi ở nhà? Xá lợi có giúp trừ tà ma không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I .

Xưa nay người Phật tử chúng ta thường nghe noi đến hai chữ Xá Lợi trong chùa, trong tịnh xá, nhất là các chùa Phật giáo Nguyên Thủy thuộc Nam tông Phật giáo. Người Phật tử Phật giáo Bắc tông ít nghe qua từ ngữ nầy. Điều nầy cũng đúng thôi, vì Phật giáo Nam tông giữ gìn những gì thuộc di sản văn hóa của Phật giáo xưa. Quan điểm của Phật giáo Nam tông, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là Đức Phật thật trong cuộc đời, ngài có các lịch trình tu chứng, đắc đạo, hành đạo cho đến khi niết bàn, chư đệ tử đem hỏa thiêu còn tồn lại những tro tàn, xương cốt gọi là Xá Lợi.

Xuất xứ ý nghĩa Xá Lợi

Trước nhất chúng ta bàn về ý nghĩa hai chữ Xá Lợi (Saririkadhâtu, cũng gọi Sirìra), Xá Lợi hay Xá Lỵ nghĩa đen là tử thi, di cốt, nghĩa bóng chỉ thân , thân cốt, di thân, nghĩa trắng là tro tàn, thông thường chi di cốt của Đức Phật, về sau từ ngữ này còn chỉ những tro tàn, mảnh xương của các vị cao tăng sau khi hỏa thiêu...

Theo Phật Quang đại từ điển, Đài Bắc, Tử Di biên soạn, Phật Quang Sơn xuất bàn 1989 thì Xá Lợi còn có nghĩa là di cốt: dịch ý là thể, thân, thân cốt, di thân. Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốt hay Phật xá lợi. Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại.

Phẩm “Xả Thân” trong kinh Kim Quang Minh quyển 4 (Đại Chánh Tạng 16, trang 354, quyển thượng) ghi: “Xá Lợi là thành quả của sự tu hành giới định tuệ, giữ giới trong sạch, không dễ gì có được, đó là phước điền tối thượng”. Là một công trình tu chứng của chính Đức Phật Bổn sư Thích Ca, suốt hành trình 49 năm cô đọng tinh thần từ bi thương chúng sanh, dùng trí tuệ siêu xuất mà cứu vớt muôn loài không tiếc thân mạng và thành tựu đại nguyện từ vô lượng kiếp trước cho đến hôm nay.

Xá Lợi là những phần thiêng liêng cao quý của Đức Phật, mà Đức Phật đó là Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta tôn kính và đảnh lễ xin tôn kính đó dành cho Đức Phật Thích Ca và các bậc thánh tăng, cao tăng đệ tử của Phật tu đắc đạo thị tịch.. Xá lợi là phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) nhục thân của Đức Phật và các vị thánh tăng cao tăng. Đối với người thường, sau khi thiêu xác, chỉ còn tro và phần xương cháy chưa rã có gọi là Xá Lợi để được đảnh lễ hay không xin nhường cho các tu sĩ nhà Phật, các bậc thiền gia chân chánh và những người con Phật phân định.

Xá Lợi tại các quốc gia Phật giáo tiêu biểu

Phật giáo đến các Vương Quốc Srikanca, Myamar, Tháiland, Lào theo Nam Tông, đến Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam và cận đại thuộc Bắc Tông có những vị Thánh Tăng và các vị Đạo Sư đắc đạo, viên tịch sau khi làm lễ trà tỳ, đệ tử cũng thâu được nhiều Xá Lợi. Tất cả những đồ dùng là di tích của Phật và các vị Thánh Tăng như y, bình bát, tích trượng, v.v. đều gọi là Xá Lợi.

Tại Việt Nam, Hòa Thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), Trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Saigon và Long Khánh tự, xã Long Khánh, quận Cai Lậy tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang đã tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt Saigon, nay là Tp.Hồ Chí Minh, để bào vệ Phật giáo bị chánh quyền chế độ cũ đàn áp, không cho Tăng Ni tu hành, bắt bớ tù đày, không cho treo cờ Phật giáo, tổ chức đại lễ Phật đản lộ thiên và cầu nguyện thế giới hòa bình, cầu đất nước Việt Nam chấm dứt chiến tranh ngày 11/6/1963. Sau khi thiêu hóa nhiều công xuất điện trái tim của ngài vẫn không cháy, Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, chư Tăng Ni, đồng bào Phật giáo bấy giờ gọi trái tim của Hòa Thượng Thích Quảng Đức là “trái tim bất diệt”.

Tại Myanmar, người ta còn thờ tóc và móng tay của Đức Phật khi Ngài còn tại thế đã cắt cho hai vị đệ tử tại gia đầu tiên. Trong kinh tạng Pali thường đề cập đến Xá Lợi Xương, Xá Lợi Răng và Ngọc Xá Lợi.

Ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) thuộc xứ Tân Cương, nhà dịch thuật lỗi lạc Trung Quốc, thời Dao Tần ngài học kinh A Hàm tai Kashmir, được phong làm Quốc sư cho nhà Dao Tần về sau dịch tam tạng thành điển từ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Khi viên tịch, các môn đệ đem thiêu hóa còn tồn tai cái lưỡi đỏ như sen hồng. (Tiểu sư Cưu Ma La Thập - Thư viện Hoa Sen)

Năm Dân Quốc thứ hai mươi chín, Đại sư Ấn Quang biết mình sắp viên tịch, ngày 24 tháng 10, Ngài triệu tập chư Tăng Ni và Cư sĩ về chùa Linh Nham. Trong buổi họp mặt suy cử Hòa thượng Diệu Chơn kế nhiệm Trụ trì, dặn dò các việc mai sau, và bảo: "Pháp môn niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ. Chỉ cần khẩn thiết chí thành, thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn". Qua ngày mùng 4 tháng 11, Đại sư cảm bệnh nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: "Phật A Di Đà đã đến tiếp dẫn, tôi sắp đi đây. Đại chúng phải tin nguyện niệm Phật cầu về Tây Phương!". Nói đoạn, bước lại ghế ngồi kiết già, chấp tay trì danh theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi viên tịch. Lúc ấy, Đại sư 60 hạ lạp, thế thọ 80 tuổi. Rằm tháng hai năm sau, nhằm ngày Phật nhập Niết Bàn, cũng vừa đúng kỳ Đại sư vãng sanh được một trăm ngày. Hàng đạo tục các nơi hội về Linh Nham trên hai mươi ngàn người, sắp đặt lễ trà tỳ. Lúc ấy bầu trời hốt nhiên sáng tạnh trong trẻo. Khi Chân Đạt hòa thượng cầm đuốc cử hỏa, khói bay lên trắng như tuyết, hiện ra ánh sáng năm sắc. Hôm sau Diệu Chơn Hòa Thượng cùng đại chúng đến nơi khám nghiệm, thấy xá lợi hiện ra nhiều hình dáng, đủ các màu, có thứ gồm ngũ sắc, gõ vào phát ra âm thanh trong trẻo.

Xá Lợi thường được gọi là Ngọc Xá Lợi là phần tủy kết tinh trở lại thành những viên có hình thể hơi tròn và cứng, lớn nhỏ khác nhau. Viên lớn như hột đậu hột bắp; viên nhỏ như hột gạo hột mè., nhỏ nữa như hột cải. Xá Lợi có nhiều màu sắc và sáng đục khác nhau. Thông thường Xá Lợi có màu trắng, đỏ, hồng, xanh và vàng, có loại trong như thủy tinh, có loại trắng ngà như hột gạo, có loại phát ra ánh sáng nhẹ nhàng như pha lê, cũng có loại màu sáng nhuận như san hô. Ngọc Xá Lợi là thành quả của công phu tu hành giữ gìn giới luật và công năng tu tập thiền quán cao thâm của Đức Phật. Ngoài ra còn có Xá Lợi của các bậc cao tăng tu hành dày công với Phật pháp chứng nghiệm vãng sanh, chắc chắn rất nhiều trong thế giới Phật Pháp.

Chùa Linh Quang, Bà Chiểu, Gia Định, có tháp Xá Lợi Đại sư Huệ Nhựt, thế danh Hồ Cang, tự Hồ Chí Thạnh (1903-1950), Tăng Trưởng Đạo Phật Khất sĩ Đại thừa, ngài đã bị một số phần tử sát hại, viên tịch vào năm 1950, thời kỳ chiến tranh Việt Pháp sắp chấm dứt. Khi hỏa thiêu xương cốt còn nguyên vẹn, được tôn trí thờ phượng tại Pháp Tháp. Mỗi năm đến ngày cúng Tổ, Hòa Thượng Trụ trì Thích Phổ Thượng đem Xá Lợi Tổ sư cho mọi người chiêm ngưỡng. Tôi kể từ khi xuống núi năm 1965 có tạm trú chùa Linh Quang tu học, đi học tai Phân khoa Đại học Vạn Hạnh -Thánh đường Cơ Đốc Phục Lâm, ngã tu Phú Nhuận - Võ Di Nguy, nhưng chỉ một năm, sau đó về cư trú tại Việt Nam Quốc Tự tiếp tục đi học cho đến khi về tại Quan Âm tu viện, năm 1968.

Năm 1969, Tôi (Thích Giác Quang) có đến thăm Bạn đạo là Sư Trị sự Giáo đoàn V, Thượng Tọa Thích Giác Hà, tu chung một cốc tịnh, tại núi Bồng Lai (hiện nay là Hòa Thượng Trưởng Giáo đoàn V) thuộc Giáo hội Tăng già Khất sĩ tại Trung tâm Phú Lâm-Saigon được Thượng Tọa cho chiêm ngưỡng Xá Lợi của Đức Thấy Giác Lý, Trưởng Giáo đoàn V đã viên tịch. Trong cuộc đời tu của Tôi, đây là lần thứ hai Tôi được chiêm ngưỡng Xá Lợi các bậc Cao tăng viên tịch

Tại Hà Nội, huyện Thường Tín, xã Nguyễn Trãi, thôn Gia Phúc có chùa Đậu, thờ Bà Đậu (602-939), tức nữ thần Pháp Vũ, là một trong tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Lôi). Vào thề kỷ 17 Thiền sư Vũ Khắc Minh và Thiền sư Vũ Khắc Trường là hai chú cháu xuất gia tu hành đắc đạo, để lại toàn thân xá lợi, thân không có chôn cất, đốt không cháy, ngâm trong nước không tan. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kỹ thuật truyền thống như: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 sau trận lụt lớn.. Tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc. Đây là tượng Xá Lợi toàn thân của người Việt Nam tu đắc đạo được bảo quản tôn thờ (Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường - Bách khoa toàn thư mở)

Theo Phật giáo Trung Quốc ghi chép có rất nhiều vị Cao tăng tu đắc đạo, khi viên tịch đem hỏa thiêu có Xá Lợi. Nay xin liệt kê một số chư vị Tổ sư, các bậc long tượng trong chốn nhà thiền tiêu biểu như Đức Lục Tổ Huệ Năng (638-713), ngài Hám Sơn-Đức Thanh (1546-1623) có toàn thân Xá Lợi (Pháp sư Thích Khoan Năng trụ trì tại am Tây Sơn Tiển Trạch, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc viên tịch tối 29/9/1989 (thọ 93 tuổi). Sau khi hoả táng được hơn 1.000 viên xá lợi màu xanh ngọc. Đây là nữ pháp sư đầu tiên sau khi hoả táng có xá lợi. Sau đó còn có hai ni sư là Thông Hiền, Phó Chủ tịch hội Phật giáo Quảng Tây (hoả táng di hài thu được hơn 11.000 viên xá lợi năm màu) và ni sư Thích nữ Hựu Quỳnh, tỉnh Quảng Đông (sau khi hoả táng phát hiện những viên xá lợi to bằng hạt đậu xanh có màu ngọc nhạt, lấp lánh).

Chư kinh nói đến các loại xá lợi

Căn cứ vào kinh Đại Bát Niết Bàn và kinh Đại Chánh Tạng 16, trang 354, quyển thượng thì Xá Lợi là phần tro cốt của Phật và các vị Cao Tăng, theo Sư thì kinh khẳng định các bậc thánh tăng cao tăng có Xá Lợi. Đến thời kỳ sau Phật nhập diệt 200 năm, tức là năm 324 trước công nguyên nhà vua A Dục gom hết Xá Lợi của tám nước, gồm có các nước Ma Kiệt Đà, nước Tỳ xá ly, nước Ca tỳ la vệ, nước Allakappa, nước Ràmagàma, nước Vethadipa, nước Pàvà, nước Kusinàrà, nước Pipphalivana chia thành 84.000 phần đựng trong 84.000 tháp ban bố khắp cả đất nước Ấn Độ thống nhất để thờ phượng

Theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 4 chia Xá Lợi làm ba loại, như: Xá Lợi xương (màu trắng), Xá Lợi tóc (màu đen) và Xá Lợi thịt (màu đỏ) (trích bài Xá Lợi của Đức Phật - Hòa Thượng Thích Phước Sơn - PL 2546)

Theo quan điểm của Liên tông Tịnh độ Non bồng thì chư kinh nhận định chỉ có “Đức Phật” và những vị “cao tăng thời Phật”, những vị tu “chứng đạo” dù ở quả vị thứ bậc giới pháp nào khi làm lễ trà tỳ còn tồn tại những hột màu trắng, màu pha lê, màu ngũ sắc, hoặc nhiều màu khác nhau thì gọi là Xá Lợi. Mặc khác, tam tạng thánh điển, giới luật của Phật tồn tại trong nhơn gian cũng gọi là Xá Lợi và luôn được tôn kính đảnh lễ. Như vậy ở thời mạt pháp kim thân Đức Phật đã qua, chư Tổ sư đã về với vị thứ của mình, còn lại những vị tu hành thâm niên, đạo hạnh nghiêm túc, khi trà tỳ cũng khó có Xá Lợi, huống gì người phàm phu, tu không đến đâu, nay thầy nầy mai thầy khác, phạm giới lung tung đến khi già, hốt hoảng trước những nghiệp chướng dẫy đầy, sợ không siêu thoát, ngồi niệm câu Phật hiệu liên miên, trông chờ sau khi trút hơi thở cuối cùng, nhờ chư liên hữu cầu nguyện hỏa thiêu cho có Xá Lợi! Xem Xá Lợi như người làm công, một phương tiện đỡ nâng, không nên vậy!

Đã tu hành cầu mong giải thoát mà cứ ngồi trông chờ “bỏ thân” đem hỏa thiêu có Xá Lợi”, cho người bái phục mình. Người tu thì lo tu, trông chờ có Xá Lợi để làm gì chứ? Chẳng lẽ để “vinh danh” với đời.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, nói: sau lễ trà tỳ, Xá Lợi của Đức Phật được chia làm tám phần và phân chia cho đại diện của tám nước đem về tại quốc gia họ. Nhưng hơn 200 năm sau đó, khi hoàng đế A Dục thống nhất toàn thể lãnh thổ xứ Ấn và trở thành một vị vua Phật tử hộ đạo, vua A Dục đã gom tất cả Xá Lợi ở tám nơi và chia thành 84,000 phần đựng trong 84.000 tháp báu nhỏ ban bố khắp các nước.

II .

Cung nghinh, cúng dường Xá Lợi Phật

Theo tư liệu lễ hội rước Xá Lợi “Răng Phật” ở Sri Lanka. Theo sử Phật giáo thì Xá Lợi Phật được chia thành 8 phần được cất giữ ở tám nơi khác nhau: một là Cung Trời Đạo Lợi - Hai là Sri Lanka (xá lợi Răng) - Ba là xứ Ga Đà Ra - Bốn là Thủy cung - Năm là vua Trời Phạm Thiên - Xương Đầu Xá Lợi - Hai xương cổ và 4 chiếc răng Xá Lợi., trong đó có một chiếc đem cúng dường tại Sri Lanka, mỗi năm tổ chức lễ rước từ ngày mùng 01 đến ngày 12 tháng 4 là ngày quốc lễ Răng Phật Xá Lợi.

Sư Anando cúng dường Xá Lợi

Năm 1969, Sư ANando, là Bạn thân thích của Hòa Thượng Thích Giác Quang, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Nguyện Thủy Việt Nam về cầu pháp tu hành với Đức Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý. Sau đó Sư đi du học ở Srilanca có thỉnh hai viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật, khi học xong Sư đem về cúng dường cho Đức Tôn Sư và Ni Trường Thích nữ Huệ Giác, hiện nay đang tốn trí thờ phương tại tịnh thất Bảo Tạng. Ngọc Xá Lợi nầy màu vàng ánh, nhỏ như hat cải, Tôi (Thích Giác Quang) có nhơn duyên được giữ gìn ngọc Xá Lợi từ năm 1969 đến năm 1986. Mỗi lần đến đại lễ Phật đản Tôi xin phép Thầy Tổ được đem ra chiêm ngưỡng đảnh lễ Xá Lợi. Hai viên ngọc Xá Lợi nầy khi thả vào nước mưa (hứng giữa trời), thì nổi trên mặt nước và lúc nào cũng lung linh theo sự chuyển động của nước trong bát. Đấy là lần đầu tiên Tôi được tôn thờ, giữ gìn, đảnh lễ Xá Lợi Đức Phật. Ngọc Xá Lợi đó hiện nay vẫn được tôn thờ tại tịnh thất Bảo Tạng.

Cung nghinh Xá Lợi

Ngày 19 tháng sáu năm 2006 lễ vía Đưc Bồ Tát Quan Âm thành đạo, vào lúc 5 giớ sáng, Hòa Thượng Giác Quang được thông tin hôm nay có lễ rước Xá Lợi từ Tp.Hồ Chí Minh và tại Quan Âm tu viện, Trưởng đoàn là Cô Thanh Trúc. Hòa Thượng liền mời Sư Thiện Thanh và nhờ Sư điều hành việc chuẩn bị hương, đăng, hoa quả, thiết lập bàn hương án ngày giữa đường cách phòng Hòa Thượng Giác Quang 10 mét, có sắm cả khay lễ, trong đó chứa đựng lò trầm hương đốt, hương trầm tỏa quyện lấy cả không gian tươi đẹp của buổi bình minh, bên kia chân trời vầng hồng ló dạng, đem lại một sức sống mãnh liệt trong mỗi tâm hồn của Tăng Ni, Phật tử sắp cung nghinh Xá Lợi Đức Phật.

5 giớ 45, đoàn xe đến đọan đường gần núi Châu Thới, chỉ còn 2 km nữa là tới dịa điểm cung nghinh Xá Lợi. 300 chư Tăng Ni, Phật tử bước vào hàng ngũ, đứng trang nghiêm, tất cả đều chắp tạy. Xe đã đến trước nhất Hòa Thượng Giác Quang đến chào quý vị Trưởng đoàn, quý vị nam nữ Phật tử, những Phật tử tín tâm và nhiệt quyết phát tâm cúng dường Xá Lợi, đưa Xa Lợi về tôn thờ tại Quan Âm tu viện. Đoàn do Sư cô Thích nữ Diệu Minh, Trụ trì tịnh thất Bửu Minh cố vấn hướng dẫn, người phát tâm cúng Xá Lợi đầu tiên về tại Quan Âm tu viện là Cô Thanh Trúc, một đệ tử của Phật giáo Nam tông. Quý Sư không ngờ Xá Lợi rất nhiều, tất cả đều được để trong Tháp nhỏ, mỗi tháp cao 10 cm, số lượng Xá Lợi lên đến hằng trăm tháp. Xá Lợi được đặt trong mâm, đựng trong tháp pha lê lớn, tháp nhỏ...Tôi là người đầu tiên bưng một khay lễ Xá Lợi, đi trước tôi là quý Sư Thiện Thanh đánh chuông. Tiếp đến Thượng Tọa Vạn Hùng bưng khay lễ, đến tôi bưng khay lễ Xá Lợi, những bước chân đi từ từ theo thứ tự, quý Thượng Tọa, Ni Sư, chư Tăng, Ni Quan Âm tu viện, Sư cô Diệu Minh, Cô Thanh Trúc và gia đình, Cư sĩ Thiện Lộc cùng quý nam nữ Phật tử tháp tùng theo đoàn...tất cả đều bước đi thật chậm trên lộ trình 200 mét từ bàn hương án cung rước Xá Lợi đến nơi điện thờ Đức Tôn Sư, cũng là nơi tôn trí Xá Lợi để an vị. Đường đi được trải bằng thảm vải vàng thật oai nghiêm và lắng đọng vô cùng, hòa với tiếng niệm Phật: “Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ Tát Ma ha tát”, trong đó còn lồng lộng những đóa hoa tươi, tung rải khắp nẻo đường, hoa sen hồng, sen trắng, những đóa hoa hồng, hoa hồng trắng, hoa lài, hoa giầy ngũ sắc tung bay lên trời xanh và từ từ lung linh trong gió, hòa với những tâm hồn vô tư nhất của chư Tăng Ni lớn tuổi, trẻ tuổi, ấu niên xuất gia chắp tay đón mừng những tháp Xá Lợi. “Xá Lợi niềm tin” mang nhiều dấu ấn kỷ niệm từ ngàn xưa tại rừng Ta la song thọ, thành Câu Thi Na nơi mà Đức Thế Tôn dù đã nhập diệt nhưng Ngài đã làm cho chúng nhân đệ tử một ân huệ hy hữu trong thế gian.

Đúng 7 giờ, lễ an vị Xá Lợi được cử hành, Hòa Thượng Giác Quang cùng chư giáo phẩm Tăng Ni vân tập trước điện thờ Đức Tôn Sư, với bài kỳ nguyện, cung nghinh Xá Lợi, an vị Xá Lợi, đảnh lễ Xá Lợi, Tôn thờ Xá Lợi...đem công đức nầy cầu phước trí nhi nghiêm thân thanh tịnh đại hải chúng, cầu nguyện chư Tăng Ni an lạc, tinh tấn tu hành, thế giới hòa bính nhân dân an cư lạc nghiệp....

Phật tử từ Bình Dương và Tp.Hồ Chí Minh

Các Tháp Xá Lợi đó hôm nay được tôn thờ tại chánh điện Phân hiệu Ni, thật trang nghiêm trong sáng như thời vàng son Đức Phật sanh tiền. Từ năm 2005 đến nay rất nhiều đoàn cúng đường Xá Lợi về Quan Âm tu viện, như Đoàn Thượng Tọa Thích Thiện Hỷ, Trụ trì Nhứt Nguyên bửu tự, Thượng Tọa Thích Minh Luận, Trụ trì chùa Linh Quang, Bàu Sen, Long Điền, Đoàn Sư cô Bửu Liên, Tp.Hồ Chí Minh,, Đoàn Cư sĩ Tâm Tịnh Nguyễn Thị Ngọc Sương, Đoàn Cư sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hường, pháp danh Tâm Huệ, Đoàn cô Lê Tú Lan, pháp danh Ngọc Hoa Giám đốc Cty Vũ Kiều (Bình Dương), Đoàn Cô Đang và gia đình Đoàn Cô Diệu Thanh-Thiện Hạnh (Tp.Hồ Chí Minh), Đoàn gia đình Phật tử Diệu Ngọc (Cô Bảy Kim, huyện Dầu Tiếng) các vị đã thỉnh Xá Lợi từ các nước Ấn Độ, Srilanca, Myamar, Thailand cúng dường.

Thờ Đất Thiêng tại Quan Âm tu viện

Về “đất thiêng”, ngoài đất thiêng của Sư Anando cúng dường, còn có đất thiêng của bốn nơi động tâm, như nơi Phật giáng sanh, nơi Phật xuất gia, nơi Phật thành đạo, nơi Phật nhập niết bàn do Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác trực tiếp thỉnh tại Ấn Độ đem về Việt Nam tôn thờ từ năm 2006 đến nay. Tại tịnh thất Bảo Tạng -Quan Âm tu viện còn có di cốt của Đức Pháp chủ Thích Khánh Anh, thượng thủ Giáo hội Tăng Già Nam Việt, tóc của Đức Sư Ông Thích Bửu Đức, răng, tóc, móng của Đức Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý. (theo tư liệu HT Thích Giác Quang - Quan Âm tu viện ngày 20/8/2017)

Xây điện thờ Xá Lợi

Theo thông tin từ Sư cô Diệu Minh thì Phật tử Thanh Trúc sẽ phát tâm xây dựng Trung Tâm phượng thờ Xá Lợi trên phần đất của gia đình tại ngã ba Dầu Giây, nơi đây sẽ tôn trí thờ Xá Lợi răng, ngọc Xá Lợi Đức Phật, Xá Lợi các vị thánh tăng, các vị cao tăng đã được khai quật tại Ấn Độ

Phật giáo Việt Nam là nơi Phật tử hướng vê tôn thờ, cúng dường Xá Lợi đông nhất nhì thế giới, là do nhiều nguyên nhân: - Một là chúng sanh trong thế giới ta bà có nhân duyên với Đức Phật và một lòng khát ngưỡng ai cầu Phật Pháp. - Hai là theo môi trường tín ngưỡng Phật Pháp nơi xứ sở Phật thị hiện, thế giới đó con người mang thân tứ đại sanh diệt, có tín tâm, có nghi ngờ, có khổ đau, có vui buồn, có hạnh phúc, có nghèo nàn, thuận lợi cho chúng sanh nơi ấy khởi niềm tin tưởng mà hướng về giáo pháp Đức Phật - Ba là giới pháp của ba đời chư Phật sẽ được truyền trao cho chúng sanh và chúng sanh đều phát tâm thọ học - Bốn là khi cung nghinh tôn thờ Xá Lợi các gia đình Phật tử gặp nhiều thuận lợi, gia đình ngày càng sung túc, phát triển Cty ăn nên làm ra, thân tâm an lạc, được từ lực Phật gia hộ tinh tấn tu hành trường chay niệm Phật. với các nguyên nhân nầy nên các vị phát tâm tôn thờ.

Ứng hóa thân Phật

Phật có tam thân, một là pháp thân, hai là báo thân, ba là ứng hóa sanh thân. Ứng hóa thân là thân thị hiện vào cuộc đời độ sanh, như thân Phật Thích Ca Mâu Ni Phật, có mang thân tứ đại, sau khi nhập diệt thiêu hóa có Xá Lợi, nên gọi Xá Lợi Phật. Xá Lợi Phật cũng là ứng thân Phật. Theo từ điển Phật học của Cụ Đoàn Trung Còn, trang 1476, nói về Xá Lợi như sau: Xá Lợi là tro tàn, thân cốt Phật và các vị thánh tăng “bạch nghiệp”, những bậc chân tu đã quá vãng. Hồi Đức Phật Thích Ca 84 tuổi, Ngài thị tịch gần thành Câu Thi Na, chư đệ tử vừa xúc động vừa đem kim thân Ngài lên giàn hỏa mà trà tỳ theo truyến thống của ba đời chư Phật, tro tàn của Ngài thành ra từng viên đẹp đẽ và chiếu sáng như ngọc, nên kêu là Xá Lợi.

Có hai loại Xá Lợi: Một là “toàn thân Xá Lợi”: như Đức Phật Đa Bảo đã tịch, nhưng Xá Lợi của Ngài là toàn thân thể của Ngài vẫn ngồi kiết già trong Bào tháp. Trong các đời sau hễ có vị Phật nào giáng sanh giảng kinh Pháp Hoa thì toàn thân Xá Lợi ấy xuất hiện mà nghe kinh vừa hộ trì chánh pháp. Hai là “toái thân Xá Lợi”, do người tu tụng kinh niệm Phật, tụng chú lực của Phật có công đức, nên Xá Lợi mỗi ngày thêm nhiều (nát ra) như Xá Lợi Phật Thích Ca thờ trong các chùa Tháp, thánh điện trên thế giới.

Xá Lợi có hai đẳng bậc đặc biệt trong quá trình Phật thị hiện độ sanh: Một là Sanh thân Xá Lợi: tức là “toàn thân Xá Lợi” và “toái thân Xá Lợi” chính Phật dùng cái sanh thân mà tu hành giới định tuệ, thành Phật, rồi tịch diệt để lại Xá Lợi. Chư thiên và loài người những ai cúng dường Xá Lợi ấy sẽ được phước đức lớn, ảnh hưởng đến cầu cho cửu huyền thất tổ siêu sanh lạc quốc thượng phẩm, ông bà cha mẹ tại tiền nương công đức nầy biết hướng về giáo pháp của Phật tu hành, gia đình hạnh phúc an vui. Hai là Pháp thân Xá Lợi, tức là các kinh điển đại thừa và tiểu thừa, giúp cho chúng sanh tu hành giải thoát khổ đau, ra khỏi những phiền não của kiếp trầm luân chúng sanh

Ngoài ra còn có Xá Lợi Phật được cung nghinh đến đâu thì con người trên thế giới được gội nhuần lòng từ bi của Đức Phật thường đem lại nền “hòa bình thế giới” đến đó. Trong những vùng biên giới giữa Myamar và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, được giao hảo và hòa bình bởi cuộc lễ rước Xá Lợi răng Phật, Xá Lợi Phật, giữa hai nhà nước với nhau,, Xá Lợi được cung đón bởi sự tín tâm của con người dù có tín ngưỡng Phật hay không tín ngưỡng họ vẫn hòa mình vào dòng thác con người cùng nhau kênh kệu rước Xá Lợi Đức Phật, những gì liên quan đến kim thân và cuộc đời Đức Phật. Như một cuộc rước Xá Lợi tại Myamar tại đế đô Rangoon vào năm 1959 có cả 10.000 người tham gia cung nghinh (sách Du lịch xứ Phật - tác giả Đoàn Trung Còn)

Vì các lẽ ấy nên hiện nay Phật tử Việt Nam và các dân tộc Á Châu, các quốc gia từ Đông bán cầu đến Tây bán cầu, trừ các tôn giáo khác đều tín ngưỡng Xá Lợi, cúng dường Xá Lợi, chiêm ngưỡng Xá Lợi, đảnh lễ Xá Lợi, phượng thờ Xá Lợi.

III .

Các thành phần Xá Lợi

Căn cứ vào kinh “Dục Tượng công đức” (đời nhà Đường xứ Thiên Trúc, ngày Tam Tạng Bảo Tư Duy dịch Phạn ra Hán, Quảng Minh dịch Hán ra Việt) và sách “Pháp uyển châu lâm”,(do Pháp sư Đạo Thể, tự Huyền Uẩn biên sọan vào đời nhà Đường,TT Thích Nguyên Chơn biên dịch, NXB Phương Đông ấn hành) chúng ta có thể nhận biết Xá Lợi là phần thiêng liêng cao quý của Đức Phật, chư vị Thánh tăng, Cao tăng, Giáo chủ các giáo phái, những bậc làm Thầy Tổ, các bậc thiền gia chân chánh, giữ giới tinh nghiêm trở lên khi niết bàn, thị tịch, viên tịch mới được công nhận là Xá Lợi.

Những thành phần gọi Xá Lợi:

· Tro cốt sau khi trà tỳ Đức Phật

· Răng, tóc, móng, máu của Đức Phật sau khi trà tỳ còn tồn đọng

· Tro cốt của chư vị Thánh tăng, Cao tăng, Thầy Tổ, Tăng chủ các giáo phái

· Mùng, mền, kiến, vật dụng của các bậc Cao tăng

Phật tử qua đời hỏa thiêu có Xá Lợi?

Với danh từ Phật học các Bạn được xưng danh là Cư sĩ Phật tử cũng là con của Phật, nhưng thuộc vào hàng Cư sĩ, do gia duyên bận buộc nên mức độ tu chứng có chừng mực. Vả lại trong quá trình tu hành cũng không ai nghĩ mình có Xá Lợi làm gì, cũng không Cư sĩ Phật tử nào xưng hô mình hỏa thiêu có Xá Lợi. Tất cả những gì cao quý, được tôn vinh, mọi người tôn kính chắc chắn Phật tử sẽ phát nguyện dành cho Đức Phật và Thầy Tổ (Cao tăng) của mình. Dù người Phật tử qua đời thiêu hóa có Xá Lợi thật đi nữa thì cũng không xưng hô mình là thánh tăng, cao tăng phải không quý vị?

Nếu người Phật tử tu hành chính chắn, có đạo hạnh thì khi thiêu hóa cũng có Xá Lợi như các bậc Thành tăng và nhà Phật vẫn trân quý và tôn thờ Xá Lợi đó theo giới hạnh Cư sĩ. Các vị Cư sĩ đó là những người con Phật bảo hộ Phật Pháp khiến cho chánh pháp tồn tại lâu trong đời. Tuy nhiên đối với Phật tử lúc lâm chung, cần áp dụng những từ ngữ cho đúng, như: :“Phật tử qua đời”, “Phật tử quy tây”, “Phật tử đi về” thì được; không nên nói Phật tử “thị tịch”, Phật tử “Niết bàn”, hay “viên tịch”,nhưng cũng có thể dùng từ “Xá Lợi” áp dụng cho Phật tử.

Chúng ta cũng có thể tháo gỡ một phần để cho thấy từ ngữ “Xá Lợi” cũng áp dụng cho Phật tử khi lâm chung. Trên lộ trình tu chứng, căn cứ kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa:” Đức Phật dạy ông Tu Bồ Đề: ”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tường tức kiến Như Lai...”nghĩa là: Nầy Ông Tu Bồ Đề, trong thế gian tất cả các tướng đều là hư vọng, Ông nhìn thấy các tướng chẳng phải tướng, mới thấy được Phật. Thật vậy, theo Phật giáo đại thừa thì các tướng nam, tướng nữ, tướng xuất gia, tường tại gia, tướng Phật, tướng chúng sanh...đều là giả tướng, phi tướng, tức là “không có tướng”, cũng là “không tướng”, tướng “không tướng” tức là tướng thanh tịnh. Người tu đắc đạo, đạt lý “không tướng” tức là đạt đến quá trình tu chứng “tự tánh không”, các tướng đều đồng đẳng, không cao thấp . Như vậy người con Phật xuất gia hay tại gia khi xả báo thân, hỏa thiêu có Xá Lợi thì Xá Lợi đó cũng đều là Xá Lợi được tôn thờ.

Nói vậy thôi, chứ chúng ta không nên bàn việc phượng thờ Xá Lợi lên thành cao trào. Trên thế gian việc nào mà đã lên đến cao trào thì chắc chắn có lúc cũng phải bị tuột dốc thấp thỏm đến mức tồi tệ. Vì cao trào sẽ đưa đến chỗ hình thức phức tạp, Xá Lợi do con người tạo có nhiều hơn Xá Lợi thật, Xá Lợi không còn chân thật, xứng đáng chỗ thật tu thật chứng nữa. Vô tình chúng ta đưa Phật Pháp vào vùng trũng “hào hoa hư ngụy” không còn chỗ dừng trong lòng người Phật tử chân chánh.

Công đức thờ cúng Xá Lợi

Phật giáo Việt Nam, nhất là các chùa Nam tông Phật giáo, một ít chùa Bắc tông, các nhà Sư, Phật tử Việt Nam tôn thờ cung nghinh Xá Lợi rất nhiều và rất tôn kính. Tuy nhiên cũng có những người thờ Xá Lợi mà không tròn tâm tròn ý, xao lãng việc Phật, xem Xá Lợi như món quà tinh thần, thì phải mất Xá Lợi thôi. Có những vị vì quá tín ngưỡng, để Xá Lợi trong ống vàng 9999, ống bạc, ống mica đeo Xá Lợi lên cổ, tin tưởng Xá Lợi sẽ gia hộ cho hết bệnh, tai qua nan khỏi, sanh mệnh an khang, Xá Lợi gia hộ cho khỏi bị sa đọa địa ngục...Có người để Xá Lợi trong ví tiền cho có tiền vào nhiều, để Xá Lợi trong cặp học cho Phật hộ học giỏi một thời gian sau do quên lãng nên đánh mất Xá Lợi, hoặc Xá Lợi nát vụn theo thời gian. Sự tín ngưỡng nầy có phước hữu lậu không có công đức, có công đức nhưng không có tri tuệ, hoặc không có công đức, huống gì nói đến trí tuệ. Làm tăng trưởng nghiệp chướng thế gian che án con đường đi đến Phật Pháp, không có tiêu chuẩn công đức như chiêm ngưỡng Xá Lợi thật. Việc tín ngưỡng Xá Lợi dù là “Xá Lợi thật” hay “Xá Lợi niềm tin” vẫn được sự hộ trì của chư Phật. Người tín ngưỡng Xá Lợi Phật làm việc Phật sự nào cũng thành tựu tốt đẹp, vì những người đó cũng là họ hàng của Phật từ trong vô lượng kiếp. Những gia đình Phật tử phát tâm thờ Xá Lợi, nơi đó phải thờ Phật trang nghiêm như Đạo tràng, sắp xếp phượng thờ ngôi Tam Bảo đơn giản. về người thờ phải phát tâm ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật ít nhất một thời vào buổi tối, tư cách tu hành được tín nhiệm của Bổn sư, Trụ trì cho phép và đến tôn trí an vị giúp cho gia đình an lạc.

Đức Phật là bậc chánh đẳng chánh giác, phước đức vô biên trí tuệ vô cùng tận...Ngài lúc nào cũng được người thế gian tín ngưỡng tôn sùng, bái lạy. Kính thờ Phật đến độ người thế tục in hình Phật vào bao nhang, keo chao..., hoặc cấm kỵ không ai được phép đụng chạm. Đôi khi thấy hình Phật bị bỏ rơi đâu đó, mọi người ai cũng đau lòng và có trách nhiệm là nhặt đem về thiêu hóa trong bồn chậu sạch mới yên lòng. Cũng như nơi thờ Xá Lợi Đức Phật là phải tinh khiết, tôn trí trong tháp báu, đặt lên bàn Phật cho trang nghiêm, kỹ lưỡng kín đáo thì Xá Lợi mới còn với Bạn. không nên đem ra đưa vào nhiều lần cho mọi người chiêm ngưỡng làm phai nhòa hình ảnh Đức Thế Tôn.

Có thể mỗi năm đến ngày đại lễ Phật đản Thầy Trụ trì đem Xá Lợi ra trước bàn thờ Đức Sơ sinh để cho Phật tử đi kinh hành chiêm ngưỡng Xá Lợi. Đến ngày cúng húy kỵ tổ sư khai sơn đem tro tàn của Thầy Tổ cho Phật tử chiêm bái. Mỗi năm làm như vậy là đủ rồi., không nên thờ Xá Lợi lộ thiên, sẽ bị mất vào tay của người xấu, cũng không nên đặt chỗ kín đáo quá Xá Lợi sẽ mất vĩnh viễn, không trở lại với Bạn!

Ỡ Việt Nam, nhất là ở Tp. Hồ Chí Minh, Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có nhiều gia đình Phật tử tín tâm, tuy là tu tại gia nhưng việc tu hành, tu tập thiền tụng như người xuất gia, sống am thất riêng. Rất tín tâm trong việc thờ phượng Xá Lợi, hằng ngày tinh chuyên tụng niệm, phượng thờ Xá Lợi, đảnh lễ Xá Lợi, niệm chú Đại bi, các thần chú linh nghiệm khác, thời gian 7 ngày, 21 ngày, hay 100 ngày. Khi nhơn duyên đã đến, được chiêm ngưỡng Xá Lợi phát sanh, có khi nhân đôi, có khi hình như bể nát, hiện tượng nầy gọi là “toái thân Xá Lợi” (tự điển Phật học - Đoàn Trung Còn), cũng gọi là “Xá Lợi niềm tin”, làm cho người thờ Xá Lợi rất bùi ngùi xúc động và cũng mĩm cười hoan hỷ với sự chứng nghiệm tâm linh.

Phật tại thế thời con ngã trầm luân

Phật nhập diệt con mới được thân người

Tủi phận thân con nhiều tội chướng

Búi ngúi chẵng thấy đặng kim thân

Xá Lợi, kinh Phật là của báu

Theo văn hóa Phật giáo thì Xá Lợi là “Phật bảo”, “Pháp Bảo” của nhà Phật, như một nước có ấn, kiếm của vua là “quốc bảo” của một triều đại vậy, nên phải giữ gìn thật nghiêm mới không bị đánh mất. Người tín ngưỡng Xá Lợi, kinh Phật cũng có khi trở thành người không có thiện tâm, trường hợp như sau ngày hòa bình Thượng Tọa Thích Thiện Tâm, Trụ trì chùa Pháp Bảo, Tp.Hồ Chí Minh tuyên bố mất Xá Lợi trên chánh điện, nhưng tháp thờ Xá Lợi bằng vàng ròng không mất, chứng tỏ Xá Lợi quý hơn vàng, kẻ trộm lấy Xá Lợi chứ không lấy vàng? Chùa Pháp Bảo là chùa Nam Tông, phượng thờ Xá Lợi thật chu đáo kỹ lưỡng mà còn mất, huống gì người tâm trí hờ hững, hằng ngày chỉ chuyên lo việc gia đình xã hội nhiều hơn việc đạo làm sao có phương tiện thờ phượng Xá Lợi?

Pháp thân Xá Lợi (Kinh, Luật, Luận)

Theo kinh Dục Tượng Công Đức thì Xá Lợi được chia thành hai loại là Sanh thân Xá Lợi và Pháp thân Xá Lợi.

Sanh thân Xá Lợi còn gọi là Thân cốt Xá Lợi, tức là di cốt của Phật. Về Sanh Thân Xá Lợi như đã nói ở chương I. Nay sẽ nói về Pháp Thân Xá Lợi, để mọi người tìm hiều, như từ xưa đến nay chư vị Phật tử chưa nghiên cứu sâu sát về Xá Lợi và các lọai Xá Lợi.

Pháp thân Xá Lợi còn gọi là Pháp tụng Xá Lợi, tức là Giáo pháp và Giới luật của Phật còn lưu truyền lại. Nay xin giới thiệu một số kinh bộ tiêu biểu thuộc diện quý hiếm của người xưa để lại và được liệt kê vào danh sách Xá Lợi Kinh Luật Luận trong Liên tông Tịnh độ Non bồng và cho người sau được biết mà tôn thờ.

Ngày 25 tháng 02 năm 1978 Quan Âm tu viện mất 80 bộ kinh Đại Bát Niết Bàn là Pháp bảo đang tôn thờ tại Chánh điện.Người lầy kinh dự định đem kinh ra ngọai quốc, quý Sư chưa rõ đem đến quốc gia nào, nhưng khi đem ngang qua hàng rào Hải Quan sân bay thì bị chận lại, do trong quyển kinh có đóng dấu Thư viện Quan Âm tu viện, Bửu Hòa, Biên Hòa, nên Hải quan trả về Công an Tp.Biên Hòa. Đến tháng tư, năm 1979 tu viện được nhận lại 80 bô kinh Đại Bát Niết bàn.

Tại Thành phố Qui Nhơn tỉnh Bình Định là quê hương Phật Pháp những thời xa xưa, Tổ sư Nguyên Thiều (1648-1728) truyền đạo từ nửa cuối thế kỷ thứ 17, năm 1677 từ Trung Hoa vào Việt Nam, xây dựng chùa Di Đà Thập Tháp, Bình Định. Đến năm 1689 Tổ sư được chúa Nguyễn Phúc Trăn sắc chỉ xây dựng chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng tại Thuận Hóa. Năm 1692 chúa Nguyễn Phúc Chu lên thay cha sắc phong Ngài làm Trụ trì chùa Hà Trung, sau đó vào Nam, đến ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cữu, Đồng Nai khai mở nền Phật pháp với tông chỉ “Thiền Tịnh song tu”. Ngài xây dựng ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, đến hôm nay rất thịnh hành và còn lưu truyền bài pháp “Tổ sư Huấn Hối Yếu Tắc”, gồm có 10 bài, mỗi bài 4 câu kệ, nội dung giáo hóa chư Tăng Ni niệm Phật, giữ giới, thanh bần lạc đạo xứng đáng là Thích tử chốn thiền môn trong thời hội nhập (Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai 2017 - HT Thích Giác Quang).

Tổ đình Linh Sơn, núi Bồng Lai, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu, nơi Đức Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý, Tông Trưởng Liên tông Tịnh độ Non bồng có điêu khắc Long vị thờ Tổ sư Minh Đăng Quang đã vắng bóng năm 1955, Long vị cao 1,60 mét tôn thờ tại Tổ đường. Riêng tại Chánh điện Tổ đình có nhiều tủ thờ Pháp bảo, trong đó tờ 250 bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch song ngữ của Hòa Thượng Tích Trí Tịnh. Vào lúc 10 giờ ngày 30 tháng 7 năm Giáp Thìn (1964) chiến tranh tàn phá pháo đài bay F5 dội bom Tổ đình, tất cả tượng Phật đồng, cement, pha lê...điều bị thiêu hủy, riêng Long vị Tổ sư Minh Đăng Quang, 250 bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa không bị cháy, dù một số quyển kinh bị miễn bom ghim vào kinh bên trong, nhưng chữ kinh vẫn còn đọc được! (HT Thích Giác Quang - Tổ đình Linh Sơn, núi Bồng Lai, Bà Rịa Vũng Tàu)

Tại Quan Âm tu viện có thờ bộ kinh Đại Bát Niết Bàn trọn bộ 4 quyển, bản dịch năm 1928, kinh Diệu Pháp Liên Hoa bản dịch năm 1930, kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, 3 bộ kinh nầy đều thuộc bản dịch của Cụ Đoàn Trung Còn. Ngoài ra còn có Tam tạng Thánh điển tôn thờ tại Tịnh thất Bảo Tạng, 12 lời nguyện Bồ Tát Quan Âm, sách dày 5 cm, gồm 14 trang, cao 8 cm, rộng 6 cm, trưng bày tại Nhà Truyền Thống (tư liệu HT Thích Giác Quang - Quan Âm tu viện)

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có chùa Phật Quang, thành lập năm 1734 đời vua Lê Thuần Tông (1699-1735), bên nhà chúa là Nguyễn Phúc Trú, do Hòa Thượng Thích Huệ Tánh làm Trụ trì từ năm 1987, chùa đang tôn thờ bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên 118 tấm gỗ thị (khắc ngược), do Thiền sư Minh Dung chủ trì, sự hỗ trợ của Thầy Thiện Pháp cùng với 52 Phật tử thực hiện từ năm 1704 đên 1732 đúng 28 năm hoàn thành, kinh là di sản văn hóa Phật giáo (HT Giác Quang sưu tầm từ bạn thân giới thiệu và thông tin từ tư liệu chùa Phật Quang, HT Thích Huệ Tánh, Trụ trì khi HT vào viếng Quan Âm tu viện)

Ngoài ra còn có các bản kinh Kim Cang hay gọi là Kim Cương bản kinh gồm 7000 chữ, có lời chú sớ “Lời tựa của Vua Quang Toản-Cảnh Thịnh Nhà Vua nói: “chỉ có bản dịch của Vô Trước Bồ Tát tạo, đời Tùy, Đạt Ma Cấp Đa dịch, thuộc Đại Chánh 25, trang 757, lời tựa và bản kinh được thêu trên lụa gấm và lụa đào, dài 2,47 mét, rộng 23,4 cm, hiện được lưu giữ tại chùa Trúc Lâm, Huế.(kinh Kim Cang, dòng lịch sử - thời điểm và văn bản - Thích Thái Hóa)

Xá Lợi niềm tin?

Tín ngưỡng là niềm tin tôn giáo, nhất là niềm tin trong thế giới những người con Phật rất xác đáng và nghiêm túc. Một đôi khi do môi trường khắc nghiệt, xa ánh sáng Phật pháp, xa thời gian Phật nhập diệt nên sự tín ngưỡng bị lêch lạc, kéo theo sự mê tín, như tin Đức Phật là thần thánh ban phước giáng họa, chứ không tin Phật là bậc giác ngộ giải thoát những khổ đau phiền não cho chính mình và tìm phương án giải thoát khổ đau cho mọi người Sự tín ngưỡng bao giờ cũng là con đường đi đến chỗ siêu việt về tâm linh “tin Phật là có Phật”, làm việc gì tin vào “sự thành công thì dẫn đến thành công”. Mặc khác, có sự tín ngưỡng nặng về “hình thức”, lúc nào cũng chú trọng đến “hình tướng”. Không chú trọng đến tâm linh, không chánh tư duy đến cái “không hình tướng” thì không còn bảo đãm tính chân thật.

Như nghệ nhân làm phù điêu, chú tâm vào việc khắc Phật, đục đẽo Phật, đẽo một khúc mít hay các lọai cây danh mộc trở thành tượng Đức Phật để thờ, chắc chắn lúc bấy giờ quý vị và mọi người đều phải lạy tượng Phật, mà trước kia “tượng Phật” chỉ là khúc mít. Đây chính là niềm tin tâm linh cụ thể nhất trong thế giới nhà Phật “lấy giả làm thật”, “lấy vọng làm chơn”. Như vậy thì việc tin Xá Lợi thật hay giả cũng căn cứ vào tâm niệm, niềm tin của chúng ta. Như Phật tử làm rơi viên Xá Lợi thật lộn vào trong cát, coi như bị mất Xà Lợi. khó mà tìm kiếm Xá Lợi lẫn trong cát, lúc bấy giờ tìm mãi không được! Phật tử liền suy nghĩ: “ta tin hột cát nằm trong cát là Xá Lợi”, vừa tâm niệm như thế, “Phật tử liền tìm được Xá Lợi”. Trường hợp nếu không có niềm tin thì không tìm được Xá Lợi. Người không có niềm tin thì dù cho có Xá Lợi thật đi nữa cũng không tìm thấy Xá Lợi!

Ban ơi, trong Duy Thức Học tam thập tụng, Phật dạy “...Nhứt thiết duy tâm tạo...”, mỗi mỗi sự việc, sự vật gì đó đều do tâm mình suy nghĩ “thật thì nó thật”, suy nghĩ “không thật thí nó không thật”. Cho nên chúng ta tin Xá Lợi thật thì có thật, chúng ta xem đó là già thì Xá Lợi giả.

Theo tư liệu “Xá Lợi thật của Phật và Xá Lợi niềm tin” của nhà khảo cổ học người Anh tên William Claxton Peppe thì vào năm 1898 đã phát hiện ra Xá Lợi Phật ở Ca tỳ La vệ (Kapilvastu) quê hương Đức Phật,. Hiện nay những di cốt Xá Lợi Đức Phật được khai quật tại cố đô Ca tỳ La vệ thuộc dòng họ Sakya đang được tôn trí tại Viện Bảo Tàng New Delhi - Ấn Độ. Sau khi Phật nhập diệt Xá Lợi được chia ra làm tám phần để trong tám tháp, do người Bà la môn tên Dona đứng ra làm trung gian dàn xếp giao cho tám vương quốc thời bấy giờ gìn giữ và đến thời điểm hiện nay. Điểm thứ hai tại kinh đô Tỳ Xá Ly (Hoa Thị Thành) thuộc dòng họ Lichivas sau khi khai quật được tôn trí tại Viện Bảo Tàng Patna. Điểm thứ ba tại Dharmarajika ở Sarnath, là một thành phố lớn do ông Jagat Singh làm Thị trưởng, ông là người theo đạo Bà La môn không tin vào việc thờ Xá Lợi Đức Phật, đã đem Xá Lợi Đức Phật thả xuống sông Hằng làm theo tập tục người Ấn có vẻ bất kính Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ của Đạo Phật. Còn lại gạch của tháp Xá Lợi đem xây nhà khu kiều bào mang tên Jagat Singh thật đau xót (trích Xá Lợi Phật và Xá Lợi niềm tin - Thư viện Hoa Sen). Việc làm của Thị trưởng Jaga Singh là người theo tín ngưỡng của Đạo Bà la môn, đã xúc phạm đến sự tín ngưỡng và lòng tự trọng của người Phật giáo. Người sau xin hỏi lúc bấy giờ không ai có thể can thiệp giúp cho Phật giáo hay sao? Rất tiếc Thị trưởng Singh can thiệp sâu vào tôn giáo Bạn Phật giáo, làm việc ác, mặc dù vậy nhưng cũng không phá vỡ sự tín ngưỡng về Đức Phật, sự tín ngưỡng đó đã lan rộng khắp năm châu bốn bể cho đến ngày nay, mọi người tìm cách tạo nên sự tín ngưỡng “tôn thờ Xá Lợi bằng niềm tin tâm linh, tin có thì có, tin thật thì thật.

Như vậy Xá Lợi Đức Phật sau khi ngài niết bàn, xưa được chia cho tám Vương quốc, theo năm tháng thăng trầm của Đạo Phật, nhằn để tránh sự dòm ngó của ngọai đạo, các phần Xá Lợi đã được triều đình Ca tỳ La vệ, các Cụ Trưởng lão những người con cháu Đức Phật chôn giấu kỹ lưỡng, sâu trong lòng đất núi non hùng vĩ. Theo tư liệu của W C Peppe, kiểm chứng lại thì Xá Lợi Phật vẫn còn nhiều trên quê hương Đức Phật còn 5 nơi nữa trên một đất nước mênh mông trong vùng rừng núi thiêng liêng và huyền bí, con người thích cảnh sống vô vi, không thiết tìm ra Xá Lợi Phật. Do vậy, các lọai Xá Lợi truyền bá tại Tây Tạng, Buthan, Sikkim, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia chỉ là “Xá Lợi niệm tin” vì chưa được giám định ADN, xác định gen di truyền chưa kiểm dịch C14 để xác định niên đại. “Xá Lợi niềm tin”, chúng ta không biết thật giả ra sao, nên chưa xác định có cơ sở để tin được...

Có một điều mà từ 30 năm qua bắt buộc người tu sĩ Phật giáo mãi suy nghĩ việc nhận định thật giả về “Xá Lợi”. Người Cư sĩ, khi trút bỏ xác thân đem hỏa thiêu có Xá Lợi, việc nầy nhà thiền chấp nhận, nhưng không nên làm “ồn lên” thành một phong trào. Người tu niệm Phật khi “qua đời” hỏa thiêu có Xá Lợi, xưa nay là một hiện tượng không hiếm, điều nầy nên tán thán công đức tín tâm của những Cư sĩ Phật tử Việt Nam.

Theo kinh “Dục Tượng công đức”, sách “Pháp Uyển Châu Lâm” giảng chỉ có Phật và các vị Cao Tăng khi thị tịch đem “trà tỳ” còn tồn tại tro tàn, di cốt được gọi là Xá Lợi...Đối với người Cư sĩ tu hành lúc qua đời đem hỏa thiêu còn lại tro tàn, những hạt ngọc trong sáng có được gọi là “Xá Lợi” không? Nhưng có một điều chắc chắn phải được sự cung kính tôn vinh bằng nghi thức theo giới Cư sĩ Phật tử! Cũng có những Phật tử thâm niên tu hành, khi qua đời, không chấp nhận cho con cháu đem hỏa thiêu vì sợ nóng...có gia đình không cho hỏa thiêu vì truyền thống gia đình, hoặc con cháu sợ hỏa thiêu ông bà nóng quá tội nghiệp, cho nên không có gì phải bàn về Xá Lợi đối với Cư sĩ Phật tử.

Một người tu sĩ xuất gia thâm niên viên tịch khi trà tỳ nếu tồn đọng một số xương cốt tro tàn, màu vàng óng ánh, màu trắng đục hay trắng trong...có thể gọi là Xá Lợi, nhưng phải xem lại quá trình tu hành của tu sĩ đó có đạo hạnh hay không? Nếu là tu sĩ đạo hạnh thì còn có thể tin được và cung nghinh đảnh lễ di cốt. Trường hợp phạm giới “trọng” là chuyện rành rành mà nói có Xá Lợi thì thật vô lý.

Phần kết

Ngài Long Thọ Bồ Tát có bài kệ, xin trích một đoạn như sau: “Nếu người trồng căn lành - Nghi thời hoa không nở - Người tín tâm thanh tịnh – Thời hoa nở thấy Phật...”.. Niềm tin của ngài Long Thọ là tín tâm, thấy đúng như thật, thấy Xá Lợi xuất xứ từ đâu, chạm thực thế với Xá Lợi. Xá Lợi của Phật hay Xá Lợi niềm tin, như vậy niềm tin của Long Thọ Bồ Tát là niềm tin xác đáng. Niềm tin có trí tuệ biết đâu là tướng thật, đâu là tướng giả, biết thật giả như thế nào rồi mới tin, tin như thế không còn nghi, không nghi ngờ mới thấy Phật. Tin của ngài Long Thọ không có tin mù quáng, không tin lưng chừng, nửa vời, niềm tin có chuẩn mực và thanh tịnh. Thấy Phật, thành Phật, người có niềm tin chân chánh sẽ gặp Xá Lợi thật.. Việc thờ Xá Lợi không phải ai muốn thờ cũng thờ được, có vị đang thờ sanh tâm khinh lờn chán nản thối chuyển, trước thờ, sau không thờ và vĩnh viễn không thờ nữa. Nên chỉ có Thầy Trụ trì một ngôi chùa mới có phương tiện thờ Xá Lợi. Người Phật tử ăn chay trường, niệm Phật không giao lưu thế tục nữa thì được thờ Xá Lợi. Không nên thờ Xá Lợi bừa bãi, không nên xem Xá Lợi như một lá bùa phò hộ cho mình tai qua nạn khỏi.

Người Phật tử, do gia duyên bận buộc, đôi khi ít quan tâm đến bàn thờ Phật, trừ những vị từ 50 tuổi trờ lên. Tuổi trẻ hôm nay không có thời gian phượng thờ dâng hương cúng cơm ,cúng nước Tam Bảo, làm gì có cơ hội thờ Xá Lợi, cho nên người tu tại tư gia không thờ Xá Lợi vậy thôi. Vả lại gia đình Phật tử thờ Phật, không có phương tiện thờ Xá Lợi cũng không sao! Xin nhắc các Bạn về công đức thờ Xá Lợi, lạy Xá Lợi, chiêm ngưỡng Xá Lợi, cung nghinh Xá Lợi đều như nhau, Cho nên, Bạn không thờ Xá Lợi tại gia thì Bạn đãnh lễ Xá Lợi ở chùa cũng được, Bạn không có thời gian đảnh lễ Xá Lợi ở chùa thì Bạn cung nghinh Xá Lợi ở bất cứ nơi nào trên thế gian vẫn có phước đức vô lượng

Xá Lợi công đức muôn ngàn

Phượng thờ cho chính hơn vàng thế gian

Bàn có bảo cái tràng phang

Thờ cho tinh khiết nghiêm trang đức dày

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Xá Lợi Có Giúp Trừ Tà Ma Không? Làm Thế Nào Để Phân Biệt Xá Lợi Thật Và Giả?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com