Có một ông già tám mươi tuổi bị ung thư phổi từ viện dưỡng lão đến. Ông nói: “Lúc ông năm tuổi thì cha ông mất, tám tuổi thì mẹ mất, một người sống cô đơn đến nay đã 80 năm”. Có thể nói là ông đã nếm đủ hết mùi vui, buồn, ly, hiệp trong đời. Ðến nay đã già lại mắc phải bịnh nặng, suốt ngày phải nằm trên giường. Có một đêm ông ngồi dậy ôm gối tự nói chuyện với mình : “Tôi muốn đi về, tôi muốn đi về”; giọng nói rất là thê lương, nhưng lúc đứng dậy thì đứng không vững và lại té bị thương. Răng trong miệng đã bám đầy bựa, mỗi ngày y tá phí bao nhiêu sức lực để kêu ông chà răng, ông nhất định không chịu chà và nói: “Người muốn chết rồi, chà răng để làm gì nữa!”. Ðã gần hai tháng ông không chịu ăn gì hết nên gần kiệt lực vì đói. Rất khó khăn lắm tôi mới để thuốc và thức ăn vào miệng ông, nhưng ông nhất định không chịu nuốt và quyết tâm muốn chết. Sau đó đại và tiểu tiện cũng không khống chế và điều kiển được; đi đại tiểu tiện ngay trên giường bịnh.

 Ông không có gia đình, người làm trong bịnh viện không đủ, không có người túc trực ở kế bên để thay vải trải giường và thay quần áo. Sau đó cả quần áo cũng không còn sức để mặc mà cũng không chịu mặc, chỉ còn trơ da bọc xương như vậy nằm trên giường. Vì ông không chịu ăn cơm cho nên chỉ có thể chích thuốc. Tay ông bấy hết vì kim đâm để chích thuốc hoặc lấy máu. Ðây là cái khổ của sự già nua. Khuyên ông niệm Phật nhưng ông cũng rất khó niệm được, mỗi lần nhìn ông thì không có bút mực nào diễn tả hết những sự đau lòng khổ não này. Ông cũng đã từng khoẻ mạnh như chúng ta, đã từng bước đi thoăn thoắt trèo non vượt suối, cũng đã từng giống như chúng ta, khi đói thì kiếm ăn, cười tươi như hoa nở. Nhưng những đợt sóng sanh tử của sông Hằng một giây phút, một tích tắc cũng không chịu ngừng lại… Thân thể chúng ta cũng như căn nhà có thể bị hư hoại và bị sụp đổ; sống trong căn nhà cũ bị hư, bị dột mưa thì rất khổ, rất khó khăn. Nếu lúc đó chúng ta niệm Phật, đem tâm an trú tại cõi Tây phương tự do tự tại, kiên cố thanh tịnh, bất cứ lúc nào cũng có thể dọn nhà đi thì rất trang nghiêm tốt đẹp. Nếu buồn rầu áo não theo căn nhà cũ nát, sợ là tương lai bạn cũng sẽ dọn đến căn nhà còn hư dột và cũ hơn hiện tại nữa, đời đời chịu khổ!

Có một bịnh nhân đã già, có người nói ông đã 80 tuổi, có người nói ông đã 90 tuổi. Hình như trước kia ông là giáo sư trường đại học Bắc Kinh, diện mạo của ông rất giống người trí thức. Ông không phải là bịnh nhân thuộc chuyên khoa chữa trị của tôi. Từ lúc đầu tiên khi tôi gặp ông thì ông đã hôn mê bất tỉnh. Mỗi lần đi vào phòng bịnh tôi chỉ có thể niệm ‘A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật’ vào tai ông. Cứ như vậy cả hai tháng ông chưa khi nào có một chút phản ứng gì hết. Sau cùng ông tỉnh lại, có chút phản ứng và nhìn tôi, ra hết sức hình như muốn niệm ‘A Di Ðà Phật’, nhưng không có sức để niệm ra tiếng. Tay ông cử động hình như muốn chắp tay, chắp tay lại đối với người khoẻ mạnh là một chuyện rất là dễ dàng, nhưng đối với ông thì lại vô cùng khó khăn. Không phải là lúc còn trẻ da ông cũng rất hồng hào mềm mại hay sao? Nhưng thế gian vô thường, hồng hào mập mạp trẻ trung sẽ từ từ biến thành già nua lụm cụm!

Hình như tôi đã đem hình tượng của những người lớn tuổi kéo xuống tận đáy thẳm vực sâu, như thế có phải quá tàn nhẫn hay không? Nhưng nếu không diễn tả rõ ràng thì mọi người không hiểu rõ những chuyện trong thế gian, không buông xả được, như vậy thì không thể đạt được hạnh phúc tự tại. Nếu không kịp lúc hồi đầu niệm Phật e rằng sẽ hối hận vĩnh kiếp về sau!

Phần đông khi người ta sắp chết thì hô hấp rất khó khăn. Nếu đang ở trong bịnh viện thì bác sĩ sẽ đút một ống vào miệng hoặc vào mũi vô khí quản đến phổi để duy trì sự hô hấp. Ðến lúc nguy cấp thì đẩy vào phòng có y tá túc trực thường xuyên để theo dõi bịnh nhân. Có khi dùng duỡng khí chụp vào mũi để giúp cho bịnh nhân thở. Khắp nơi trên thân thể chỗ nào có thể đút ống vào thì cũng đều đút ống, thí dụ đường tiểu thì đút ống vào để thông tiểu, miệng thì đút ống vào để dẫn thức ăn vào bao tử, hoặc mũi thì đút ống vào phổi, chỉ thiếu một thứ là không có một ống gì để dẫn ánh sáng của đức Phật A Di Ðà vào tâm khảm của người ta. Một phòng bịnh có y tá túc trực (intensive care) thì cũng giống như một địa ngục ở trần gian. 

Có lẽ những thiết bị tối tân này đã cứu sống rất nhiều người, nhưng thiệt ra đối với bịnh nhân, không kể là chữa lành bịnh hay không đều là địa ngục rất dễ sợ, không người nào thích bị đưa vào thêm một lần nữa! Lúc trước khi đọc kinh Ðịa Tạng tôi thường nghĩ là chư Phật Bồ Tát sợ chúng sanh làm chuyện ác, cố ý nói ra để dọa người, đâu có chỗ nào là địa ngục thiêu đốt, địa ngục cắt lưỡi, … cái khổ gì cũng có, rất là dễ sợ, hình như đều là dọa người ta. Ðến khi tôi vô bịnh viện thì mới biết đức Phật nói câu nào cũng đều là sự thật, và cũng hiểu được tại sao đức Phật ở trong kinh đã nhiều phen dặn dò và phó chúc Ðịa Tạng Bồ Tát là: “Ðừng để chúng sanh đọa vào ác đạo [cho dù chỉ là] một ngày một đêm”. Nhất định phải nói rõ cho chúng sanh biết những sự khổ trong nhân quả báo ứng này, đừng để cho chúng sanh đọa vào ác đạo chịu khổ một ngày một đêm.” Nhưng lúc bình thường chúng ta có để ý và hiểu tâm từ bi này của Phật không?

Khi bịnh nhân kêu tôi nửa đêm, lúc tôi rất mệt và buồn ngủ nhưng phải tỉnh dậy để đi thăm họ, săn sóc, cho thuốc hoặc là trị liệu, lúc đó thấy chúng sanh đang chịu đựng bên bờ sanh tử, những câu trong kinh Bát Ðại Nhân Giác liền hiện ra trong tâm: “Sanh tử thiêu đốt, khổ não vô lượng, phát đại thừa tâm, phổ tế tất cả, nguyện chịu thay vô lượng khổ cho chúng sanh, làm cho chúng sanh đến được sự sung sướng viên mãn”. Nhưng khi nhìn thấy cảnh tượng quá khổ này kêu bạn đi chịu khổ thay cho chúng sanh bạn có thể làm được không? Thử hỏi những sự khổ đã kể ở đoạn trước, bạn có thể thay thế cho họ một đêm không? Tôi không nói chuyện ‘thay thế’ này quá khó, chỉ là ở một bên để săn sóc an ủi người bịnh liên tục mấy đêm liền không ngủ, cả ngày lẫn đêm thì đã quá khó rồi (thường thì bạn sẽ cảm thấy đầu nặng, tim đập mạnh hơn lúc trước…). 

Tu hành trong nhà Phật trừ tâm từ bi ra, còn cần có lòng tin vững chắc, nguyện lực rộng lớn, niệm Phật chuyên cần thì mới có khả năng thoát ra khỏi lục đạo sanh tử luân hồi khổ não. Thiệt ra không nói là thay thế chịu khổ, chỉ ‘nghe’ thôi, cả ngày ngồi ở đó từ sáng đến tối nghe người ta than thở: “Tôi khổ như thế nào”, “nhà tôi có sự khổ vô cùng”, để cho bạn nghe một ngày 24 giờ, liên tục mấy ngày liền thì bạn sẽ hiểu. Sau khi tôi ‘nghe’ một thời gian, có một hôm khi tôi đang niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì nghe có tiếng người khác cũng đang niệm “Nam mô Ðại từ Ðại bi Quán Thế Âm Bồ Tát”, nghe xong câu này tôi liền có một niềm xúc động vô hạn, chảy nước mắt lúc nào không hay. Thật đúng như vậy, đừng nói để bạn thay thế chúng sanh chịu vô lượng khổ, chỉ để bạn ‘nghe’ sự khổ thì liền biết lòng từ bi vô biên của Bồ Tát. Ngài đã phát nguyện “lắng nghe chuyện khổ nạn trong thế gian”, chỗ nào có người chịu khổ liền lập tức đến để cứu họ. Chúng ta lắng tâm để niệm Bồ Tát, từ danh hiệu của một vị Bồ Tát thì biết được lòng từ bi vô cùng tận của chư Bồ Tát, tâm địa rộng lớn không thể nghĩ bàn của quý ngài.

Khi đôi mắt tôi nhìn thấy sự buồn rầu, lo sợ, khủng bố của những người sắp chết, đôi tai nghe vô số tiếng khóc lúc sanh ly tử biệt, quay lại niệm ‘vô lượng quang minh và vô lượng thọ’ của đức Phật A Di Ðà, tự nhiên lại tràn đầy nước mắt và cảm nhận được sự từ bi thông cảm vô cùng thân thiết chứa đựng trong danh hiệu đức Phật A Di Ðà. Thì ra đức Phật A Di Ðà từ xưa đã biết được những sự đau buồn đen tối và sự lo sợ trong vòng sanh tử của phàm phu chúng ta, nên ngài phóng vô lượng quang đến khắp mọi nơi để cứu độ, không nhàm chán mà an ủi chúng sanh. Ngài không nghỉ ngơi, không ‘lấy vacation!’, ngày cũng như đêm, chí nguyện vĩnh viễn không bao giờ ngừng nghỉ mà cứu giúp chúng sanh trong biển khổ sanh tử, đem sự thanh lương ở cõi Cực Lạc ban bố cho chúng sanh. Bạn có để ý những khi mưa suốt mấy ngày liền nhưng mặt trời vẫn không mất đi. Vô Lượng Quang Thọ là một nguồn từ bi vĩnh hằng, chiếu rọi vô tận, không bị bất an vì mất đi quang minh, không có sự đau khổ của sanh ly tử biệt.

Có khi đêm đã khuya, thuốc ngủ và thuốc chống đau đều không còn hiệu lực nữa, tôi thường ở bên giường bịnh nhân giúp họ niệm Phật (thật ra phải nói là ‘Bồ Tát bịnh nhân’ giúp tôi niệm Phật, vì nếu không có họ ở một bên, tôi không siêng đến nỗi nửa đêm không ngủ, thức dậy niệm Phật). Hòa hợp vào nhịp thở và tiếng niệm Phật của bịnh nhân, vừa niệm vừa nghe từng câu từng tiếng một cách an tịnh. Khi thuốc men không còn công hiệu nữa, hết sức thành khẩn cầu cứu đức Phật A Di Ðà có công hiệu mạnh nhất, có thể an ủi thân tâm đau khổ của bịnh nhân; lắng nghe được một tiếng thì ngay khi đó liền được giải thoát, nếu an tịnh mà nghe rõ ràng từng chữ từng chữ thì sự đau khổ trong mỗi phút này biến mất cũng như sương tan khi mặt trời mọc. Phật A Di Ðà giống như một công ty cung cấp điện lực miễn phí, chỉ cần bạn đừng rút đồ cắm điện ra thì sẽ thâu nhận được nguồn năng lượng vĩnh viễn không bao giờ chấm dứt này.

Có một người bị ung thư ở mũi, ở đây giới thiệu về người này là có ý nghĩa đặc biệt. Ung thư của cô đã lan rộng đến lúc khó thở thì cô mới đến bịnh viện, lúc đó vô cùng đau đớn. Một thời gian không lâu trước khi mất, cô phát tâm ăn chay; cô kéo tay tôi và nói: “Bác sĩ à, nếu bịnh tôi không có hy vọng chữa hết thì xin cầu cho tôi được mau mau về nước của đức Phật A Di Ðà”. Cô từ bịnh viện khác đến bịnh viện chúng tôi để trị liệu phóng xạ. Bịnh ung thư mũi vốn là bịnh có hiệu quả trị lành bịnh rất cao, chỉ cần phát hiện sớm và trị liệu sớm thì đều hết bịnh, nhưng cô phát hiện bịnh quá trễ. Vì nửa đêm cô bị hô hấp khó khăn nên người ta mới chở cô đến bịnh viện chúng tôi cấp cứu, nhưng cứu không được. Ðêm đó tôi không có trực tại bịnh viện, cho đến sáng hôm sau lúc tôi đến thì cô đã ngừng thở hết một thời gian và được xem là đã chết rồi, người nhà đang sửa soạn để xuất viện. Không biết tại sao y tá ở phòng cấp cứu kêu tôi bằng hệ thống truyền thanh của bịnh viện. Khi tôi đến nhìn thấy cô thì cảm thấy rất buồn; tôi kề bên tai cô và nói:

“Trong đời sống ngắn ngủi của cô đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, con cô tuy còn nhỏ nhưng còn chồng cô lo cho nó, những chuyện này cô muốn lo cũng lo không được rồi. Bây giờ cô nhất định phải buông xả hết tất cả mọi việc, cô hãy cùng tôi niệm ‘A Di Ðà Phật’ rồi đi theo ngài về tây phương Cực Lạc Thế Giới”.

Tôi ở bên cạnh cô niệm Phật và cầu đức Phật từ bi nhiếp thọ; lúc đó trong lòng tôi cảm thấy rất rõ ràng mỗi một câu niệm Phật đều từ đáy lòng phát ra. Một điều kỳ lạ là nước mắt của cô cứ chảy ra hoài. Sau đó tôi mời những cô y tá trong phòng cấp cứu lại xem và nói:

“Trên mặt y khoa chúng ta nói là cô ta đã chết, hơi thở đã đoạn dứt rồi, không còn nhịp tim đập, không còn áp suất của máu, tất cả đều không còn nữa. Nhưng nhà Phật nói tại vì người chết có chấp trước, thần thức của họ chưa hoàn toàn rời khỏi thân thể, bình quân phải đợi đến 8 giờ sau mới lìa khỏi thân thể, do đó chúng ta phải lo cho người gần lâm chung hoặc là mới chết một cách đàng hoàng”.

Nhưng người hiện nay nếu tắt thở trong bịnh viện, phần đông là không cho chúng ta để yên không động thi thể của họ, điều này thật đáng tiếc.

Là người học Phật chúng ta phải đặc biệt chú ý, lúc lâm chung vô cùng quan trọng, vì lúc người ta gần tắt thở tứ đại phân ly rất là đau đớn, thần thức gần thoát ly ra khỏi thân thể đau giống như gió rét cắt thịt hoặc như kéo mu rùa rời khỏi thân rùa. Lúc bấy giờ tuyệt đối đừng đụng chạm đến thân thể của người mất, phải nhắc nhở và giúp họ niệm Phật, giúp họ khởi lên chánh niệm muốn vãng sanh cõi Cực Lạc. Nếu không vãng sanh thì phải tùy theo nghiệp báo đi đầu thai, đời đời kiếp kiếp luân lạc trong sáu nẻo luân hồi, sự khổ đau của sanh lão bịnh tử cứ diễn đi diễn lại mãi mãi. Cho dù bạn là ông vua hay tổng thống cũng không tránh khỏi, thông minh không đối chọi được với nghiệp lực, giàu sang cũng không miễn được luân hồi!

Một lần nữa xin nhắc nhở quý vị, nếu sau này gặp những trường hợp như vậy thì phải chú ý: lúc lâm chung và 8 giờ đồng hồ sau khi tắt thở, đều phải nhất tâm niệm Phật, nếu tín nguyện được chân thành thiết tha, đức Phật nhất định từ bi nhiếp thọ. Trong lúc này (trong vòng tám giờ ) không được di chuyển và động chạm đến thi thể của người mất, không được làm bất cứ chuyện gì động chạm đến họ (kể cả di chuyển giường họ đang nằm) .

Nếu bạn đã bị bịnh nặng thì biết trong lúc thân thể vô cùng yếu đuối và đau đớn, cho dù chỉ là nhích một tí để xoay mình lại, hoặc là thay áo thì cũng làm cho người bịnh rất đau, thân tâm rất khó an lạc. Phần đông người ta cho rằng niệm Phật là để tiễn đưa người mất, thật ra đức Phật A Di Ðà có vô lượng quang và vô lượng thọ, niệm Phật cho người bịnh nặng là đem tâm đang đau khổ rối loạn của người bịnh khế hợp ( nối liền ) với vô lượng hào quang của Phật (cũng là để khôi phục lại vô lượng quang thọ trong tự tánh của mỗi người.). Nếu mạng chưa hết niệm Phật nhờ vào Phật lực gia trì có thể tiêu tai diên thọ; có nhiều bịnh nhân buông xả hết vạn duyên nhất tâm niệm Phật, vốn là bịnh rất nặng nhưng cũng lành bịnh. Nếu thọ mạng đã hết khi niệm Phật thì được đức Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc đi ‘du học’, được tự tại an lạc. Trong bịnh viện tôi từng thấy rất nhiều bịnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu nhưng cứu không được, bác sĩ tuyên bố đã chết rồi. Vài giờ sau người nhà từ phương xa đến, người mất tự nhiên ra máu mũi hoặc chảy nước mắt. Những chuyện này làm cho tôi càng tin tưởng lời dạy của người xưa ‘không được đụng chạm và di động người mất trong vòng tám giờ sau khi tắt thở, hết lòng niệm Phật để trợ niệm cho người mất’. Ở đây xin quý vị để ý đừng nên xem thường chuyện này mà tạo nên những sơ sót không thể nào hàn gắn lại được.

Có một bịnh nhân vốn là một người bán thịt heo, thường ngày đối xử với mọi người rất tử tế; nghề mổ heo là do cha mẹ truyền lại, ông nói: “Chúng tôi không thể đổi nghề và cũng không biết là nên đổi nghề khác”. Thuở nhỏ có người dạy ông niệm A Di Ðà Phật, nên mỗi lần ông nhìn thấy tượng Phật thì đều chắp tay niệm ba tiếng ‘A Di Ðà Phật’. Ðiều đáng quý là ông nói ông không cầu nguyện gì cho mình cả mà hy vọng đức Phật phò hộ cho tất cả chúng sanh; ông nói: “Ðức Phật làm sao chỉ phò hộ cho một mình tôi được chứ”. Quan niệm này thật rất đúng. Tuy đã làm nghề này lâu rồi nhưng tâm địa của ông rất hiền lương; ông không biết giết heo là làm hại chúng sanh thì phải chịu quả báo không tốt. Ông bị ung thư hàm dưới, qua một thời gian sau nguyên cả cuống họng cũng bị ung thư lan đến, tuy có chữa trị nhưng cũng tái phát trở lại. Mỗi đêm ông nằm trên giường rên rỉ, hít thở rất khó khăn và phát ra âm thanh như kéo cưa vậy. Trong miệng có đàm không thể khạc ra và không thể nuốt xuống, cuống họng như bị xiết cứng lại nên mỗi lần thở mạnh thì rất đau. Ông nói lúc đó ông mới biết được sự đau khổ của con heo vừa bị làm thịt; ông thật tâm sám hối. Ông ăn không được nên phải đút ống (vào miệng để dẫn thức ăn lỏng). 

Trên quan niệm thì ông đã hiểu rõ và phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ; sắc mặt của ông khác hẳn với những bịnh nhân khác, ông không thường âu sầu. Ông nói: “Nhờ bác sĩ xem thân thể tôi có bộ phận nào còn dùng được, đôi mắt của tôi có thể quyên cho người khác không? Tim tôi còn tốt không? Có thể quyên cho người không? Nếu quyên được thì xin quyên, tại vì hy sinh một mình tôi không quan trọng lắm, nếu có thể làm cho người khác sung sướng thì rất quý”. Tôi nói: “Tâm của ông thiệt rất giống tâm địa của Bồ Tát. Ðời của mỗi người có thể làm gương cho người khác, đôi mắt của ông chỉ có thể cho một người duy nhất. Người đó có đôi mắt này sẽ nhìn thấy mọi sự vật, nhưng sau khi nhìn thấy không biết người đó sẽ ‘vui’ hay ‘giận’. Nếu dùng đôi mắt này để nhìn những thứ làm cho người đó phẫn nộ thì rất đáng tiếc. Một người tiếp nhận đôi mắt thịt này chưa chắc sẽ sung sướng. Nếu không biết dùng thì giải phẫu thay tim cũng không thể làm cho người hạnh phúc, nếu người đó không hiểu rõ được đạo lý chân chánh”. Ý tôi không phải phản đối không cho người giải phẫu thay bộ phận trên thân thể. Nhưng người có thể chịu đau trong lúc mổ xẻ mà không sanh tâm sân giận hay hối hận cần phải có ‘đạo lực’ rất lớn; hơn nữa, tuy là người bị bịnh ung thư có lòng tốt và quyên tặng bộ phận trên thân thể khi họ còn sống, nhưng người tiếp nhận có ngại sau khi nhận bộ phận này sẽ bị ung thư không? Ông có lòng tốt như vậy rất đáng quý, tôi không thể ngăn cản ông được, chỉ nói với ông là: “Bây giờ ông nên niệm Phật gấp rút để vãng sanh đến tây phương Cực Lạc thế giới và sau đó theo nguyện vọng trở lại độ chúng sanh; chỉ cần lúc này ông nỗ lực niệm Phật để đến phút cuối có thể bước chân lên đài sen, ông sẽ làm gương tốt cho rất nhiều người, và làm cho họ hiểu được sự thù thắng của cõi Cực Lạc”.

 Ông nói suốt đời ông làm nghề này, lúc ban đầu vì tình trạng kinh tế trong gia đình bắt buộc, nếu không làm (giết heo) thì không có tiền sinh sống. Sau này tính lại số tiền ông kiếm được làm nghề này không đủ để ông trả tiền nằm nhà thương mà trái lại còn thiếu nợ nữa, làm cho đời sống càng khó khăn thêm. Người ta thường viện cớ ‘không làm như vậy không được’, tuy biết là làm như vậy không đúng với Phật pháp mà cũng tiếp tục làm. Ðợi đến một ngày nào đó phát hiện ra ‘không được nữa’ quay đầu nhìn lại mới biết làm như vậy kiếm không được bao nhiêu nhưng cuối cùng phải mang bịnh và đau khổ, phải trả bằng một giá quá đắt, thiệt không đáng chút nào. Lúc ông nằm bịnh viện có một số liên hữu lại giới thiệu Phật pháp và giúp ông niệm Phật. Sau khi về nhà và mấy ngày trước khi ông mất, ông nhờ người nhà kiếm họ tiếp tục trợ niệm. Vài người ở Y Vương Học Xã và bà chủ nhà trọ của tôi đều đến trợ niệm cho ông. Nghe nói ông mỉm cười và niệm Phật mà đi. Họ càng niệm Phật thì ông càng cười tươi hơn. Xong rồi họ nói với tôi: “Chúng tôi trợ niệm cho ông, ông mỉm cười nhìn chúng tôi. Sau tám giờ đồng hồ ông cũng vẫn còn mỉm cười nhìn chúng tôi”.

Có câu thơ như vầy:

‘Tự thị bất quy, quy tiện đắc

Cố hương phong nguyệt hữu thuỳ tranh’

(Không chịu quay về, về được ngay,

Gió trăng quê cũ kẻ nào tranh?)

Nụ cười của ông khi ‘quay về cố hương’ thật là sự an ủi và khích lệ cho những người đang vùng vẫy bàng hoàng bên bờ sanh tử. Nụ cười cuối cùng của ông là nụ cười vô cùng hiếm hoi và trân quý.

Bác Sĩ Quách Huệ Trân




Có phản hồi đến “Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng - Phần 5”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com