"Tham" nghĩa là tìm-tìm xem ai là kẻ niệm Phật.

"Tham thoại đầu" tức là nghiên cứu câu "Ai là người niệm Phật? Kẻ niệm Phật là ai?" Có câu:

Ðại nghi, đại ngộ;

Tiểu nghi, tiểu ngộ;

Bất nghi, bất ngộ.

(Nghi lớn, ngộ lớn;

Nghi nhỏ, ngộ nhỏ;

Không nghi, không ngộ.)

Khi tham thấu triệt câu thoại đầu "Ai là kẻ niệm Phật?" rồi, thì sự tham Thiền ấy chính là thanh Kim-cang-vương Bảo-kiếm chặt đứt hết mọi dục niệm, chỉ còn một niệm tham cứu câu thoại đầu mà thôi. Lúc mọi ý niệm đều ngừng bặt, bấy giờ, Ðạo-tâm sẽ bừng dậy.

Trước khi đả Thiền-thất thường có đả Phật-thất. Phật-thất xong mới đả Thiền-thất thì hiệu quả mới tốt đẹp. Trước niệm Phật, sau mới tham cứu thoại đầu "Ai là kẻ niệm Phật?"

"Tham" có nghĩa là tìm-tìm xem ai là kẻ niệm Phật. Là quỷ ư? Vậy thì thuộc loại quỷ nào? Là người ư? Người nào vậy? Là mình ư? Mình chết rồi thì còn niệm được chăng? Bỏ vô quan tài rồi thì chẳng ai còn niệm Phật nữa cả! Hãy tìm xem, rốt ráo thì ai niệm Phật? Và niệm ai chớ? Hãy tìm xem, kẻ niệm Phật là ai? Ai đang niệm Phật? Quý vị tìm không ra ư? Dù quý vị vĩnh viễn tìm kiếm, cũng không tìm ra được! Nếu quý vị tìm ra được chữ "Ai" này, thì vọng tưởng gì cũng hết sạch. Vì sao quý vị vẫn còn vọng tưởng? Vì quý vị vẫn chưa tìm ra được cái "Ai"!

Tìm cái "Ai" này có thể mất đến cả đại kiếp. Khi quý vị thấy những người tu hành lão luyện ngồi Thiền chẳng động đậy, chính là họ đang tìm cái "Ai" này vậy! Bởi vì chuyên tâm tham cứu cái "Ai" này nên mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, thoát nhiên khai ngộ. Lúc ấy, trong bóng tối âm u bỗng xuất hiện ánh hào quang sáng chói, chuyện gì quý vị cũng thấy rõ cả. Rằng:

Mê thời thiên quyển thiểu,

Ngộ thời nhất tự đa.

(Lúc mê, ngàn sách còn ít,

Ngộ rồi, một chữ cũng dư.)

Ðó là đạo lý của việc tham cứu câu "Ai là kẻ niệm Phật?" Do đó, hễ người nào không khởi vọng tưởng thì người ấy có công phu. Người luôn khởi vọng tưởng thì bất cứ công phu gì cũng không thành cả. Ðó là điểm cốt tủy của việc tham Thiền.

Công phu tham Thiền cốt ở sự chuyên nhất tham cứu-đi cũng tham, ngồi cũng tham, đứng cũng tham, nằm cũng tham. Nói tóm lại, lúc nào cũng phải tham Thiền, chớ bỏ qua cơ hội tham Thiền. Vì thế, lúc đả Thiền-thất chúng ta không lạy Phật, không tụng Kinh, không lên chánh-điện, không cúng quá-đường. Hễ tới giờ thì ăn; ăn xong lập tức tới Thiền-đường tiếp tục tham Thiền. Lúc cần đi nhà vệ sinh thì đi, xong rồi phải tức khắc trở lại Thiền-đường để tiếp tục tham Thiền. Ðừng lãng phí một phút một giây, bởi vì biết đâu chính trong một phút một giây ấy quý vị có thể khai ngộ thì sao? Do đó, hãy tranh thủ từng giây, từng phút một!

Có câu: "Ðừng rời cái này!" Không rời cái gì? Tức là không rời câu thoại đầu "Ai là kẻ niệm Phật?" Không rời xa câu này, nên đó chính là thanh gươm trí huệ cắt đứt thất tình, lục dục. Một khi thói hư tật xấu trừ sạch thì bổn tánh sẽ hiện tiền. Khi bổn tánh hiện tiền thì Ðạo-quả Giác-ngộ sẽ thành tựu.

Trong thời gian tham Thiền, quý vị phải đối diện với thực tế, khắc phục mọi hoàn cảnh, giữ chặt tông-chỉ. Phải nhớ rằng khổ đau là khởi đầu của an lạc. Tôi thường nói với quý vị là:

"Chịu khổ thì hết khổ,

Hưởng phước thì mất phước!"

Cổ nhân có dạy:

"Họa là chỗ phước dựa vào,

Phước là nơi họa cậy nương."

Theo sau chuyện hung xấu thường có điềm lành tới; bên cạnh chuyện yên ổn có thể sẽ có chuyện không may. Pháp thế gian thì luôn ở thế đối đãi như vậy. Từ bao kiếp lâu xa đến nay không biết chúng ta đã tạo bao nhiêu ác nghiệp, thế nên giờ đây chúng ta phải chịu quả báo. Nếu quý vị biết nỗ lực dụng công, dũng mãnh tinh tấn, trả sạch hết nghiệp thì sẽ thành tựu Ðạo-quả.

Quý vị hãy chú ý! Bất luận là cảnh giới thuận (theo lòng mình) hay cảnh giới nghịch (với ý mình) thì quý vị cũng hãy nhẫn chịu-nhẫn chịu không nổi cũng phải ráng nhẫn chịu! Tu Ðạo chính là tu nhẫn nhịn; có câu:

"Nhẫn là bảo bối vô giá."

Nếu quý vị có thể nhẫn nhịn, chịu đựng mọi chuyện, thì sẽ có được sự an lạc chân chánh. Cũng như kẻ luyện võ mà chưa đủ kinh nghiệm-lúc phải vật lộn thì quên bẵng tất cả chiêu số, đến khi đánh đấm xong mới nhớ ra các thế võ để đánh thì đã quá muộn! Tham Thiền cũng vậy-khi cảnh giới đến thì quý vị phải nhẫn chịu, phải chịu thiệt thòi, phải cắn răng chịu đựng; khivượt qua khó khăn rồi quý vị mới đạt được sự tự tại.

Khi tham Thiền, quý vị phải sáng tham như vậy, chiều cũng tham như vậy. Sáng tu Thiền, chiều cũng tu Thiền. Tu lâu ngày thì sẽ thành tựu. Nhẫn nại được, tức là dù đau lưng cũng chẳng màng, đau gối cũng mặc kệ, cứ nhất tâm nhất niệm tham câu "Ai là kẻ niệm Phật?" Nếu lúc nào cũng được như vậy thì quý vị sẽ chẳng khởi vọng tưởng, có thể nhiếp thọ, thâu phục thân tâm, khiến tâm trí thanh tịnh tới mức một vọng niệm cũng không dấy khởi. Quý vị hãy giữ cho tâm đừng rời câu thoại đầu "Ai là kẻ niệm Phật?"; lúc nào cũng đề khởi, lúc nào cũng chẳng quên-đó chính là mục tiêu của sự dụng công.

Việc tham thoại đầu thì chỉ có một vọng tưởng, còn tạp niệm thì có vô số vọng tưởng. Do đó, chúng ta dùng phương pháp "dĩ độc công độc"-lấy một vọng tưởng "tham cứu thoại đầu" để khống chế tất cả các vọng tưởng khác-dần dần, từng vọng tưởng một sẽ bị tiêu diệt, không còn tái khởi. Lúc ấy, bất luận là cảnh giới gì đến quý vị cũng không còn bị mê hoặc; quý vị biết biện biệt rõ ràng thì không thể nào bị "tẩu hỏa nhập ma." Người xưa nói:

"Ninh khả thiên sanh bất ngộ,

Bất khả nhất nhật trước ma."

(Thà rằng ngàn đời không ngộ,

Chẳng để một ngày vướng ma.)

Khi tu Thiền-định, quý vị cần phải cẩn thận, dè dặt, chớ có cực đoan. Phải chánh đại quang minh, đừng để bọn ma quỷ có cơ hội hại quý vị. Khi quý vị có tạp niệm tức là quý vị mở cửa cho ma quỷ lọt vào! Do đó, tham thoại đầu chính là Pháp-bảo "đuổi ma"!

(Thiền-thất 12/1280)

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Tham Thoại Đầu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com