Trong năm, chúng ta thường tụng kinh Dược Sư vào tháng giêng, tháng 5 và tháng 9 để cầu an. Phát xuất từ niềm tin, nhiều người thường tụng kinh Dược Sư để cầu nguyện Đức Phật Dược Sư gia hộ cho tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ. Nghĩ như vậy cũng tốt; vì khởi đầu của người tu theo Phật thường là niềm tin. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức. Người có căn lành đời trước, đời này mới có thể tin Phật, tin giáo pháp của Phật. Chưa từng gieo trồng căn lành với Phật, không thể tin được Phật lực gia hộ, mà chỉ tin theo sự tính toán khôn dại của thế gian.

Chúng ta cầu nguyện Đức Phật Dược Sư và Phật Dược Sư cũng phát mười hai đại nguyện cứu độ chúng sanh. Ngài đã phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo, thực hiện trọn vẹn mười hai đại nguyện cứu khổ ban vui, mới thành tựu quả vị Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Tin Phật và cầu nguyện Phật, nhưng điều quan trọng hơn đối với tất cả những người tu theo chánh pháp là phải căn cứ vào giáo pháp Phật dạy trong kinh điển và theo đó từng bước thực hành những việc làm và tâm nguyện như Phật mới đạt được kết quả tốt đẹp thực sự và lâu dài. Không phải chỉ cầu nguyện suông, vì cầu nguyện mà không làm theo những điều Phật dạy, không thể có kết quả.

Mở đầu kinh Dược Sư cho thấy Đức Phật Thích Ca đến thành Quảng Nghiêm thuyết pháp giáo hóa và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đại diện chúng hội xin Phật nói danh hiệu, bổn nguyện, công đức thù thắng của các Đức Phật để cho mọi người nương theo tu hành, được công đức. Nói cách khác, chúng hội muốn biết hành trạng của chư Phật, các Ngài đã làm gì, tu như thế nào mà thành tựu quả vị Phật. Xin Đức Thích Ca nói thực, đừng nói theo chúng con cho việc dễ làm; chúng con muốn làm Phật, tức muốn làm việc khó làm, khó nghe, khó hiểu. Khó hiểu, khó nghe vì khác với phong tục tập quán, khác với nếp nghĩ sai lầm từ bao đời của phàm phu và khó làm vì phải đi ngược dòng sanh tử, phải tu tạo cho đầy đủ phước đức và trí tuệ. Chính vì vậy mà trong hội Pháp Hoa, khi Đức Phật đề cao những việc khó làm là phải thực hiện viên mãn hạnh Bồ tát mới có thể đạt được quả vị Phật, đã có năm ngàn người không thể nghe, không thể hiểu, không thể chấp nhận, cho nên họ đã rời bỏ hội Pháp Hoa.

Đáp lại lời thỉnh cầu của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Đức Phật Thích Ca mới giới thiệu Đức Phật Dược Sư như sau: "Từ đây hướng đến phương Đông cách mười muôn ức cõi nước, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly, giáo chủ cõi này là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Mọi người tôn kính vì Ngài biết rõ thật tướng các pháp, giải được mọi việc xảy ra trong đời và vượt khó khăn, làm Thầy trời người, là bậc tôn quý. Khi còn tu hạnh Bồ tát có phát mười hai đại nguyện khiến cho hữu tình cầu chi được nấy…”. Đức Phật Thích Ca đã giới thiệu việc làm của Đức Phật Dược Sư nói riêng và chư Phật nói chung. Trước nhất, là Phật thì phải lý giải được thật tướng các pháp, tức biết rõ không sai lầm tất cả mọi việc xảy ra từ quá khứ cho đến vị lai và không có bất cứ khó khăn nào có thể trở ngại việc hành đạo của Phật. Nói cho dễ hiểu, tất cả các Đức Phật đều phải thăng hoa trí tuệ và phát huy năng lực đến mức toàn hảo. Người Nhật theo tinh thần Đại thừa đã thể hiện ý này bằng cách rèn luyện thể lực cho có sức khỏe tốt để chịu đựng mọi gian khó và phát huy trí thông minh hơn người mới khiến họ tin theo. Để thân khỏe mạnh và có sức chịu đựng, các nhà Sư trẻ của Phật giáo Nhật thường tham gia những môn thể thao như leo núi, hoặc tập võ thuật và việc ăn uống của họ tuy đơn giản, nhưng vẫn khỏe, không bệnh hoạn mới có thể dấn thân vào đời làm việc lớn.

Đức Phật nói kinh Dược Sư nhằm khuyến khích các vị Bồ tát và A la hán muốn thành Phật, phải phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo để tăng trưởng phước đức, phát huy trí tuệ; vì đó là hai yếu tố cần thiết để tiến đến quả vị Vô thượng Bồ đề. Vì vậy, theo ngài Trí Giả phán giáo, trong năm thời kỳ Phật nói kinh là thời Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và Pháp Hoa, thìkinh Dược Sư được xếp vào thời kỳ Phương Đẳng, được gọi là thời kỳ ức dương giáo, nghĩa là đề cao hạnh Bồ tát, chê trách hạnh Thanh văn.

Trong mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư, nguyện thứ nhất như sau: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, hào quang của ta chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới khiến chúng hữu tình thấy ánh quang này thân tâm thanh tịnh, đủ tướng trượng phu, siêng tu Lục độ, rời biển trần khổ, vào chốn Niết bàn”. Phật Dược Sư nguyện có hào quang chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới để biết tất cả chúng sanh muốn gì, nghĩ gì, cần gì, có khả năng làm gì, thì tùy theo đó mà Ngài giáo hóa; vì không hiểu rõ chúng sanh, làm sao cứu độ họ. Hiểu chúng sanh, được kinh diễn tả là hào quang chiếu khắp nơi, hay nói cách khác, muốn thành Phật thì trí tuệ phải thông suốt tất cả mọi việc, mọi loài. Nguyện này của Phật Dược Sư cũng là nguyện của các vị Bồ tát và A la hán trên bước đường tiến đến quả vị Phật.

Trong ba thân của Phật là Pháp thân, Báo thân và ứng hóa thân, hào quang tiêu biểu cho Pháp thân Phật. Đức Phật Dược Sư đã thành tựu ba thân như vậy. Chúng ta nương theo Phật Dược Sư để được ba thân như Ngài; đó là hướng tu theo Đại thừa, không phải tu mà không được gì. Nương theo nguyện của Đức Phật Dược Sư để tu thì nguyện của chúng ta và nguyện của Phật tương ưng, nên tiếp nhận được lực Phật gia bị.

Pháp thân Phật bao trùm khắp tam thiên thế giới, nhưng chúng hữu tình vì bị vô minh nghiệp chướng ngăn che, cho nên không thấy Pháp thân Phật. Với căn lành sâu dày và niềm tin sâu sắc, chúng ta nhận chân được Pháp thân Phật không nhập diệt, Đức Phật vẫn hằng hữu và nương theo ánh quang Phật hằng hữu, hay hướng về Pháp thân Phật tu hành, trí tuệ chúng ta được phát triển. Phải nói đó là điều kỳ diệu mà tôi tâm đắc. Theo quan niệm thông thường, tuổi trẻ thì học dễ thuộc, tuổi trung niên thì phán đoán tốt và tuổi lớn thì trí nhớ kém lần. Nhưng đối với người tu thì ngược lại, có thể tuổi lớn sức khỏe kém, nhưng tinh thần cao và nếu phát huy được trí tuệ và sống với trí giác, tâm trí chúng ta càng sáng hơn, nhạy bén hơn, thấy biết mọi việc không sai lầm cũng như dễ dàng thâm nhập yếu lý của Phật dạy. Thực tế cho thấy khi đời sống vật chất lên cao, tinh thần thường bị sa sút. Ngược lại, sống đạm bạc nhưng tinh thần vững mạnh. Điển hình là khi Đức Phật vào Thiền định ở Bồ đề đạo tràng, vì không ăn uống nên bề ngoài thân Ngài ốm yếu, nhưng lúc đó, tinh thần của Phật được phát huy tột độ, trí Ngài bừng sáng vô cùng và Ngài chứng được Tam minh, Lục thông, thấu suốt tiến trình sinh trụ hoại diệt của muôn loài trong khắp Pháp giới.

Tu đúng chánh pháp, nương được Pháp thân Phật, thì tuổi càng lớn, càng nhớ lại được thời thơ ấu và nhớ cả quá trình tu hành trong những kiếp quá khứ, là chứng được Túc mạng minh. Tuy sức khỏe kém vì tuổi lớn, nhưng không bị ngũ ấm ngăn che, không có đòi hỏi vật chất như tuổi trẻ, cho nên tinh thần không bị mê mờ. Đó chính là ý nghĩa nương được Pháp thân Phật, hay trí tuệ Phật mà phát huy trí tuệ hay Pháp thân của chúng ta, có được nhận thức sáng suốt, ít phạm sai lầm. Người tu phải khác người không tu. Người đời khi sức yếu thì tinh thần mờ kém, nhưng chúng ta tu hành, tuy tuổi lớn, sức khỏe kém mà tinh thần thăng hoa vì đã cắt bỏ được phiền não trần lao, đã vượt được sự chi phối của vật chất, đã sống với thế giới tâm linh trong sáng.

Nguyện thứ hai của Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, hào quang rực rỡ chiếu khắp mười phương. Các chúng hữu tình ở nơi tăm tối cũng thấy thân ta và được an lành, tùy tâm mãn nguyện”. Nguyện thứ nhất phải biết được tất cả mọi việc, mọi loài đã khó, mà nguyện thứ hai còn khó hơn nữa, là phải làm được tất cả. "Làm được tất cả” thể hiện qua thân như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, hào quang rực rỡ… Thành tựu thân phước đức và trí tuệ như thế tiêu biểu cho Báo thân Phật mới có khả năng giáo hóa, cứu độ chúng sanh. Người phiền não, bệnh hoạn, khổ đau, trí kém lo cho bản thân còn không xong, nói chi đến cứu giúp người. Muốn hành Bồ tát đạo, cứu đời, phải tốt thực sự, không có lỗi lầm, không có tỳ vết ví như ngọc lưu ly. Phải rèn luyện phước đức và trí tuệ hoàn hảo là hai việc chính yếu để thành tựu quả vị Phật. Thiết nghĩ những việc này để dành cho các vị A la hán, còn chúng ta chưa làm được, vì người ở cạnh bên, mình còn không biết họ nghĩ gì, nói chi biết được tất cả các loài. Phật dạy các vị A la hán phải tịnh hóa thân tâm, trong sạch hoàn toàn và hiểu biết chính xác mọi việc, mới khởi tu Bồ tát hạnh.

Theo tôi, phước đức trí tuệ còn kém thì việc khởi tu của chúng ta là cố gắng không phạm sai lầm, nhất là không làm mất lòng những người xung quanh. Tuy ta không sai lầm, nhưng trong cuộc sống, tất yếu có người hiểu ta và người chưa hiểu ta. Người chưa hiểu cũng không sao; có thể về sau, ta càng tiến xa trên đường đạo thì người mới hiểu ta nhiều hơn. Khi tôi từ Nhật trở về Việt Nam, một số người nói rằng để xem tôi tu được bao lâu. "Đông Kinh đi dễ khó về”. Chẳng trách họ, vì họ đã thấy có người sang Nhật rồi không tu nữa, không trở về nước. Nay tôi đã 70 tuổi vẫn an trụ trong nhà Phật pháp thì họ tự hiểu sự sai lầm của họ. Cố gắng bào chữa, giải thích hay cãi lại chỉ làm mất thì giờ mình và nghiệp chướng của mình cũng tăng thêm, cuối cùng không tu được.

Nguyện của Đức Phật Dược Sư là nếu người quán tưởng được Báo thân của Ngài thì thân của họ cũng thay đổi tốt đẹp, trong sạch. Tùy theo mức độ cảm tâm của chúng ta về Phật, cảm được một phần thân nào của Phật, chúng ta có được phần hảo tướng đó. Hiểu ý này, cái gì xấu ác, chúng ta không dám nhìn, sợ bị in vào tâm trí mình. Chỉ hướng tâm về Phật, tạo độ cảm với Phật bằng cách thường chiêm ngưỡng và lễ lạy tượng Phật đẹp để nghĩ về Báo thân Phật, lâu ngày hảo tướng chúng ta sẽ hiện ra. Nương Báo thân Phật để tự phát huy Báo thân mình; tất cả tỳ vết nhơ bẩn của thân tâm nhờ nương Phật mà được trong sạch lần.

Ngoài Pháp thân và Báo thân, để thể hiện lòng từ bi vô lượng đối với tất cả chúng sanh, Đức Phật đã hiện thân trong tất cả loại hình chúng sanh để cứu khổ ban vui. Thí dụ để dìu dắt loài người thoát khỏi đường hiểm sanh tử, trở về thế giới vĩnh hằng bất tử, Đức Phật đã hiện hữu trong loài người với sanh thân tứ đại giống như mọi người. Sanh thân Phật được gọi là ứng thân. Và sanh thân Phật vắng bóng trên cuộc đời, nhưng Pháp thân Phật vẫn hằng hữu và ảnh hưởng đến những người có căn lành, khiến họ có cuộc sống theo Phật, làm theo Phật, suy nghĩ theo Phật, nói năng theo Phật, thì người đó được xem là hóa thân Phật; vì họ tiêu biểu cho hình ảnh Phật ở thế gian và thay Phật thuyết pháp giáo hóa độ sanh. Kết hợp ứng thân và hóa thân gọi là ứng hóa thân Phật. Ứng hóa thân Phật trong loài người rất quan trọng cũng như Pháp thân và Báo thân Phật vậy. Vì đó là thân phương tiện của Phật để cứu độ mọi người; nếu không có ứng thân, hóa thân Phật, chúng ta không thể nào thấy biết Pháp thân và Báo thân của Phật và Ngài cũng không thể nào tiếp cận và chỉ dạy mọi người.

Để trải tâm Từ đến muôn loài mọi giới, Đức Phật phải có thiên bá ức hóa thân và Ngài cũng phải có vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh từng bước ra khỏi sanh tử. Đó là việc giáo hóa độ sanh mà các Đức Phật đã làm, các vị Bồ tát đang làm và các vị A la hán sẽ làm. Vì vậy, nguyện thứ ba của Đức Phật Dược Sư tiêu biểu cho ứng hóa thân của Ngài để giúp cho mọi người trên cuộc đời này được an vui hạnh phúc: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, dùng trí phương tiện dạy chúng hữu tình khiến tin lẫn nhau, làm cho dân giàu nước mạnh”.

Ba đại nguyện đầu tiên của Phật Dược Sư hay ba việc khó làm mà Ngài đã thành tựu viên mãn và chư Bồ tát cùng các vị A la hán đang thể nghiệm cho được. Còn chúng ta là những người cần được Phật cứu độ, cho nên chín nguyện tiếp theo mà Đức Phật Dược Sư phát nguyện nhắm đến đối tượng chính là chúng ta.

Nguyện thứ tư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có hữu tình tu theo tà đạo thì ta khiến họ trở về chánh đạo, nếu theo Nhị thừa thì ta khiến họ cầu Vô thượng giác”. Đó là nguyện của Phật Dược Sư và cũng là việc làm mà Phật Thích Ca đã từng thể hiện trên bước đường giáo hóa độ sanh. Những người tu theo tà đạo đã được Phật chuyển hóa, giúp họ cải tà quy chánh, như năm anh em Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ba anh em Ca Diếp, v.v… đều là giáo chủ của những tà đạo thời ấy. Phật cho biết những người này đã kết duyên với Phật nhiều đời, nhờ căn lành này mà gặp lại Phật, Ngài mới chuyển hóa được các vị này. Thí dụ ở kiếp quá khứ xa xưa, tiền kiếp Phật là Tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục, Kiều Trần Như là vua Ca Lợi đã cắt thân Phật, nhưng không sát hại được Ngài. Tấm lòng bao dung độ lượng của Phật đã khiến ông hối hận và kính phục Ngài. Nhân duyên với Phật trong kiếp quá khứ như vậy, nên hiện đời Kiều Trần Như gặp Phật mới phát tâm theo Ngài tu học. Kinh Pháp Hoa gọi đó là hạt châu trong chéo áo, tức người có trồng căn lành với Phật quá khứ thì hiện đời mới cảm tâm Phật và hết lòng tu. Còn tu bắt chước theo hình thức, khó có kết quả tốt. Do đó, có căn lành và phát tâm Bồ đề là có hạt châu rồi tu, thì thân tứ đại này ví như chiếc áo rách ta không màng tới, mà chỉ quan tâm đến phát huy Pháp thân và Báo thân, cho nên Pháp thân và Báo thân được tăng trưởng nhanh chóng. Những người như vậy mà lỡ theo tà đạo, Phật cũng chuyển họ trở về chánh đạo.

Nếu tu theo Nhị thừa, Phật sẽ khiến họ cầu Vô thượng Chánh giác. Theo Nhị thừa là lo tu giải thoát cho riêng mình. Phật sẽ khiến họ phát tâm rộng lớn hơn để cứu độ người khác. Khi Phật đề cao các vị Bồ tát thường cứu giúp người, các vị Thanh văn nói rằng họ sống hạnh Sa môn, không có tài sản, làm sao giúp được ai. Phật dạy rằng tấm lòng thương người quan trọng hơn tiền của đem cho. Tấm lòng vị tha càng lớn, việc càng tốt. Không có tâm Từ mà đi bố thí, thực tế cho quà không đáng bao nhiêu, nhưng xem thường người là phạm tội lớn. Một số người bố thí lâu ngày trở thành khó tính, phiền não, sẽ mất phước, bị nghèo khổ. Cần ý thức rằng tâm Từ mở rộng bao la, việc nào cũng trở thành Phật pháp. Thậm chí, nếu mình xấu xí, bị chế giễu để làm người vui, mình mở tâm Từ, chấp nhận; vì không có gì cho người, thì cho họ chút niềm vui như vậy cũng tốt.

Phật dạy các Tỳ kheo để dành chút cơm thừa trong bát cho chim, cá ăn, với tấm lòng thương xót, có thể chia sẻ, bố thí cho chúng. Sau này, chúng hóa kiếp, có thể trở thành bạn. Hoặc đổ nước rửa bát cho trùng dế ăn, hoặc nước sôi để nguội mới đổ xuống đất để các côn trùng khỏi chết. Phát tâm Bồ đề để độ chúng sanh thì trên cuộc đời này có rất nhiều việc để làm và ai cũng làm được.

Ngoài sự suy nghĩ sai lầm rằng không đủ tiền của, sức lực để cứu giúp người, nên không tu Bồ tát đạo, cũng có người e ngại tu Bồ tát đạo khó khổ vô cùng. Điển hình như Xá Lợi Phất thoái Bồ đề tâm, muốn trụ hạnh Thanh văn. Điều này dễ hiểu, hướng dẫn người xấu trở thành người tốt không đơn giản, khó giáo hóa được chúng sanh cang cường và nhiều nghiệp chướng. Ẩn tu Thanh văn để không bị ai quấy rầy, tâm được yên ổn dễ dàng. Còn hành Bồ tát đạo có công đức, nhưng chắc chắn khó lắm. Thực tế chúng ta thấy khuyên người nghe theo việc thiện, họ vui vẻ đồng ý, nhưng chỉ ít phút sau, gặp người ác dụ dỗ là họ lại đổi ý, đi theo đường tà.

Đức Phật cho biết Xá Lợi Phất đã tu sáu mươi tiểu kiếp và khi phát tâm Bồ đề, gặp việc bất như ý, ông liền trở lại con đường Thanh văn, không tu Bồ tát đạo nữa. Hiểu được sự khó khăn của Bồ tát đạo, Phật đã dùng vô số phương tiện để khuyến khích những người có điều kiện mang an vui cho đời không nên bằng lòng với quả vị giải thoát cho riêng mình, mà nên trải tâm từ bi và trí tuệ đến cho nhiều người; đó là Bồ tát đạo, con đường dẫn đến quả vị Toàn giác như Phật. Theo kinh nghiệm riêng tôi, hành Bồ tát đạo chúng ta cần theo đuổi, nhưng xin đừng nặng lòng. Một số Thầy có đệ tử bỏ tu thường cảm thấy buồn khổ, tiếc nuối. Nhưng với tôi, ông đạo xin hoàn tục, tôi cũng hoan hỷ chấp nhận. Đừng nặng lòng, đừng kỳ vọng ở họ, họ trở về tu tại gia cũng tốt thôi, không thể ép được, cái gì kéo thẳng quá cũng đứt. Hành Bồ tát đạo phải có trí tuệ, không nên cực đoan, không cố chấp; việc được mất thành bại không quan trọng. Mục tiêu của chúng ta là chuyển hóa tâm người. Khi họ chưa đủ duyên để sống cuộc đời phạm hạnh, nhưng chúng ta đã chuyển hóa được tâm họ hướng về Phật pháp. Như vậy, hạt nhân tốt đã gieo vào tâm thức họ rồi, tuy chưa kết thành hoa quả tức thì, nhưng hạt giống có sẵn rồi, phải chờ đủ duyên lành, không thể hối thúc. Sáng suốt thấy rõ bản chất của sự việc, để giữ tâm ta thanh tịnh cũng như nuôi lớn hạt giống Bồ đề cho người hữu duyên với ta, mới có thể vững tiến trên lộ trình Bồ tát đạo.

Nguyện thứ năm của Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có hữu tình ở trong giáo pháp tu hạnh thanh tịnh thì ta khiến họ đầy đủ tam tụ tịnh giới. Nếu ai hủy phạm mà nghe danh ta, tâm liền thanh tịnh, không đọa ác đạo”. Tôi cảm nhận sâu sắc ý này. Phát tâm Đại thừa, sống trong giáo pháp Phật, Ngài sẽ bảo hộ chúng ta, khiến hoàn cảnh chúng ta trở thành yên ổn, tốt đẹp, giúp chúng ta dễ dàng tiến tu. Nếu ở trong chánh pháp đã phát tâm tu Bồ tát đạo, nhưng chưa đủ trí tuệ và nghiệp chướng còn nhiều, chắc chắn sẽ phạm lỗi lầm và bị ray rứt khổ đau vì tội lỗi. Vì thế, Phật Dược Sư nguyện gia bị cho người lỡ phạm tội, sợ bị đọa tam đồ, để họ được yên tâm hành Bồ tát đạo. Chỉ cần hướng tâm về Phật Dược Sư, thì Ngài sẽ phóng quang gia bị cho tâm ta thanh tịnh, không đọa ác đạo. Cần hiểu rằng nghiệp đã tạo tất nhiên sắc thân này phải trả nghiệp báo, không thể khác. Thân phạm tội không sám hối được, bị bỏ rơi, không thể sống trong đại chúng. Phật ví như cây dừa chặt đứt ngọn không thể lên được, hay hòn đá bị vỡ ra không gắn lại được. Thân phải trả nghiệp, nhưng tâm được Phật cứu độ. Tâm thanh tịnh an lạc nhờ Phật bảo bọc, nên không bị đọa.

Ý thức được sự gia bị của Phật trên tâm chúng ta như vậy, trên bước đường tu, chúng ta chấp nhận mọi chỉ trích của người như là sự trả nghiệp trên phần sắc thân và phải luôn giữ cho tâm mình thanh tịnh để có thể tương thông với tâm Phật, tiếp nhận được tâm Phật, thì sẽ chuyển hóa được thân sau tốt đẹp, giống như bỏ chiếc áo rách dơ bẩn để có áo khác sạch đẹp. Người mang thân tội lỗi, khổ đau, không thể trả nổi nợ tiền bạc, nợ tình cảm, nợ sinh mạng…, cho nên nhắm mắt lại là thấy những chủ nợ này níu kéo đòi trả. Tụng kinh Dược Sư, nghĩ đến Phật Dược Sư, Ngài sẽ bảo vệ tâm họ không bị ảo giác này chi phối, tâm được Phật cưu mang, bảo vệ cho thanh tịnh để vào thế giới Phật.

Nguyện thứ sáu của Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có hữu tình thân hình hèn hạ, không đủ sáu căn, xấu xí khờ khạo, tai điếc mắt mù, nói năng ngọng liệu, tay chân tật nguyền, lác hủi điên cuồng, chịu nhiều khổ não. Nghe được danh ta, liền được khỏi bệnh, thân hình đoan chánh, trí huệ sáng suốt”. Điều này nói về những người bị hoàn cảnh bất như ý, vì đời này phải gánh lấy túc nghiệp là nghiệp đời trước đã tạo, nên sanh trong đời này phải mang những thân bệnh tật như thế. Nhưng biết đó là nghiệp của mình, phát tâm nương theo Phật Dược Sư tu hành, được Ngài gia bị, từng bước cũng tháo gỡ từ bệnh nhẹ cho đến nặng sẽ được giảm bớt hoặc khỏi bệnh. Riêng bản thân tôi, từ nhỏ cũng nhiều bệnh, nhưng may mắn chữa lành được, nhờ có niềm tin với Phật, tu theo Phật, Phật khiến người tốt tìm đến dẫn đi bác sĩ giỏi, hoặc chỉ cho thuốc uống đơn giản mà khỏe mạnh.

Bị bệnh tật thường đau khổ, cái chính là khổ tâm, tức rơi vào hoàn cảnh xấu, nhưng vì tham vọng lớn quá, muốn giàu, muốn đẹp, muốn giỏi…, trong khi mình xấu xí, nghèo khổ, ngu dốt thì bị người coi thường, chà đạp, nên càng bực tức, khổ sở hơn nữa. Khi phát tâm tu theo Phật, thử nghĩ sắc đẹp, địa vị, giàu sang, khen chê của con người ở thế giới sanh tử có còn cần thiết đối với chúng ta hay không. Dĩ nhiên là không.

Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm

Danh lợi lòng băng với bão đêm.

Tâm hồn chúng ta lạnh lùng với những thứ bèo bọt đó rồi, không quan tâm đến tiền tài, sắc đẹp, lợi danh…, đau khổ trong lòng tự tiêu tan. Sống với cái thực của mình chắc chắn sẽ được thanh thản liền. Còn muốn không được, rồi lại sống giả dối thì chỉ càng khổ thêm mà thôi. Người thế gian thường chê: Xấu ưa làm tốt, dốt ưa nói chữ. Từ bỏ cách sống giả dối, sống đúng với phước báo của mình, đứng đúng vị trí của mình, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng; tâm thanh tịnh thì thân theo đó cũng được khỏe ra.

Nguyện thứ bảy của Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có hữu tình mang bệnh hiểm nghèo không người chứu chữa, không chỗ cậy nhờ, nghèo cùng khốn khổ. Nghe được danh ta, liền được khỏi bệnh, thân tâm thanh tịnh, quyến thuộc sum vầy”. Bị bệnh nguy hiểm, bà con bạn bè kinh sợ, không dám gần gũi cho đến xa lánh. Nếu phát tâm tu hành nương theo gia trì lực của Đức Phật Dược Sư, khiến có người đến giúp đỡ; hay cao hơn nữa, không chữa bệnh bằng thuốc mà chữa bằng tâm niệm, bằng cầu nguyện cũng hết bệnh, nhưng trường hợp này hiếm người được. Phần lớn là may mắn gặp bác sĩ giỏi, thuốc hay nên được lành bệnh.

Nguyện thứ tám của Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có hữu tình mang thân phụ nữ chịu nhiều đau khổ, muốn cầu ra khỏi. Nghe được danh ta, thân tâm thanh tịnh, đủ tướng trượng phu, tiến đến Vô thượng Bồ đề”. Điều này nên hiểu rằng muốn chuyển thân nữ thành thân nam cần chuyển đổi tánh người nữ thành tánh trượng phu. Tánh người nữ hay nghiệp của người nữ thường ủy mị, yếu đuối, thích nương tựa, dễ phiền muộn, ưa ganh tỵ, thích rắc rối, v.v…, nói chung là tâm tánh bất thường, không định tĩnh. Nếu có căn lành, quyết tâm tu và nương theo sự gia hộ của Đức Phật Dược Sư, tâm hồn sẽ được thanh thản, sáng suốt, chẳng những không còn bị khổ sở vì những tánh xấu của nữ nhi thường tình, mà còn làm được những việc của nam giới, hay hơn cả nam giới. Thực tế cho thấy ngày nay trên khắp thế giới có nhiều phụ nữ tài giỏi, thông minh, họ làm lãnh đạo thành công, quyết đoán không thua kém gì nam giới. Chuyển tánh nữ thành tánh trượng phu được, còn chuyển sắc thân người nữ thành thân nam thực tế chúng ta chưa thấy ai làm được.

Như vậy, chuyển đổi thân là Báo thân phải được chuyển đổi trước thì đương nhiên thân tứ đại không bị những nghiệp xấu ác chi phối, đòi hỏi. Thật vậy, kinh Đại thừa dạy luôn nhắm vào việc cải đổi tâm là chính yếu. Báo thân chuyển thì sanh thân sẽ chuyển theo; hoặc sanh thân trong hiện đời không chuyển đổi được thì bỏ sanh thân này sẽ có sanh thân khác tốt đẹp hơn, vì đã xây dựng được Báo thân, tùy theo phước báo thế nào đời sau sẽ có hảo tướng tương ưng như thế, cũng như sẽ tái sanh vào nơi tốt đẹp tương xứng. Trên lộ trình Bồ tát đạo, lấy Báo thân là thân phước đức, trí tuệ làm chính; vì như đã nói, có được Báo thân hoàn hảo mới dẫn đến quả vị Phật. Chuyển Báo thân đau khổ, hèn yếu thành Báo thân thánh thiện của trượng phu sẽ có nhiều thuận lợi hơn để tiến đến Vô thượng Bồ đề; không phải làm thân đàn ông phàm phu để làm quan, làm vua, làm giàu..., vì thực sự còn mang nghiệp thân vào để bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi, thì thân đàn ông hay đàn bà gì cũng đều phải khổ cả.

Nguyện thứ chín của Đức Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có hữu tình sa vào lưới ma, tà giáo ràng buộc, ta dùng phương tiện khai thị cho họ, khiến khỏi đường mê, tu hạnh Bồ tát, chứng quả Vô thượng Bồ đề”. Một số người vì hoàn cảnh, lỡ theo tà giáo, bị họ ràng buộc, không dám bỏ, vì sợ bị bùa chú làm hại. Nhưng khi quyết tâm theo Phật, nương theo lực gia trì của Đức Phật Dược Sư, tà ác tự tan rã, mọi việc đều tốt đẹp. Hoặc người sa vào lưới ma, đó là bốn thứ ma: ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma, và tử ma ràng buộc. Phật Dược Sư khai thị cho chúng ta nhận ra tất cả những ma này đều là ảo giác; chỉ cần nương theo giáo pháp Phật dạy để trụ tâm, chúng ma này tự biến mất, hay những ảo giác này tự tiêu tan. Theo kinh nghiệm riêng tôi, dùng trí suy nghĩ khó nhận ra ý này, nhưng dùng vô lậu trí trong Thiền định dễ dàng nhận ra được cảnh giới ma này không có thực, chúng chỉ là ảo giác. Thấy biết đúng bản chất của ma như vậy, chúng ta không bị vướng mắc, không sợ sệt, không đối phó, thản nhiên thấy chúng như những kẻ qua đường, thì tự động các ma này biến mất và tâm ta vẫn an trụ cảnh giới vô sanh Niết bàn.

Nguyện thứ mười của Đức Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có người nào do vì vô minh, phạm phải sai lầm, nên bị giam cầm chịu nhiều đau khổ. Nghe được danh ta, tất cả khổ ấy liền được tiêu trừ”. Người lỡ phạm sai lầm, bị giam cầm, rất khổ; nhưng nghe danh Phật Dược Sư, phát tâm cầu nguyện. Nhờ hướng tâm về Phật, nghĩ nhiều đến Phật, nên tướng tội lỗi mất và hiện tướng hiền lành, có thể không bị hành hạ, hoặc được giảm án. Xưa kia, năm 1963, trong phong trào tranh đấu của Phật giáo, tôi bị mật vụ của ông Diệm bắt. Tôi chỉ chuyên tâm niệm Phật, không khởi bất cứ ý nghĩ gì khác, thực sự họ đã đối xử tốt với tôi và cuối cùng cũng thoát chết. Hoặc không thoát khỏi vòng tù tội, phải chịu hành hạ thân xác, nhưng không khổ tâm nhờ tiếp nhận lực Phật gia bị. Trước cái chết, vẫn thanh thản, đó là Bồ tát thân thọ hình, nhưng tâm không thọ khổ. Nói cách khác, con người phạm sai lầm thì chết, bỏ xác thân tứ đại, nhưng chân linh không chết vì đã được Đức Phật Dược Sư bảo bọc, tiếp rước. Còn người không tu, thân tứ đại đã đau khổ vì ngục tù mà thân ngũ uẩn của họ còn đau khổ hơn nữa; cho nên thần thức phải bị đọa lạc vào những cảnh giới xấu ác tương ưng với nghiệp báo đã tạo.

Nguyện thứ mười một của Phật Dược Sư: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có người nào nghèo cùng, đói khát, vì cầu thức ăn mà tạo nghiệp ác. Nghe được danh ta, chuyên lòng thọ trì, thì ta khiến họ có đủ vật thực và dạy pháp Phật, khiến cho họ được Vô thượng Bồ đề”.

Nguyện thứ mười hai: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ đề, nếu có người nào nghèo cùng hèn hạ, không có áo mặc, muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu. Nghe được danh ta, chuyên lòng thọ trì, thì ta khiến họ có đủ đồ dùng, y phục tốt đẹp, của báu dư thừa”.

Hai nguyện này của Đức Phật Dược Sư trải lòng Từ ban vui cứu khổ những người kém phước, chịu đau khổ tột cùng. Nhớ nghĩ đến Phật Dược Sư, Ngài cũng sẵn sàng cưu mang, cho đủ vật thực, đồ dùng để sống, để tu; còn tham vọng chắc chắn không được. Kinh nói như vậy và trên thực tế chúng ta thấy rõ ý này. Những người nghèo đến chùa công quả cũng được cơm ăn, áo mặc và hết lòng làm việc cho Phật, cố gắng nương theo giáo pháp của Phật tu hành, để bòn mót công đức, không khởi tâm đòi hỏi gì, thì từng bước cuộc sống cũng khá lên và từ đó tích tụ nhân lành, cho đến một kiếp vị lai nào đó làm đủ hạnh Bồ tát cũng thành Phật.

Tóm lại, đọc tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ về mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và phát tâm tu, thực hành đúng giáo pháp Phật dạy trong cuộc sống, chắc chắn tất cả đệ tử Phật đều tiếp nhận được Phật lực gia bị, đều thoát khỏi khổ đau, đều được thăng hoa phước đức, trí tuệ. Thành quả tu tạo được lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, tùy thuộc ở mỗi chúng ta thể hiện tâm lực, nguyện lực, hạnh lực đến mức độ nào trên bước đường đi theo dấu chân Phật.

Mong rằng tất cả hành giả của các đàn tràng Dược Sư đều thâm nhập được thế giới Tịnh Lưu Ly, diện kiến được Đức Phật Dược Sư, chư vị Bồ tát cùng mười hai vị Dược Xoa thần tướng và tiếp nhận được lực gia trì của các ngài, để thân luôn được bình an, trí luôn sáng suốt và gặt hái được những gì tốt đẹp nhất theo Phật dạy.

HT Thích Trí Quảng



Có phản hồi đến “Ý Nghĩa 12 Đại Nguyện Của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com