Mục Lục

41. Niệm Phật, trì chú, thiền, hàng vạn pháp môn Phật, người Phật tử sơ phát tâm nên tu pháp môn gì là dễ dàng nhất?

Pháp Phật như thuốc trị bệnh vậy, bệnh nào thuốc đó. Cần có một vị thầy hướng dẫn để tu tập như cần bác sĩ kê toa đúng bệnh vậy. Ngoài ra, không có pháp nào phù hợp với tất cả căn duyên cả.

Hơi thở! Hãy dùng hơi thở, cái trước mắt mà lâu nay bạn bỏ quên. Lúc động hay tịnh, loạn hãy nhớ đến hơi thở. Hơi thở sẽ giúp bạn dễ kiểm soát được cảm giác, cảm xúc của mình. Có như vậy mới kiểm soát được ý tưởng, tâm niệm của mình. Chỉ một động tác hít vào thở ra, không cần biết đến cái gì đang xảy ra trong tâm bạn. Để nó tự sanh tự diệt (vì bản chất của tâm là như vậy). Lúc nào tâm động quá hãy nhìn thẳng vào nó, nó sẽ mất.

42. Giữa rừng pháp môn và kinh chú, Phật tử nên tụng kinh hay đọc chú nào là có an lạc hay được sự linh ứng nhất?

Phật tử thường đọc các kinh chú thông dụng như niệm Chú Đại Bi, chú Vãng Sanh, Ngũ Bộ Chú. Còn sự linh ứng và an lạc tùy thuộc vào người trì niệm.

43. Phật tử chỉ nên y giáo phụng hành lời của các bậc thầy, tổ sư chỉ dạy hay có được thắc mắc trở lại không? Có phải luôn thực thi, đặt mọi niềm tin lên bậc bổn sư thì đó mới là một Phật tử thuần đạo?

Chân lý cần phải được phản biện để làm sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp nên tin tuyệt đối vì mình không có khả năng hiểu biết hay nhìn nhận được. Ví dụ như Phật dạy ở Phương tây có cõi Phật A Di Đà, chỉ có Phật mới có đủ khả năng biết được, mình làm sao chứng minh được?

Phật tử mới nhập môn nên y giáo phụng hành những lời dạy của minh sư. Thầy xin nhắc lại là phải minh sư, bởi thời gian đầu rất quan trọng, cần sự nhất tâm. Sau đó, có thể tìm hiểu lời của sư phụ hàm ý gì, nghĩa là theo ý, chẳng theo lời. Nếu có thắc mắc nên hỏi để sáng tỏ. Theo thầy tổ, có ba giai đoạn:

- Trước tiên nương theo thầy

-Sau nương theo pháp

-Sau hết nương vào chính mình

Một bậc minh sư đào tạo đệ tử không phải để giống mình, trở thành cái bóng của mình mà dạy đệ tử đến khi họ không cần mình nữa. Nếu có được đệ tử hơn mình càng tốt. Như vậy, đạo Phật càng sáng tỏ,rạng danh như người xưa có câu “Con hơn cha là nhà có phúc.”

44. Theo thượng tọa, một Phật tử thuần thành là một người nên như thế nào?

Một Phật tử thuần hành trước hết phải tu sửa ổn định bản thân mình và gia đình trước. Sau đó, tùy khả năng tài chánh, trí lực của mình mà đóng góp hộ trì Tam Bảo và xã hội. Tức là lợi mình, lợi người. Xưa Đức Khổng Tử hỏi đệ tử:

-“ Thế nào là người nhân? Thế nào là người trí?

Câu trả lời được Ngài ưng ý nhất là:

-“Người nhân là người biết thương mình trước.’ “Người trí là người biết mình trước.”

Do đó, nếu một người mới biết đạo, đọc đủ thứ kinh sách rồi vội vàng đem khuyên dạy người khác mà mình chưa làm được liền bị người khác chê cười, phản tác dụng.

Vì vậy, một Phật tử thuần hành trước hết phải làm tốt cho mình, lấy giới định tuệ để trang nghiêm thân. Sau đó, Phật tử ấy mới có thể nói đến chuyện giúp đời hay hộ trì tam bảo.

45. Tu thiền hay tu tịnh độ hay mật tông mới được chánh định, nhất tâm bất loạn, có sự linh ứng. Nhất tâm bất loạn hay chánh định là như thế nào?

Pháp môn nào cũng cần có sự niêm mật. Nhất tâm bất loạn là nói về tu niệm Phật. Thiền thì gọi là chánh định. Tuy nhiên, tu bao nhiêu đó chưa đủ, còn huệ thì sao?

Tu thiền, tịnh hay mật đều cần chánh định, nghĩa là tâm gom vào một chỗ ngày đêm không rời không loạn. Được như vậy hay phát sanh sự linh ứng. Nếu hành giả chấp vào chỗ này, dừng lại chỗ này rồi sanh bản ngã hoặc vội vàng đi hóa đạo sẽ dễ bị thối thất. Vì chỗ nhất tâm mới là tan an ổn. Phải chứng đạo, ngộ đạo rốt ráo mới được.

Xưa Đề Bà Đạt Đa đã đắc tứ thiền mà vẫn khởi tâm tham muốn “tranh dành với Phật” nên sa đọa. Trong đời này, từng có những vị đắc định, tưởng đã xong, đi hành đạo, có người rớt, có người sanh ngã mạn, phát ra những tư tưởng lạ đời. Đắc định, nhất tâm chưa đủ mà cần phải vào tánh không, tâm không mới đủ.

-Thiền thì có tánh không, mật thì có Đại Thủ Ấn, niệm Phật có Bát Nhã Niệm Phật. Đạt đến chỗ này mớ gọi là an toàn.

46. Làm thế nào để biết là pháp môn hay con đường mình chọn lựa tu tập là đúng theo lời Phật dạy?

Hãy tin sâu vào nhân quả, hiểu rõ nhơn duyên, làm lành lánh dữ, tu tập từ bi, nhẫn nhục. Còn nếu đi vào những pháp duyên tu thì cần một vị thầy hướng dẫn, hoặc dựa vào bát chánh đạo tứ niệm xứ, lục độ … Mình thấy thích hợp với pháp môn nào thì áp dụng pháp môn đó. Nói chung những cách tu trên đều đúng theo lời Phật dạy cả.

Người tu đúng pháp chắc chắn sẽ an lạc.

47. Tín, Hạnh, Nguyện theo thượng tọa là như thế nào? Làm sao để vững tâm vào tín hạnh nguyện?

Tín, hạnh nguyện hiểu theo nghĩa thông thường là tin sâu, hành thâm, nguyện thiết. Muốn thực hiện ba điều này bạn phải có cách kết hợp với Phật và cõi Phật. Theo thầy, có hai cách:

1. Hằng ngày khi làm bất cứ việc thiện gì, bạn liền hồi hướng công đức vãng sanh Tịnh độ

2. Khi bạn nói hoặc làm gì, cảm thấy có tội, liền niệm Phật, cầu xin sám hối ngay

Như vậy bạn sẽ có dịp nghĩ đến niệm tưởng về Tịnh Độ nhiều hơn, lo gì không gần gũi được với Phật, kết nối thường xuyên về Cực Lạc.

48. Người tu niệm Phật nguyện vãng sanh khi mất đi được khuyên phải ráng cố gắng niệm Phật ít nhất là tám tiếng và khi có xuất hiện thoại tướng hoặc nóng ấm các vùng trên cơ thể để biết được sanh về cảnh giới nào? Điều này là có đúng không?

Xưa chư tổ dạy khi người tu mới chết thì đại chúng trợ niệm đến tám tiếng đồng hồ mới cho đụng vào cơ thể người mất. Vì trong tám tiếng đó thần thức của họ còn bám vào cơ thể nên đụng vào họ có cảm giác khó chịu, sanh sân hận, khó vãng sanh hoặc về cảnh giới lành. Có thoại tướng hay không là không phải do mình quyết định, do duyên mới có.

Gần đây những ban hộ niệm mới chấp trước chờ niệm Phật đến khi có thoại tướng mới giao cho gia đình người mất nhập niệm. Đây là một sai lầm lớn. Vì khi niệm Phật họ đã khởi tâm mong cầu, như vậy cho nên ma cảnh dựa vào xác người làm cho ấm hoặc tươi hồng, bất lợi cho người chết lẫn người sống.

Có một Phật tử khi mất, ban hộ niệm niệm Phật đến 24h, thấy xác tươi hồng mới giao cho người nhà làm lễ nhập quan. Họ cho rằng người chết đã siêu. Đâu ngờ sau đó, cô Phật tử tức người chết thường quay về quấy phá. Có lẽ khi chết cô ấy không cam lòng, còn quyến luyến. Một bữa nọ, cô ấy còn tính nhập vào đứa em gái. May mắn thầy đã phát hiện kịp và đã ngăn lại.

49. Tín đồ các tôn giáo khác có được tu tập Phật pháp không và ngược lại? Có sự cản trở nào không?

Tôn giáo chỉ để mang lại lợi ích cho con người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nên ai cũng có quyền lựa chọn tôn giáo phù hợp với mình. Còn sự cản trở hay không là do ở người hướng dẫn.

50. Thượng tọa nghĩ sao về vấn đề các thầy giảng pháp chống báng pháp môn lẫn nhau? Vậy Phật tử chỉ nên tu theo một pháp môn duy nhất mới có kết quả hay có thể kết hợp được không?

Đáng buồn và đáng tiếc là xu hướng chống báng các pháp môn hiện nay rất nhiều. Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo phát triển còn gọi là Nam truyền, Bắc truyền, như một cái cây gồm cành lá, hoa quả, sao lại nói khác. Sao không thấy điểm chung của hai hệ phái là lấy ngũ uẩn mà tu? Thật sự không có pháp môn nào phù hợp cho tất cả các căn cơ và trị tất cả mọi loại tâm bệnh cho chúng sanh thì đâu thể nào nói rằng thuốc nhức đầu là tốt hơn thuốc đau bụng.

Trong mỗi người, tồn tại nhiều thứ bệnh tâm. Do đó có thể áp dụng nhiều cách tu khác nhau. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng, đừng nghe lời đồn. Cẩn phải có vị thầy hướng dẫn, hoặc phải trải nghiệm.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “6. Phần 5: Pháp Môn Tu Tập”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com