Ngày xưa, khi một người Nhật ra đời, cha mẹ đưa anh ta vào đền thờ Thần Đạo (Shinto) để hiến anh ta cho Kami (các Thần). Thần Mặt Trời (Amaterasu) tức là Thiên Chiếu Đại Nhân Thần được tôn sùng hơn tất cả, vì vào buổi tạo lập Hòn đảo trời tức là xứ Mặt Trời, Thần Amaterasu được Thần Izanagi (từ trên trời hạ giới) trao chuỗi ngọc và quyền lực trị vì xứ này cùng cai quản tất cả các Kami.

Người Nhật đi lễ ở đền vào dịp năm mới, các ngày lễ, lễ cưới cũng tổ chức theo nghi thức Thần đạo. Thần đạo có nghĩa là: "Con đường của các thần linh", đây là tín ngưỡng bản địa của dân Nhật, đây không phải là một tín ngưỡng có thể chế tổ chức mà bao gồm các truyền thống của các gia tộc thống trị cùng các tín ngưỡng đa dạng, vì vậy mà dân Nhật có tính đặc trưng là sẵn lòng cùng một lúc theo nhiều tôn giáo; đi lễ thì đền Thần đạo; lễ cưới hỏi thì coi ngày tốt xấu theo đạo giáo (Lão giáo); trong quan hệ gia đình, cha mẹ, thân thích theo nề nếp chữ Hiếu Khổng giáo; quan hệ xã hội, làm ăn, ở trường học theo sự tôn kính, trung thành của Khổng giáo; khi nhớ ơn cha mẹ tổ tiên thì cầu khẩn Phật. Dầu là theo Thần đạo, nhưng trong cuộc sống tinh thần gắn liền với nhân sinh quan Phật giáo và mục đích cứu cánh là sự giải thoát, bình an trong cõi Niết bàn.

Quá trình Phật giáo xâm nhập vào vương quốc Nhật Bản ở thế kỷ thứ bốn TL. Từ Trung Quốc, Triều Tiên do người di dân và thương nhân, chính xác không biết thời gian nào. Nhưng vào năm 552 TL theo văn bản Nihon Shoki thì vua xứ Triều Tiên gởi quà cho Hoàng Đế Kimmei trong đó có một tượng Phật và mấy cuốn sách kinh Phật. Ông vua Triều Tiên còn gởi kèm một bức thư như sau:

" Những điều của Đức Phật nói vượt trên tất cả những giáo huấn khác. Lời lẽ khó hiểu và khó nắm bắt, đến cả Chu Công thông thái và đức Khổng Tử cũng chưa hiểu sâu. Nhưng những lời này sẽ mang lại lợi ích không lường và hạnh phúc, giúp người ta an lạc và tiến đến giác ngộ tối thượng. Những lời kỳ diệu này cũng như có được một kho báu đưa đến cho ta mọi thứ, bởi vì khi cầu xin Đức Phật lúc cầu nguyện sẽ được như ý. Do vậy, từ Ấn Độ ở Phương Tây xa xôi đến Triều Tiên ở phương Đông mọi người đều đón nhận những lời này với lòng tôn kính nhất…".

Nhật Hoàng bỗng lâm vào một tình thế khó xử, bởi người Nhật vốn luôn quan niệm Amaterasu và các Kami là những thế lực thiêng liêng mang lại tất cả những lợi ích và ơn phúc cho thế giới này. Họ chưa bao giờ thấy Kami trong tư thế tọa thiền nhắm mắt an nhiên tự tại, bởi từ xưa người Nhật không có vẽ hình, tạc tượng các thần linh. Và cho đến lúc ấy họ chưa thể hiểu được các kinh văn huyền bí kia (kinh Phật giáo).

Hoàng đế Kimmei rất thích các món quà này nhưng ông không quyết định được phải làm thế nào, và ông hỏi ý kiến ba cận thần của mình. Ông bảo: "Ta chưa hề thấy một gương mặt nào cao quí như gương mặt Đức Phật đây, liệu ta có nên thờ không?"

Soga no Iname cảm nhận được sự ưu việt nên đáp: "Sao ta có thể từ chối thờ Đức Phật, bởi các nước phía Tây không trừ nước nào đã tôn thờ Ngài".

Nhưng hai người kia vốn dòng dõi gia đình các tư tế Mononobe và Nakatomi lại nhìn thấy trong việc này có một mối nguy tiềm tàng. Hai ông bác lại rằng: "Theo tập quán, các Hoàng đế Nhật phải thờ các Kami Nhật Bản, nay thờ một Kami ngoại lai thì có thể khiến các Kami quốc gia nổi cơn thịnh nộ".

Nhật Hoàng Kimmei chọn cách dung hòa, đưa tượng Phật cho đại thần Soga bảo mang về thờ riêng để thử nghiệm. Soga hài lòng mang tượng Phật về thờ trong nhà, thực hành theo lời Phật dạy. Một thời gian ngắn sau, một bệnh dịch lan tràn trong đất nước, hai đại thần Mononobe và Nakatomi tâu với Nhật Hoàng rằng tai họa là do Hoàng đế đã không nghe lời khuyên của họ, bây giờ chỉ có thể cứu vãn tình thế bằng cách quẳng bức tượng Phật đi. Nhật Hoàng bèn lệnh cho đem ném bức tượng xuống một con kênh, và vậy là một đám cháy bắt đầu xảy ra quét sạch nhà đại sảnh trong Hoàng cung.

Sang năm sau dân chúng kể rằng nghe tiếng tụng kinh Phật như tiếng sấm vang từ ngoài biển cùng với một vầng sáng lớn như hào quang. Cho người đi kiểm tra thì thấy một khúc gỗ long não phát sáng trôi nổi trên mặt nước. Nhật Hoàng ra lệnh cho tạc một pho tượng Phật bằng khúc gỗ ấy.

Từ đó, ngày càng có nhiều tượng Phật cùng kinh sách đem đến từ Triều Tiên. Rồi các nhà Sư đến giảng dạy Phật pháp, hành thiền, xây dựng Chùa, tạo tượng Phật. Gia đình Soga nhiệt tình hộ trì Phật pháp, đứa con trai là Soga no Umako hộ đạo không mệt mỏi bằng cách truyền bá kinh sách nhà Phật, giúp các vị Sư trong việc hoằng pháp. Dần dà những lời giáo huấn của vị "Kami ngoại lai" này đã có chỗ đứng vững chắc trong các gia tộc lớn của Nhật, và đó là điều rất quan trọng vì mọi việc điều hành đất nước đều do các gia tộc lớn quyết định.

Những lời dạy của Đức Phật, những điều hiếu hạnh trong kinh sách Phật giáo làm thỏa mãn con người Nhật, từ đó Phật giáo được phát triển mạnh trong lòng người Nhật, sức hấp dẫn của Phật giáo trong nhân gian tăng lên mạnh mẽ.

Thái tử Shotoku, khi lên ngôi Hoàng đế (573-621) là một trong những vị Hoàng đế đem sự phồn vinh sáng láng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hoàng đế Shotoku mặc dầu vẫn tiếp tục thờ cúng Kami theo truyền thống, nhưng tạo sự chuyển biến tích cực cho Phật giáo, bằng cách ra một sắc chỉ, lệnh cho các quan trong triều phải tỏ lòng tôn kính hết mực với các Kami của trời và đất (trong đó có Đức Phật). Shotoku nghiên cứu Phật giáo, Khổng giáo, hiểu biết sâu sắc cả hai.

Năm 604 Shotoku ban hành Hiến pháp có 17 điều nổi tiếng, trong đó có điều quan trọng nhất là: "Các ngươi cần phải thành thực tôn kính Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, chốn qui y sau hết của muôn loài và đã được hết thảy mọi người tôn kính".

Thái tử Shotoku đặc biệt gắn bó với Phật giáo, thậm chí còn thuyết Pháp. Bởi vậy trong lịch sử ông được tôn vinh là người lập nên Phật giáo ở Nhật Bản, ông đặt nền tảng văn hóa, quan hệ mật thiết cả Thần giáo, Phật giáo, Khổng giáo và người Nhật từ đó đã sống trong truyền thống tín ngưỡng như vậy.

Năm 725 Nhật Hoàng Shomu muốn xây một ngôi chùa thật lớn ở kinh đô Nara làm trung tâm Phật giáo cho cả nước. Nhật Hoàng muốn chắc chắn, sai pháp sư Gyogi (người quan hệ mật thiết của Thần đạo rất có uy tín), đi cầu thần Amaterasu ở đền lớn Ise.

Liệu ông tổ Thần Mặt Trời của đế chế sẽ nghĩ sao về: "Đức phật vị thần Mặt Trời ngoại lai này?".

Nhưng thật tuyêt! Sau khi Gyogi thành tâm cầu hỏi, đồng lên và đại thần uy nghi phán truyền rằng:

"Phật Gotama thực sự là một hiện thân của Kami và có thể thờ cúng như với Kami mặt trời Amaterasu". Giờ đây được sự phù hộ của Đức Phật thật là quan trọng nên Nhật Hoàng đã cho xây dựng ngôi chùa lớn, đồng thời sử dụng Gyogi cùng với Tăng Ni đi quyên góp tiền để dựng một tượng Đại Nhật Phật (Vairocana) đồ sộ ở đây. Từ đó Nhật Hoàng cho phép xây dựng chùa chiền ở khắp nơi để có chỗ Sư sãi cầu nguyện cho sự thịnh vượng của quốc gia Phù Tang này.

Bây giờ nhìn qua lễ Vu Lan Bồn ở Nhật, ở Nhật gọi là "Lễ Bon", viết tắt chức "Urabon", cũng còn viết là "Urambon". Trước thế chiến thứ hai, "Lễ Vu Lan Bồn" là ngày lễ công lập, công sở và trường học đóng cửa, nhân công được nghỉ việc ăn lương. Hai ngày lễ quan trọng nhất trong năm là ngày Tết Nguyên Đán và ngày Vu Lan Bồn, nước Nhật ngày nay sinh hoạt làm việc theo dương Lịch, nhưng các chùa và người dân vẫn còn giữ âm lịch. Trong hai ngày lễ lớn này, theo tập tục những người đi làm ăn xa gia đình phải trở về nhà sum họp và dâng lễ cúng tổ tiên. Vì vậy mà hai dịp lễ này các phương tiện chuyên chở đi lại đông đúc, riêng dịp Lễ Vu Lan từ cuối tháng sáu đến giữa tháng bảy xe cộ tấp nập kèn kẹt.

Cho đến ngày nay, đặc biệt ở vùng quê, dân chúng chuẩn bị Lễ Vu Lan Bon từ ngày mồng một tháng bảy. Trong mỗi cư gia Nhật đều có bàn thờ Phật gọi là Budsusan. Đầu tháng 7 người ta đặt trước bàn thờ Phật một chiếc bàn vong Shorydana, trên bàn vong đặt bài vị để đón tiếp hương linh Cửu huyền quá vãng. Ngày mồng bảy gọi là ngày Nanoka Bon, trưởng tộc hay gia chủ và người thân đi thăm mồ mã, quét dọn, làm cỏ, làm lễ tại ngôi mộ gia tiên.

Ngày 13 gọi là ngày "đón vong hồn" (Mukac Bon), ngoài mộ và trên bàn vong chưng đầy hoa đẹp gọi là Bonbana, trên lối đi nhiều nơi còn treo lồng đèn ở mỗi khúc rẽ, mỗi cư gia tứ bề thắp đèn lồng để vong linh khỏi lạc đường, chiều đến thì đốt đèn ngoài cửa nhà để tiếp đón vong hồn. Lửa này giữ cho đến ngày 16, gọi là ngày "tiễn đưa vong hồn" (Okuri Bon). Tại vài địa phương lại còn có tục lệ nhảy múa Vu Lan gọi là Bon Odori, chào mừng tổ tiên trở lại nhà sum họp với con cháu. Sau thế chiến thứ 2, phát triển du lịch, ngưòi ta phục hưng lại điệu múa Bon Odori kỹ lưỡng, đẹp đẽ và trọng thể để phục vụ các điểm du lịch.

Giữa thế kỷ thứ mười chín, Minh Trị Thiên Hoàng thấy các nước Âu Mỹ văn minh tiến bộ hơn bèn gấp rút công cuộc duy tân và kỹ nghệ hóa đất nước, vì vậy các lễ hội đình đám phải giản dị hóa, lễ hội Urabon và Sagaki-e cũng rút gọn lại.

Nhưng nước Nhật ngày nay đã văn minh, tiến bộ và phú cường, cuộc sống không còn khó khăn, nên hiện tại có khuynh hướng trở lại với đời sống tinh thần và tôn giáo. Ta hãy nghe giáo sư Kenneth Chen dạy tại Đại học Princeton, nói về Lễ Vu Lan ngày nay tại Nhật. Theo quyển Buddhism, The Light of Asia nhà xuất bản Barron, New York, Hoa kỳ in năm 1978; trang 263 ghi như sau: Vào ngày 13 tháng 7 âm lịch, bắt đầu lễ, người ta đi viếng, chưng hoa quả, thắp đèn đốt hương trên mộ, ở tại nhà cũng thắp đèn trước cổng, hàm ý dẫn đường cho vong hồn biết lối trở lại nhà để sum họp cùng con cháu và hưởng phẩm vật cúng dường. Trong mỗi gia đình, chưng dọn bàn thờ, dâng cúng hoa đẹp, quả tươi và thức ăn mà người Nhật thường dùng, trên bàn, trên chiếu giữa nhà, các món ăn như: mì sợi, chè kê, canh bí ngô, canh dưa gang, cá hấp, riêng ngày 13 có cùng món chè xôi nước đặc biệt để đón các vong hồn mới về. Ngày 14 ngoài các món ăn thường lệ, có cúng chè khoai và cá hấp trộn mè.

Ngày 15 ngoài việc cúng tổ tiên trong nhà, trước sân bày cúng hoa quả thực phẩm cho các cô hồn bị phiêu bạt đói khát không người cúng quảy, gọi là cúng "Segaki-e". Ngày 15 này cũng là ngày "cúng tiễn ông bà", ngoài những thức ăn thường ngày, còn có thêm cơm đùm lá sen, chè bột lọc bọc nhân đậu. Cũng có trường hợp ngày 16 là ngày giỗ một người nào trong gia đình, thì để đến ngày 16 làm cúng giỗ đồng thời cúng đưa tiễn luôn. Mỗi ngày, hương đèn trên bàn thờ không để lụi, thỉnh thoảng châm thêm trà nước hương hoa. Tại các làng xóm gần sông rạch và hồ biển, thường có người chết vì sông nước, thì đặt thêm thực phẩm, thắp đèn trên những chiếc bè, thuyền bé tí hon thả trôi trên dòng nước để cúng. Nhìn cảnh thắp đèn trên cổng nhà, ánh sáng bập bùng le lói trên các bè thuyền tí hon dưới sông trôi xa theo ngọn nước, theo làn gió người ta cảm khái nghĩ tưởng đến tổ tiên ông bà đã khuất, ý niệm nhớ ơn và báo ân đến với tất cả mọi người, ngày lễ "Vu Lan Báo Hiếu" thật sự đã gắn liền người sống hiện tại với người đã ra đi vào cõi hư vô.

Giác Nghiêm



Có phản hồi đến “Nhật Bản Với Phật Giáo Và Lễ Vu Lan”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com