VẤN: Trên mạng thỉnh thoảng con cũng hay đọc kinh. Ngoài một số vị Thầy thường dịch kinh con biết như HT Thích Trí Tịnh, HT Thích Viên Giác, HT Thích Trí Quang thì con thấy có rất nhiều vị thầy khác, kể cả một số học giả, Phật tử không phải người xuất gia dịch. Vậy con muốn hỏi làm thế nào để biết đó là kinh dịch đúng? Ai mới có đủ phẩm hạnh để dịch kinh? Con nghe nói nếu không đủ phẩm hạnh tốt chất dịch kinh thì sẽ dịch không đúng. Con có thấy một số bạn Phật tử họ dùng phương tiện khoa học máy tính kỹ thuật để dịch kinh được nhanh và họ bảo rằng họ là người tu tập nên dịch kinh đúng, là hạnh nguyện nên chỉ có dịch kinh thì mới giúp cho mọi người biết đường tu. Nhưng con thấy kinh các vị thầy dịch ra đâu có thiếu và đâu phải kinh nào cũng dành cho người tại gia đọc vì còn có kinh dành cho các Bồ Tát, các bậc đắc đạo. Nếu một người không phải người xuất gia, chưa được ấn chứng, chỉ có tu tập dịch kinh có được không? Kinh do những người đó dịch như vậy có giá trị không? Con nghe nói vì đại tạng kinh còn quá nhiều kinh chưa dịch nên các bạn cố gắng dịch. Tuy vậy con tự nghĩ có cần thiết phải như vậy không khi việc hành xử ở ngoài theo lời Phật dạy chưa thực hành được. Một người để dịch kinh cần những phẩm chất đầy đủ gì? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Lời Phật, thánh hiền, thánh, á thánh gọi chung là thánh hiền giảng dạy, viết ra gọi là Kinh, Thư, Từ, Sử. Kinh, Thư, Tử, Sử là những lời dạy, lời khuyên răn, lời sách tấn khuyến người đời lánh dữ làm lành, phận làm người nêu cao chí cả, trách nhiệm với cuộc đời, nhất là đối với chúng sanh từ con người hữu hình, vô hình, hai hình, từ thượng cầm đến hạ thú...đều được hưởng những ân huệ chung của thánh hiền.

Quá trình 60 năm tu hành của Sư có duyên phước được đọc nhiều lần các bộ kinh lớn của Phật, như kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Tam kinh Tịnh độ, kinh Trường A Hàm, kinh Trung A Hàm, kinh Tạp A Hàm, kinh Tăng Chi Trưởng Lão Kệ...Tuy không bằng các bậc Trưởng lão Tam tạng Pháp Sư, nhưng Sư cũng thuộc làu nhiều kinh trong đó có các kinh bộ học thuộc nằm lòng như kinh Hoa Nghiêm, kinh Trường A Hàm, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa của những bậc dịch kinh từ năm 1940 trở về trước. Kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu phiên dịch, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh phiên dịch, Đức Pháp Chủ Thích Khánh Anh, Hòa Thương Thích Hành Trụ, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Hòa Thượng Thích Trí Quang, Cụ Đoàn Trung Còn, Cụ Mai Thọ Truyền...Cận đại thì có Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Hòa Thượng Thích Từ Thông, Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Hòa Thượng Thích Phước Sơn, Hòa Thượng Thích Chơn Thiện.v.v., tuổi trẻ thì có Thượng Tọa Thích Nhật Từ, Sư cô Thích nữ Hương Nhũ là những nhà phiên dịch có uy tín với chư Tăng Ni, Phật tử trong thế giới học Phật trong nước và ở nước ngoài.

I .Chúng ta thử tìm hiểu về các từ ngữ trọng yếu, theo nghĩa thông thường của các kinh sách dành cho đại chúng và Phật tử thì chúng ta có:

Kinh nghĩa là lời dạy, là chơn lý là những lời dạy của Đức Phật, những bậc giáo chủ đưa những người muốn học đạo giải thoát tiếp nhận tu học, như kinh của Phật

Thư nghĩa là những lời truyền, những bài kệ, bài thi, trường thi, trường ca, từ tứ cú kệ, cho đến thất ngôn bát cú, thượng lục hạ bát, khuyến thiện người làm lành, như sách của Khổng Tử, Lão Tử, Tuân Tử

Tử nghĩa là giáo huấn, là lời dạy của thánh hiền, có giá trị với loài người khiến cho họ khi tiếp nhận biết sữa đổi, lánh dữ làm lành, như sách của Mâu Tử, Mạnh Tử

Sử nghĩa là lời người xưa, những lời được các bậc hiền ghi lại những việc đã qua, con người đã qua, sự kiện đã qua có chuẩn mực, chính xác trở thành ngụ ngôn để nhằm khuyên răn người đời không gieo rắc những cái xấu ác trong đời, làm tiêu biểu cho đời, xã hội, gia đình và cho con người, như sử sách của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim

Tâm và Tầm

Trong thế giới Đạo Phật phàm làm việc gì Đức Phật ngài quý ở “Tâm”, làm việc Phật sự mà không có “tâm”, tâm quyết thì việc hỏng to. Người có tâm quyết thì quyết đoán sự việc dù cho trọng đại đến đâu cũng dẫn đến thành công. Như một người tạc tượng Phật nếu nghệ nhân không có tâm quyết thì tạc khó thành, nếu có thành thì cũng không kỹ thuật cao, không vừa lòng mọi người, tạc rồi bỏ đó cho thời gian đeo bám thành bụi mờ thiên niên kỷ. Tuy nhiên, người có “tâm” mà không có “tầm” thì việc không thành công là điều kiện tiên quyết, mọi việc giải quyết trở nên rối rấm, làm hoài làm mãi vẫn không xong, dù có kiên nhẫn bao nhiêu cũng bị thoái trào, chỉ vì thiếu sự sáng suốt có đức mà không biết dùng người thì giữa trí tuệ và công đức vẫn còn xa vạn dậm, công việc nào cũng không thành. Người có “tâm” có “tầm” biết cách làm việc, biết sử dụng tài năng của chính mình cho công việc, nên công việc sớm thành công. Người có đức mà không có tài năng thì không làm việc gì xong, người có tài năng mà không có đức độ, có tâm thì việc hỏng to hơn gấp mười lần mọi người tưởng.

Cho nên người có “tâm”, có “tầm” là người có phước trí tuyệt vời của Bồ tát Thập Địa, không đua đòi vật chầt, không tốn thời gian suy tư lựa chọn đối tác, bởi vì người đó biết dùng người, biết ai là tài, biết ai là đức, biết ai có tâm, có tầm giải quyết mọi việc như gió nhẹ mùa xuân, như mùa gió nồm thổi mãi sự man mát vào lòng người lữ thứ. Việc dịch kinh, sáng tác sách Phật nhu cầu con người có tuệ giác, có tâm, có tầm, tâm là phát nguyện phiên dịch, tầm là phiên dịch đúng đắn, dễ nghe dễ hiểu, mọi người ham thích ngôn ngữ nhẹ nhàng thanh thản.

Công trình thế kỷ của các nhà dịch thuật

Ngôn ngữ latin Việt cổ được giáo sĩ Alexandre Rhodes, học sinh thời điểm năm 1958,1968 (trong đó có soạn giả bài nầy) còn gọi giáo sĩ là A lịch sơn Đắc Lộ hay giáo sĩ Đắc Lộ, ông là nhà truyền đạo Kitô giáo, ông sinh ngày 15/03/1591, mất ngày 5/11/1660. Giáo sĩ là nhà truyền giáo dòng Tên (jésuite) tại Roma, người Avignon miền Nam nước Pháp và cũng là giỏi về ngôn ngữ học. Giáo sĩ đi theo đoàn quân viễn chinh thực dân Pháp, nhưng Giáo sĩ có công chuyển ngữ từ tiếng “Việt Nôm” thành “Việt La Tinh.” Giáo sĩ có công biên soạn Tự điển Việt-Bồ-La năm 1651, xuất bản năm 1772 làm cho người Việt tiến bộ có ngôn ngữ latin học hành hiệu quả. Năm 1890-1910 những Hiệp hội như: Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục cổ vũ sử dụng tiếng Việt latin (trích Alexandre de Rhodes Vikipedia Bách khoa toàn thư mở). Cụ Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký), hiệu Sĩ Tải (1837-1898), năm 1865 sáng lập tờ “Gia Định báo” nhằm để cổ vũ cho phong trào sử dụng chữ Việt latin (trích Trương Vĩnh Ký Vikipedia Bách khoa toàn thư mở). Rồi đến Nam phong Tạp chí ra đời góp phần làm cho chữ Việt latin ngày càng dồi dào phong phú.

Hình thức chữ Việt latin thời bấy giờ như từ ngữ “Ông Trời” trong đó có từ “Ông” là tiếng Việt, từ “Trời” là tiếng Nôm, khi chuyển sang ngôn ngữ latin từ chữ Trời lúc bấy giờ dân Nam mới chỉ biết đọc chữ “Trời” là chữ “Blời”, người Bắc bộ có nơi đọc là “ông Giời”, người miền tây Nam bộ đọc là “ông Chời”. Chiếc “áo tràng” xưa gọi chiếc “áo chàng”. Chữ “nhiệt náo” thành “náo nhiệt”, chữ “thống kế” đổi thành mẫu tự latin là “thống kê”. Chữ “bồi hồi” trong tiếng Hán là “đi đi lại lại” chuyển sang tiến Việt latin thành “bồn chồn, xúc động”., chữ “hì” sau chuyển thành “cười”. Từ thuở đó, tiếng “Việt nôm” được chuyển thành “Việt latin” có vẻ văn minh và lần lượt các Cụ nhà văn Việt Nam tiếp tục “làm mới” chữ Việt nghe có vẻ trong trẻo có sức thu hút như ngày nay.

Phật giáo Việt Nam có các nhà dịch giả lớn, phiên âm theo ngôn ngữ xưa và nay, như các kinh bộ của Hòa Thượng Thích Khánh Anh, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Cụ Đoàn Trung Còn (dịch kinh năm 1928), phiên dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn, Pháp Bửu Đàn Kinh, Cụ Mai Thọ Truyền, Cụ Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch thuật bốn bộ A Hàm. Ngoài ra còn có kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Cụ Hòa Thượng Trương Văn Đó ở núi Chứa Chan dịch thuật chu đáo kỷ cương, kinh của các ngài được các học giả, tác giả, các sinh viên học sinh, Tăng Ni, Phật tử quan tâm tôn thờ và nghiên cứu tu học.

Các kinh bộ có giá trị của Cụ Đoàn Trung Còn tuy Cụ viên tịch đã 30 năm, nhưng rất được các tác giả, nhà soạn giả khác, nhà làm tự điển Phật học, các Học viện Phật học Việt Nam rất trân trọng trong việc sử dụng tư liệu, nhà xuất bản Hương Trang xin phép ấn tống tái bản. Tại Việt Nam chư Tăng Ni, Phật tử thường là nghiên cứu, đọc tụng kinh luật luận của Cụ Hòa Thượng Thích Trí Tịnh nên kinh bộ của Cụ xuất bản và phát hành thật nhiều đa dạng và phong phú. Kinh bộ của Cụ Hòa Thượng Thích Khánh Anh, Thích Hành Trụ dùng làm kim chỉ nam cho Tăng Ni tu học tại các Trường Hạ Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có Sư Tổ Minh Đăng Quang (miền Tây), Hòa Thượng Thích Viên Thành (miền Bắc), Sách Thiền tông của Cụ Hòa Thượng Thích Thanh Từ (Long Thành) phổ cập giảng dạy trong các Thiền viện.

Chúng ta có thể nhận định các Cụ là những bậc đáng tôn quý, các bản dịch kinh bộ của quý Cụ, đều do trí tuệ của quý Cụ mà hình thành, quý Cụ là những bậc chân tu thạc đức, đức độ hơn người, thần thông quảng đại, phước trí nhị nghiêm, huệ đăng sáng tỏ nên các bản dịch kinh bộ của quý Cụ tuy phiên dịch theo ngôn ngữ cổ, nhưng vẫn còn giá trị và phù hợp với các nhà nghiên cứu và người đọc hôm nay. Trước ngày hòa bình đối với các Sinh viên Hoc sinh, Tăng Ni thì các công trình dịch thuật của quý Cụ được tôn quý và mọi người thường ví Cụ Hòa Thượng Thích Minh Châu là hậu duệ của ngài Tổ sư Trần Huyền Trang, Cụ Hòa Thượng Thích Trí Tịnh là nhà dịch thuật trác việt hậu duệ của ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập. Hiện nay các bản dịch chữ latin Việt cổ, chữ nôm, chữ nho dành cho các Cụ tác giả, soạn giả cao niên, các tu sĩ trưởng lão rất thích đọc vì phù hợp, các nhà Phật học uyên thâm nghiên cứu bổ sung cho ấn phẩm của mình.

II .Các nhà dịch thuật phải có tu chứng

Pháp âm của Phật bao giờ cũng rền vang như sấm, tiếng pháp âm của Phật luôn chấn động vang khắp mười phương, pháp âm của Phật có công năng làm cho chúng sanh trong khắp pháp giới mười phương ba đời đều thấu hiểu, ai cũng có thể hiểu. Ví dụ như Phật dạy một bài giáo lý tứ đế nói về chuyện khổ vui của thế gian, đối với hàng phàm phu thì chấp nhận khổ vui. Đối với hàng Thanh Văn thì thấy khổ đau nên tìm đường xa lìa khổ đau. Đối với hàng Duyên Giác, Độc Giác thấy mọi việc trên thế gian là một tiến trình “duyên hợp huyễn có” nên giác ngộ tu hành chứng quả Bích Chi Phật. Đối với hàng Bồ tát Tam Hiền thì thấy việc thế gian cần phải dùng phương tiện cứu khổ hóa giải những khổ đau cho chúng sanh. Đối với Phật và Bồ tát Đẳng Giác không thấy có gì là khổ đau nên tự tại, Do đó, rảnh tâm rảnh tay mà lo cứu độ chúng sanh hoàn thành đại nguyện.

Đức Phật mỗi lần chuyển pháp là mỗi lần thay đổi, đổi thay cuộc sống loài người. Ví như Đức Phật nói pháp chuyển pháp luân lần đầu giúp cho năm anh em ông Kiều Trần Như, Bạt Đề, Át Bi, Ma Ha Câu Lỵ, Thập Lực Ca Diếp từ chỗ cố chấp mê lầm về sự giải thoát toàn diện thành pháp cầu sanh thiên, cho đến khi thâm thấu về lý tứ đế, tu bát chánh đạo tìm sự giải thoát cho chính mình và cho mọi người, Do đó, mới giải thoát thật sự, nhập niết bàn không câu chấp. Cũng vì thế mà giáo lý tứ đế là chân lý tuyệt vời, bắt buộc mọi người phải tiếp thu. Đức Phật Thích Ca là người có tu có học đạo giải thoát nên khi ngài xiển dương vi diệu pháp làm cho mọi người thức tĩnh tu hành. Chính Đức Phật là người luôn chịu khó thực hành khổ hạnh, ngài có thực tu có thực chứng, có đắc đạo, không tự mãn, ngã mạn nên lần đầu nói pháp cho năm anh em Kiều Trần Như tu theo đều chứng thành đạo quả

Các nhà biên soạn sách, phiên dịch từ ngọai ngữ trở thành sách tiếng Việt trong Văn học Việt Nam hay Văn học Phật giáo từ nhiều thế kỷ qua đã từng góp phần biến hóa ngôn ngữ Việt latin thành “quốc ngữ”, đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ đa văn, phát huy văn hóa Việt trở thành văn hóa bốn ngàn năm văn hiến. Công lao ấy thật to lớn, các vị là những nhà yêu nước thật sự qua các công trình văn học. Từ đó chúng ta có thể thấy những nhà trước tác, biên soạn sách Việt, phiên dịch luôn có trách nhiệm, cống hiến công sức trí tuệ của mình cho nước non, các vị luôn chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, trước nhà xuất bản, những gì mình đã nói lên trong quyển sách. Cho nên khi các cơ quan chủ quản ấn hành sách sẽ bảo đảm ý tưởng của nhà văn tương xứng với trình độ sẵn có cống hiến cho văn học nước nhà.

Nhà dịch thuật, nhà biên soạn sách Phật cũng thế. Các vị cũng sẽ tự chịu trách nhiệm về những ý tưởng, nội dung ngôn ngữ sử dụng, những phát minh, nội dung sáng kiến mới, công đức tu hành, dày công học tập cống hiến cho người tu sĩ Phật giáo đọc để hiểu biết và để có cơ sở tu hành đúng chánh pháp, đúng với ý tưởng của môn phong pháp phái. Như thế thì không có lý do gì mà các tác giả không tạo cho mình thành một tượng đài trong nội dung sách, giúp người đọc xong có thể hiểu biết chuẩn xác và vững vàng tâm thế tu hành

Tiêu chuẩn các nhà dịch thuật

Người tu sĩ thời mạt pháp ít nhiều chắc chắn có những dư nghiệp, có những thử thách nhất định trong quá trình tu nhơn học Phật. Vị giảng sư là người Thầy của nhơn thiên thay mặt Phật truyền bá chánh pháp, những lời dạy của Phật bao giờ cũng phải đủ tiêu chuẩn đạo hạnh khả phong, tướng hảo quang minh, lời nói lưu loát, lão thông kinh luật, thật thà mà nói pháp, thiện xảo biện tài, giúp cho người thấu hiểu cạn lẽ lời Phật dạy.

Không có tư liệu nào nói về tiêu chuẩn của nhà dịch già, dịch thuật, nhà viết sách Phật, Phật giáo Việt Nam có Hòa Thượng Thích Thông Bủu, Trụ trì chùa Quán Thế Âm, đệ tử của Hòa Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức, ở Phú Nhuận biên soạn sách “Bảy Đức Táng Ưu Việt của vị giảng sư”, sách phát hành năm 2004 do Nhà xuất bản Tôn Giáo cho ấn hành phổ cập trong giới giảng sư. Trong sách cũng nói đến: tâm ý của vị giảng sư như trũng thấp, như biển cả, như sóng biển không bao giờ khiếp sợ trước đại dương mênh mông - Tài trí của vị giảng sư như hùng vĩ của núi rừng - Thản nhiên của vị giảng sư như bình lặng của đồng bằng - Minh triết của vị giảng sư như sự sáng chiếu của mặt trời - Phương tiện của vị giảng sư như sự thẩm nhập của không khí - Hòa hợp của vị giảng sư như sự hiện hữu của muôn loài trong vũ trụ - Bao dung của vị giảng sư như sự bao la của không gian. (trang 18,19 Bảy Đức tính ưu việt của Giảng sư, Sa môn Thích Thông Bửu).

Từ bảy đức tính trên của vị giảng sư, chúng ta có thể suy luận về người dịch thuật cũng phải có các đức tính tốt của cá nhân người dịch. Nhà dịch thuật bao giờ cũng phải đủ trình độ phiên dịch, những đức tánh từ bi trí tuệ là tiêu chuẩn hàng đầu của nhà dịch thuật trong đạo cũng như ngoài đời. Trước nhất chúng ta suy luận trong đạo

Trong đạo

Đạo đức, hạnh lực, trí lực của vị giảng sư, cho ta thấy: “giảng sư là người thuyết giảng qua thiệt căn và âm thanh, nhà dịch thuật thì giảng bằng thân và ngòi bút...”

Với các đức tính của vị giảng sư như trên, theo ý kiến tác giả chúng ta có thể suy luận về đạo hạnh của nhà dịch thuật, như sau: - Nhà dịch thuật phải lão thông ngọai ngữ, ít nhất hai thứ tiếng - Nhà dịch thuật phái có quá trình tu chứng, quyết tâm học đạo giải thoát, tức là có tu hành - Nhà dịch thuật phải có trí tuệ tuyệt vời song song với công đức tu hành - Nhà dịch thuật dồi dào suy luận, suy luận chuẩn mực theo đạo lý Đức Phật mà mình xiển dương - Nhà dịch thuật phải ở chỗ không, nhàn rỗi, tránh xa việc ác thực hành các việc thánh thiện không tham chánh, dự bàn quốc sự, theo truyền thống của ngày Lô Sơn Huệ Viễn “Sa môn không lạy Vua”, cũng như theo luật Tỳ kheo, Phật chế: ”Sa môn không xem diễn binh tập lính, không đến nơi gõ cửa công quyền, chỉ trừ khi có việc cần” và lời Phật dạy trong kinh Di Giáo, Tỳ kheo không làm thông sứ (du thuyết thông tin chính trị) - Nhà dịch thuật không tu hành phức tạp như tu sĩ Bà la môn...Chắc chắn nhà dịch thuật nầy đủ tiêu chuẩn dịch kinh sách Phật cho mọi người nghiên cứu tu hành học đạo. Dịch sách có hai đối tác: một là dịch kinh sách Phật, hai là dịch sách đời. Đối với người dịch tác phẩm nào cũng quan trong, cần được trao giồi tính chuyên môn cao, phân định phẩm loại cho có thứ lớp theo tiêu chí người dịch thuật.

Ngoài đời

Người dịch sách rất cần nhiều tiêu chuẩn để có được bản dịch thành công. Một dịch giả dịch sách đòi hỏi phải có sự am hiểu giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Để có thể biết cách vận dụng một cách linh hoạt, xử lý những từ ngữ phức tạp trong cuốn sách đó, để nó dễ dàng chuyển tải đến với người đọc nhất.

Một điểm chung giữa dịch sách với dịch các chuyên ngành khác chính là việc phải thông hiểu về từng chuyên ngành, cũng như việc bạn am hiểu về tiếng anh khi tiến hành dịch thuật vậy.

Tuy nhiên, một điểm khác khi dịch thuật sách là tiêu chí đòi hỏi nhà dịch thuật phải có khả năng chuyển tải ngôn ngữ chuyên nghiệp. Mỗi một câu văn trong sách đều phải đảm bảo nó đã được trau chuốt kỹ lưỡng về văn phong, chính tả, ngữ nghĩa. Ý thức được điều này, dịch thuật Haco luôn có sự làm việc nghiêm túc từ những khâu ban đầu đến khi sách xuất bản thành công. Quy trình nghiêm ngặt đó được tuân thủ đối với tất cả những đầu sách mà chúng tôi đã xử lý. Chính vì vậy mà khách hàng luôn có sự an tâm khi tìm đến với công ty chúng tôi.

Dịch sách được đề cao là một lĩnh vực dịch thuật quan trọng bởi lẽ đơn giản vai trò của sách với đời sống là vô cùng lớn. Không chỉ để giải trí, những cuốn sách còn có ý nghĩa lớn lao với kinh tế, chính trị, xã hội với các nội dung vô cùng phong phú và đa dạng. Được xem là sản phẩm của trí tuệ, vì thế nhu cầu giao lưu giữa các nước về sách là rất lớn, nhằm học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm cùng nhau phát triển. Mặc dù những cuốn sách với nội dung về lịch sử của một quốc gia dường như là vấn đề riêng, tuy nhiên nó được dịch thành nhiều thứ tiếng khác nhau đề nhân loại cùng biết đến.

III .Người dịch thuật giỏi

Dịch thuật sách được xem là trình độ chuyên nghiệp của ngành liên quan nhiều đến văn học nghệ thuật, nhất là văn học văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng. Vì để có được một bản dịch hay uyển chuyển linh họat thu hút cho quyển sách, ngoài tiêu chuẩn biên dịch chuẩn xác, thì ngôn ngữ của bản dịch phải phù hợp với thể loại sách, phóng khoáng, lôgic, đồng thời toát lên được những cảm xúc mà tác giả muốn nhắn gửi đến trong tác phẩm đó.

Người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ một đôi khi chưa phải là nhà dịch thuật, hoặc là nhà dịch thuật giỏi cũng không phải là người có học vị Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhất là hiện nay văn học đất nước ta phát triển, các nghiên cứu sinh bảo vệ luận văn trong nước, như luận văn Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng chỉ phát huy về ngôn ngữ học tiếng Việt, không sử dụng ngọai ngữ nên các vị chưa phải là nhà dịch thuật sách ngọai quốc giỏi, làm cho trở thành sách tiếng Việt phục vụ cho độc giả. Chỉ trừ một ít các nhà dịch thuật chuyên nghiệp tạo thành sách song ngữ cho người nước ngoài đọc nghiên cứu sách Việt và ngược lại.

Cư sĩ minh triết biên soạn dịch thuật

Vào những thế kỷ thứ III có ngài Khương Tăng Hội ở Luy Lâu (miền Bắc Việt Nam ngày nay) thế kỷ thứ IV có ngài Cưu ma La Thập, thế kỷ thứ VII trong thế giới Phật học có nhà dịch thuật như Trần Huyền Trang đến Ấn Độ đãnh lễ ngài Giới Hiền, Viện trưởng Viện Đại Học Nalanda tôn làm Thầy, ngài Khang Tăng Khải, ở nước Khương Cư, thế kỷ thứ V có ngài Cương Lương Da Xá. là những nhà dịch thuật giỏi, các ngài là những bậc đắc đạo, chứng tứ quả, hành Bồ tát đạo không còn trở lại thế gian. Các ngài chỉ một lòng phát nguyện truyền bá chánh pháp, vừa tu hành, vừa đi hành cước, vừa dịch kinh, tung kinh không hề nhàm trể, nên khiến cho việc dịch thuật kinh, luật luận từ tiếng Tây vức, các thứ tiếng của những vương quốc nằm sâu trong vùng Hy mã Lạp sơn, các ngài dịch thuật kinh Phật sang tiếng Trung. Đến thế kỷ thứ IV du nhập Hàn Quốc, thế kỷ thứ VI du nhập Nhật Bản.

Tiến trình phát huy văn hóa dân tộc người con Phật chúng ta cũng cảm thấy rất vui mà cũng rất buồn, trong khi có khoảng thời gian nước ta bị xem là một nước nhược tiểu 1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, ai cũng muốn làm quan thầy khai hóa cho dân Nam. Quá trình nầy chỉ có Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc. Ngay từ đầu đã có các ngài Khưu Đà La, Khương Tăng Hội, Mâu Bác cư sĩ dạy tu niệm Phật và Thiền định, các ngài giỏi ngôn ngữ Hán Việt, hay Ấn Hoa.

Không phải nói đến Cư sĩ là người không tu, hoặc tu ít, với lý do gia duyên bận buộc, bận việc lo cho gia đình, xã hội, miếng cơm manh áo, thê tằng tử phược nên gọi tu dở, làm việc Phật sự bị trở ngại. Có lẽ đến lúc trong giới Phật học chúng ta cũng nên suy nghĩ quan tâm nhiều hơn đến giới Cư sĩ.

Thời Phật cũng có những bậc Cư sĩ chân tu đắc đạo như quý ngài Cấp Cô Độc, Trưởng giả Da Xá, nhà vua A Dục, nhà vua Bình Sa Vương, nhà vua Ba Tư Nặc, nhà vua Ưu Điền, nhà vua Lương Võ Đế, nhà vua Đường Lý Thế Vân. Tại Việt Nam có các bậc Thiền sư như Thượng sĩ Huệ Trung Trần Quốc Tảng, nhà vua Trần Thái Tông (Việt Nam), nhà vua Thuận Trị, nhà vua Khang Hy (nhà Thanh, Trung Hoa). Những cư sĩ Phật giáo Việt Nam như Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám (Hội Phật học Trung Phần), Thiền sư Minh Trí (Tịnh độ Cư sĩ), Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (Hội Phật học Nam Việt), Cụ Hồng Tại Đoàn Trung Còn (Hội Tịnh Độ tông), Cư sĩ Comis Chấn (Linh Sơn nghiên cứu Phật học hội), Cư sĩ Phạm Kim Khánh (Nam tông). những vị cư sĩ nầy là bậc Bồ tát, A la hán tái sanh làm Cư sĩ đem giáo pháp Phật đi vào đời, hội nhập dòng đời đúng với chánh pháp. Với những vị Cư sĩ trên chúng ta không thể phê phán có tu hay không tu mà dịch kinh viết sách, quý vị là những bậc siêu xuất thế gian đến đây để cứu vớt trần gian.

Gần 20 thế kỷ qua, chúng ta không thể đem so sánh Lục Tổ Huệ Năng đối với thế gian, chúng ta cũng không thể đem đạo hạnh trí tuệ của ngài so với các Cư sĩ khác. Đứng về gốc độ xuất thế Ngài là bậc thiên nhơn sư hiện thân Cư sĩ đại sĩ, để giáo hóa “diệt ngã” đối với các nhà học Phật xưa cũng như nay. Biết bao các bậc long tượng tu hành xuất chúng thành tựu đạo nghiệp, nối tiếp bước chân của ngài, như Lâm Tế Nghĩa Huyền, Bách Trượng Hoài Hải, Thanh Nguyên Hành Tư, chư vị Thiền sư tu hành đắc đạo trong chốn ngũ gia tông pháp làm chấn động khắp mười phương ba cõi.

Các nhà vua nếu không tu thì thôi, nhưng nếu các vị mà tu hành thì trăm họ đều tu theo. Như thời Phật tại thế, mặc dù ngài không nói đến việc ăn chay, nhưng ngài thường khuyên các nhà Vua không nên giết thú. Một nhà vua mà không giết thú một ngày thì ngày đó thần dân không dám giết thú, thể hiện lòng từ bi lợi lạc chúng sanh biết bao!

Đức Tôn sư Thiện Phước Nhựt Ý dạy: “mình có tu mới dạy người tu” và học người đó sẽ tu hành bất thối chuyển cho đến ngày nên đạo nghiệp. Nhà dịch thuật cũng thế. Trong giới Phật học, như Hòa Thượng Thích Trí Tịnh khi dịch kinh ngài phát nguyện dịch kinh bộ làm cho mọi người đều tu, học đạo giải thoát; trong quá trình dịch kinh ngài nguyện nhập thất mà dịch cho đến khi nào dịch xong mới xuất thất. Do đó, những Tăng Ni tụng kinh bộ của ngài dịch thuật đều tu hành nghiêm túc đến bờ đến bến.

Cư sĩ Đoàn Trung Còn, Cư sĩ Mai Thọ Truyền là những nhà học giả lỗi lạc dịch kinh bộ cho người tu tụng niệm, dịch thuật Luật Tứ Phần cho chư Tăng Ni tu hành. Cụ Đoàn Trung Còn được hằng ngàn Tăng Ni, Phật tử môn phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng tôn thờ như những bậc tiền bối hữu công trong giới tu hành và Phật sự to lớn dịch thuật. Cư sĩ Phạm Kim Khánh nhà dịch giả dịch kinh sách Phật Nam tông, trong đó nổi bật là bộ Phật học “Đức Phật và Phật Pháp” dày 500 trang, một trước tác giá trị trong thế giới Phật học Nam tông của ngài Trưởng lão Đại Đức Narada. Là Cư sĩ nhưng các vị chân tu thật học, một lòng với chánh pháp cho nên các Cụ tuy tuổi già, có người đã tịch nhưng dư âm sách do quý Cụ dịch đều được hằng vạn chư Tăng Ni, Phật tử nghiên cứu tu học.

Phần kết

Nhà dịch thuật kinh sách Phật không phân biệt Xuất gia hay Cư sĩ, các vị là những Bồ tát hiện thân, lão thông kinh pháp, tài năng, khoa giáo không chê vào đâu. Các vị là những Bồ tát tái thế làm Phật sự phụng sự chánh pháp theo lời huyền ký của Phật. Mỗi một dịch giả sách Phật là một Bồ tát mang hạnh nguyện lợi tha, giúp cho một nhóm người, nhiều người, nhiều Tăng Ni được hiểu biết lời dạy của Phật có cơ sở..

Tôi đọc nhiều sách và đọc nhiều lần sách do các giới Cư sĩ dịch thuật, biên soạn, đôi khi các vị còn có những từ ngữ xuất chúng đầy kinh nghiệm giúp cho chư Tăng Ni nghiên cứu học Phật

Chúng ta còn nhớ Thái Hư Đại sư, Ấn Quang Đại sư, Cư sĩ Bánh Triệu Thăng, là những bậc xuất thế nhưng đắc đạo. Các ngài là những bậc Bồ tát thị hiện thân Cư sĩ uyên thâm Phật pháp. Các vị thực hiện hạnh lành của Bồ tát Quan Âm, hóa thân bất cứ nơi nào chúng sanh cần thiết.

Tóm lại, giới Phật học Cư sĩ có hai mãng: một là tự nghiên cứu tu học, hai là dịch thuật biên soạn sách Phật tùy theo nhu cầu cần thiết trong giới học Phật. Trí tuệ Phật, tuệ giải thoát không phân biệt Cư sĩ hay Xuất gia miễn làm sao có cơ sở giúp chư Tăng Ni tu hành, chúng ta nên tán thán công đức các Cư sĩ.

Phật không cư sĩ xuất gia

Pháp không biên giới lựa người chuyên tu

Còn chấp như áng mây mù

Đến khi vô chấp trăng thu hiện tiền.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Tử Tại Gia Cần Những Điều Kiện Gì Mới Dịch Được Kinh? Làm thế Nào Để Biết Bản Kinh Dịch Là Đúng?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com