Tôi ghé vào quán nước ven đường, kêu quả dừa Xiêm, cũng là để chờ cả đoàn tham quan tập trung đủ.

Nắng cuối ngày đã tắt lịm phía bên kia ngọn Phật Sơn, nhưng hơi nóng của miền Trung đất Thái vẫn hầm hập quyện với khói bụi lò nướng đồ ăn vặt và sự ồn ĩ của những toán khách du lịch càng làm tăng sự ngột ngạt ngày hè. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy thật bình yên. Có lẽ bởi lời giới thiệu nhẹ nhàng của hướng dẫn viên bản địa về những con người hiền hòa ở một đất nước lấy Phật giáo làm quốc đạo đã thấm vào mình. Hoặc cũng có thể vì dòng nước mát lạnh, ngọt lịm từ trái dừa chính gốc.

Bỗng có tiếng hú của xe cấp cứu, rồi xe cảnh sát rú liên hồi. Quả là điều bất thường ở xứ sở không tiếng còi xe. Tôi chạy theo đám đông hiếu kỳ. Hai nạn nhân vẫn còn nằm sóng soài trên nền đất bụi.

Mọi nỗ lực cấp cứu không thành. Cả hai đều đã xuôi tay vì có tới 6 phát đạn bắn vào đầu và tim ở cự ly gần. Kẻ thủ ác vừa lao lên một chiếc xe màu trắng, tẩu thoát. Phỏng vấn nhanh những người dân chứng kiến của cảnh sát cho thấy, đó là một vụ tình án. Những lời họ đã cãi vã, quát tháo nhau trước khi súng nổ đã hé lộ nguyên nhân.

Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng vì vụ vung súng tàn bạo giữa đám đông. Cậu hướng dẫn viên phân bua: Người Thái luôn an phận thủ thường, sống hiền hòa, ít ganh đua vì phần đông đều được tu tập từ khi còn thơ ấu. Thế nhưng, không có thứ tôn giáo nào cao hơn tình yêu, thưa quý vị. Khi bị phụ tình, người lớn tuổi thường vào chùa để an lạc, nhưng khí chất của người trẻ thì không thể lường được...

Tôi chợt nhớ chuyện xảy ra ở xứ mình. Ấy là năm 2013, liên tiếp hai vụ thanh niên dùng xăng đốt sống người tình. Năm ấy, Công an Đà Nẵng thống kê có đến bảy vụ giết người vì mâu thuẫn tình yêu trai gái. Cắt nghĩa với tôi về hiện tượng này, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca dẫn câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên “nếu vì em mà ta phải điên tình/cơn giận dữ đã tận cùng mê muội”...

Nhưng dù có bị phụ tình, thì hành xử của tuổi trẻ ở thế hệ chúng tôi không có sự tàn độc. Kẻ yếu đuối, bi lụy chỉ đơn giản tự chuốc lấy khổ đau, trút tình hận vào thơ và nhạc hoặc đập đàn, bỏ mặc cho trái tim đói khát. Cùng lắm là quyên sinh hoặc tàn phá đời mình như một cỗ xe lang bạt.

Ngay cả Đynh Trầm Ca, khi tuyệt vọng, ông cũng chỉ “trả thù” người con gái tên Thu bằng khúc nhạc để làm nàng không nguôi day dứt: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ/ngồi ru con như ru tình buồn” (Ru con tình cũ). Và gã tình địch của ông - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển không chiếm được trái tim nàng Thu kia thì cũng chỉ sướt mướt: Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/để hái dâng người một đoá đẫm tương tư (Thu, hát cho người)…

Thời của chúng tôi, mỗi mối tình tan vỡ luôn là những dư âm u nhã, ngọt ngào, đau đớn nhưng vẫn đầy tiếc nuối và tuyệt nhiên không tàn hại, hạ thấp con người, “Thà như giọt mưa/ đến ôm tượng đá/có còn hơn không”…

Trong suốt chuyến trở về, lòng tôi cứ nhói câu hỏi, có những người trẻ hôm nay, đằng sau nỗi “đau tình” còn chất chứa những bế tắc nào đó do nhận thức và cả ngoại cảnh tác động? Và khi mất tình yêu, trái tim vốn ít hy vọng trong họ đã trở nên hung hãn. Trong khi đó, văn hóa phẩm tử tế không nhiều, còn phim ảnh bạo lực lại không ít trên mạng không ngừng kích thích sự nảy sinh của típ người máu lạnh.

Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên: “Mỗi đắm đuối có một mầm gian ác”. Cầu mong đó không phải là chân lý cuộc sống ta mong đợi.

(Theo Lao Động)





Có phản hồi đến “Thất Tình - Mỗi Đắm Đuối Có Một Mầm Gian Ác”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com