Giới thiệu

Đây là quyển kinh thứ nhất của Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya), có lẽ đã được tổng hợp thành một quyển cẩm nang cho các Sa-di và Sa-di-ni. Quyển nầy gồm 9 bài kinh, bao gồm các đề tài cơ bản cho những vị xuất gia bắt đầu đời sống tu hành tại các tu viện. Tuy nhiên, nhiều đoạn kinh cũng được dùng để giới thiệu các căn bản Phật Pháp cho các cư sĩ.

Bài kinh thứ nhất và thứ hai dùng trong các buổi lễ xuất gia của Sa-di và Sa-di-ni. Bài kinh thứ ba là các hướng dẫn tiên khởi để quán thân thể, một bài tập để vượt thắng lòng tham dục. Bài kinh thứ tư giới thiệu các phân loại cơ bản để phân tích, phát triển tuệ tri, bắt đầu là nguyên lý duyên sinh, trọng tâm của đạo Phật.

Bài kinh thứ năm đưa ra một tổng quan về sự tu tập - bắt đầu từ nhu cầu gần gũi các bậc thiện tri thức, và chấm dứt khi đắc Niết-bàn. Bài kinh đề cập đến các phước hạnh như là một sự phòng hộ thiện lành, không phải từ các nghi lễ rườm rà mà từ các hành động bố thí, giới đức và trí tuệ. Bài kinh thứ sáu khai triển từ bài kinh thứ nhất và thứ năm, đề cập chi tiết về Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng, và đồng thời trình bày cách thức tu thiền để đắc quả Dự lưu, quả đầu tiên đưa đến Niết-bàn.

Bài kinh thứ bảy có chủ đề về lòng bố thí quảng đại, công đức từ sự cúng dường chư Tăng được hồi hướng đến các thân nhân đã qua đời. Bài kinh thứ tám giảng về các hành động từ thiện, bố thí sẽ đưa đến lợi lạc lâu bền, tốt hơn là các đầu tư về vật chất. Cuối cùng, bài kinh thứ chín trở về đề tài hành thiền, chú trọng đến việc phát triển lòng từ mẫn, thiện ý, yêu thương mọi người, mọi loài.

Tất cả 9 bài kinh này, trong những ý nghĩa khác nhau, thường được tụng đọc và suy niệm trong các cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy từ xưa cho đến hiện nay. Hằng ngày, cư sĩ lẫn tu sĩ đều tụng đọc bài kinh đầu tiên về quy y Tam Bảo để tự nhắc nhở. Các tu sĩ thường tụng các đoạn kinh trích trong các bài kinh thứ năm cho đến thứ chín khi nhận lãnh sự cúng dường của cư sĩ, và thường dùng bài kinh thứ năm (Kinh Phước Đức) làm đề tài trong các buổi thuyết pháp.

Tóm lại, quyển Tiểu Tụng này được dùng như một quyển kinh dẫn nhập hữu ích trong bước đầu của đời sống tu sĩ và trong đời sống của mọi Phật tử hiện thời.

Tỳ-kheo Thanissaro (Bình Anson lược dịch, tháng 01-2001)



I. Tam Quy (Saranattaya) [^]

Đệ tử quy y Phật, Đệ tử quy y Pháp,
Đệ tử quy y Tăng.

Lần thứ hai đệ tử quy y Phật,
Lần thứ hai đệ tử quy y Pháp,
Lần thứ hai đệ tử quy y Tăng.

Lần thứ ba đệ tử quy y Phật
Lần thứ ba đệ tử quy y Pháp.
Lần thứ ba đệ tử quy y Tăng.


II. Thập Giới (Dasasikkhàpada) [^]

1. Đệ tử thực hành giới tránh sát sanh. 2. Đệ tử thực hành giới tránh lấy của không cho.
3. Đệ tử thực hành giới tránh tà hạnh trong các dục.
4. Đệ tử thực hành giới tránh nói láo.
5. Đệ tử thực hành giới tránh mọi cơ hội buông lung phóng dật do uống rượu hoặc các thứ men say.
6. Đệ tử thực hành giới tránh ăn phi thời.
7. Đệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch.
8. Đệ tử thực hành giới tránh cơ hội đeo vòng hoa và trang điểm với hương liệu, dầu xoa.
9. Đệ tử thực hành giới tránh dùng giường cao và rộng.
10. Đệ tử thực hành giới tránh nhận vàng bạc.


III. Ba Mươi Hai Phần (Dvattimsàkàra) [^]

Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, chất nhờn ở khớp, nước tiểu và não trong đầu.


IV. Nam Tử Hỏi Đạo (Kumàrapanha) [^]

Thế nào là một? - Mọi loài hữu tình đều tồn tại nhờ thức ăn.
Thế nào là hai? - Danh và sắc.
Thế nào là ba? - Ba loại cảm thọ.
Thế nào là bốn? - Bốn Thánh đế.
Thế nào là năm? - Năm thủ uẩn.
Thế nào là sáu? - Sáu nội xứ.
Thế nào là bảy? - Bảy giác chi.
Thế nào là tám? - Thánh đạo tám ngành.
Thế nào là chín? - Chín nơi cư trú của các loài hữu tình.
Thế nào là mười? - Vị nào có đủ mười đức tánh được gọi là vị A-la-hán.

HT Thích Minh Châu



Có phản hồi đến “Tam Quy”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com